Khu đền 9.000 năm tuổi trên sa mạc Jordan. Video: AFP
Khu phức hợp nghi lễ có niên đại thời kỳ đồ đá mới được phát hiện lần đầu vào tháng 10 năm ngoái bởi các nhà khoa học Pháp và Jordan trong Dự án Khảo cổ Đông Nam Badia (SEBAP) tại khu vực Jibal al-Khashabiyeh trên sa mạc phía đông nam Jordan.
Địa điểm này nằm gần những "cánh diều sa mạc" - một trong những công trình kiến trúc lớn được con người xây dựng sớm nhất trên toàn thế giới, bao gồm những bức tường đá hội tụ dài hàng kilomet dùng để bẫy động vật hoang dã.
Bên trong khu đền thờ, nhóm khai quật đã tìm thấy hai tấm bia đá dựng đứng được chạm khắc hình người cao 70 và 112 cm, cùng một bàn thờ, lò sưởi, các đồ tạo tác như xương động vật, đá lửa, khoảng 150 hóa thạch biển và một mô hình thu nhỏ của "diều sa mạc". Chúng có niên đại khoảng 7.000 năm trước Công nguyên và vẫn trong tình trạng bảo quản tốt.
SEBAP mô tả đây là "khám phá ngoạn mục và chưa từng có" vì nó cung cấp một bằng chứng độc đáo về sự sắp xếp nghi lễ phức tạp từ thời kỳ đồ đá mới. Bản thân mỗi thành phần trong ngôi đền đều đáng chú ý.
Trong khi những cánh diều sa mạc gợi ý "chiến lược săn bắt động vật hàng loạt cực kỳ tinh vi và không thể ngờ tới trong một khoảng thời gian sớm như vậy", khu phức hợp nghi lễ rất có thể là một biểu tượng thiêng liêng "để khẩn cầu các lực lượng siêu tự nhiên cho những cuộc đi săn thành công và có nhiều con mồi để bắt".
"Khám phá này cung cấp cho chúng ta bằng chứng vô giá về cuộc sống, truyền thống và các nghi lễ lịch sử ở Trung Đông", Đại sứ Pháp Veronique Vouland-Aneini nhấn mạnh về tầm quan trọng của nghiên cứu.
Đoàn Dương (Theo AFP/Universes in Universe)