Ếch cái ngoạm chân ếch đực nhằm ăn thịt. Ảnh: John Gould
John Gould, nhà sinh thái học ở Đại học Newcastle, nghe thấy âm thanh đáng sợ trong khi tiến hành nghiên cứu sau tiến sĩ về số lượng giảm dần của ếch chuông xanh vàng. Ở ao nước mà Gould đang khảo sát trên đảo Kooragang phía bắc Sydney, ông trông thấy một con ếch cái lớn đang nhai chân sau của ếch đực trong lúc chậm rãi kéo nó xuống hố. "Con ếch đực cố hết sức để ngăn điều này xảy ra", Gould kể lại.
Hành vi ăn thịt đồng loại giữa cá thể trưởng thành lần đầu tiên được ghi nhận ở ếch chuông xanh vàng, thôi thúc Gould tìm hiểu sâu hơn. Cuối cùng, ông cho rằng khi ếch chuông xanh vàng cái không hài lòng với khúc ca của con đực, nó có thể biến đối phương thành bữa ăn. Theo Gould, ếch cái gần như là kẻ săn mồi tối thượng đối với con đực bởi tai của chúng có cấu tạo hoàn hảo để nghe thấy tiếng kêu của bạn tình tiềm năng.
Ăn thịt đồng loại là hành vi phổ biến ở động vật lưỡng cư. Nhưng thông thường, chỉ có những con ếch, nhái hoặc kỳ giông nhỏ nhất trở thành bữa ăn. Nòng nọc của nhiều loài cũng ăn nòng nọc nhỏ hơn để phát triển. Trong một số trường hợp, con đực ăn trứng hoặc ấu trùng, ví dụ kỳ giông hellbender bố có thể ăn con non khi đối mặt với điều kiện nước khan hiếm.
Nhưng giới nghiên cứu hiếm khi quan sát hành vi ăn thịt đồng loại trưởng thành ở động vật lưỡng cư. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Ecology and Evolution, Gould rà soát các tài liệu và chỉ tìm thấy hai ví dụ về ếch trưởng thành ăn thịt cá thể trưởng thành khác trong phòng thí nghiệm, trong đó con cái lớn hơn con đực. Ở ếch chuông xanh vàng, con cái có thể dài khoảng 7 cm trong khi con đực dài tối đa chưa đến 5 cm. Gould cho rằng ếch cái có thể xác định con đực phù hợp để ghép đôi hay để ăn hơn dựa trên tiếng kêu của nó. Điều này có nghĩa ếch đực đối mặt rủi ro lớn khi tìm cách thu hút bạn tình.
David Pfennig, giáo sư sinh vật học ở Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill muốn tìm nhiều bằng chứng hơn về ếch cái trưởng thành ăn thịt con đực trước khi xác nhận đây là hiện tượng phổ biến. Dù ếch cái có thể hưởng lợi từ việc ăn thịt con đực, nó có thể phải trả giá. Ếch đực có thể phản đòn hoặc khiến ếch cái mắc nghẹn khi ăn miếng to quá khổ. Hành vi ăn thịt đồng loại cũng có thể lây lan dịch bệnh trong quần thể mắc bệnh. Theo Gould, sau một hồi chật vật ếch cái kéo con đực vào sâu trong hố hơn. Ếch đực kêu ré lên lần nữa, sau đó giãy thành công chân sau khỏi miệng ếch cái và chạy trốn.
An Khang (Theo Wion)