Một sà lan mắc cạn ở bờ cát của sông Solimões hôm 17/9. Ảnh: Reuters
Brazil hiện nay đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất từ năm 1950, theo Cemaden, trung tâm theo dõi thiên tai của nước này. Đây là năm thứ hai liên tiếp xảy ra hạn hán cực hạn ở Brazil. Gần 60% đất nước bị ảnh hưởng, một số thành phố, bao gồm thủ đô Brasília, ghi nhận hơn 140 ngày liên tục không có mưa. Ở trung tâm rừng mưa Amazon, tác động lên sông ngòi gây sốc và giới chuyên gia đang báo động về nguy cơ đối với khu vực, một điểm nóng đa dạng sinh thái quan trọng, theo CNN.
Rio Negro, một trong những phụ lưu lớn nhất của sông Amazon, có mực nước thấp kỷ lục vào thời gian này trong năm gần thành phố Manaus ở bang Amazonas. Mực nước đang giảm ở tốc độ khoảng 17,8 cm/ngày, theo cơ quan địa chất Brazil. Dòng nước đen ngòm đặc trưng của dòng sông thường chảy qua mê cung kênh đào dày đặc, nhưng ảnh vệ tinh hiện nay cho thấy nó đã thu nhỏ đáng kể với nhiều vùng lòng sông rộng lớn lộ ra. Sông Rio Negro đang cạn nhanh khi nhiệt độ tăng cao và nước mưa cực khan hiếm, theo Lincoln Alves, nhà khoa học ở Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil.
Điều tương tự cũng xảy ra với sông Solimões, dòng nước sông đục ngầu hợp nhất với sông Rio Negro ở Manaus để hình thành sông Amazon. Tháng này, mực nước sông Solimões tụt xuống mức thấp kỷ lục ở Tabatinga, thành phố Brazil giáp biên giới Colombia và Peru. Tàu thuyền mắc cạn và dải cát khổng lồ lộ ra ở nơi nước sông từng chảy qua.
Hồ Tefé ở bờ phía bắc sông Solimões, cũng biến mất phần lớn. Ảnh chụp hồ nước vào tháng trước cho thấy nó đã thu hẹp đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục nhỏ đi. Điều này góp phần vào tình trạng thiếu hụt nước và ảnh hưởng tới hệ sinh thái địa phương, theo Alves.
Năm ngoái, hơn 200 con cá heo chết trong hồ do hạn hán lịch sử và nhiệt độ nước cao kỷ lục. Giới chuyên gia lo sợ thảm họa sẽ lặp lại trong năm nay. Miriam Marmontel, người phụ trách dự án cá heo ở Viện phát triển bền vững Mamirauá hồi đầu tháng 9 cho biết họ phát hiện trung bình một con cá heo chết mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu cho rằng khi hồ nước thu nhỏ, có ít không gian sống cho cá heo hơn, đẩy chúng vào nguy cơ va chạm với tàu phà cao hơn.
Ở nhiều vùng của sông Amazon, hạn hán dữ dội hơn thời điểm tồi tệ nhất năm ngoái, theo Romulo Batista, nhà sinh vật học kiêm phát ngôn viên của tổ chức Hòa bình Xanh Brazil. Tình huống khiến người dân địa phương phụ thuộc vào dòng sông để kiếm kế sinh nhai, thức ăn, thuốc uống và đi lại, trở nên điêu đứng. "Chúng tôi đang trải qua tình huống chưa từng xảy ra trước đây. Sự sụt giảm mực nước sông ở mức khổng lồ", André Guimarães, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu môi trường Amazon, thừa nhận.
Hạn hán nghiêm trọng kéo dài ở Brazil là kết quả từ nhiều yếu tố. El Niño, mô hình khí hậu tự nhiên, mang thời tiết khô nóng hơn tới khu vực vào năm ngoái và kéo dài đến năm 2024. Hiện nay, El Niño đã kết thúc nhưng nắng nóng và hạn hán vẫn tồn tại do ảnh hưởng từ nhiệt độ Đại Tây Dương nóng khác thường.
Một yếu tố khác là chặt phá rừng góp phần làm tăng nhiệt độ và thay đổi mô hình lượng mưa. Biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch cũng kéo theo nhiệt độ ấm hơn và thời kỳ không mưa kéo dài hơn. Hạn hán năm ngoái ở lưu vực Amazon dễ xảy ra gấp 30 lần do biến đổi khí hậu, theo báo cáo của World Weather Attribution, mạng lưới nhà khoa học chuyên phân tích sự kiện thời tiết cực đoan. Hạn hán cũng cung cấp điều kiện cho cháy rừng ở Brazil, phá hủy diện tích lớn rừng mưa Amazon và vùng Pantanal, đầm lầy nhiệt đới lớn nhất thế giới, khiến các thành phố chìm trong lớp khói dày.
An Khang (Theo CNN)