Đồng xu một tấn kangaroo Australia. Ảnh: Expedia
Đúng như tên gọi, đồng xu có hình kangaroo này nặng một tấn, bằng trọng lượng của khoảng 11 con kangaroo và chứa 99,99% vàng nguyên chất. Được sản xuất để kỷ niệm loạt tiền xu kangaroo vàng của nhà máy lưu hành từ năm 1989, đồng xu có mệnh giá 1 triệu dollar Australia (648.000 USD), biến nó thành đồng tiền pháp định (được sử dụng để thanh toán các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài chính được ghi theo đơn vị tiền tệ) lớn nhất thế giới, theo IFL Science.
Đồng xu này dày 12 cm, cao 80 cm. Kích thước ấn tượng, độ tinh khiết và danh hiệu kỷ lục có nghĩa dù giá trị của đồng xu ở mức 1 triệu dollar Australia, giá thị trường hiện nay của riêng số vàng dùng để đúc vào khoảng 110.055.898 dollar Australia (71.429.850 USD), do đó giá trị thực của đồng xu cao hơn nhiều so với mệnh giá.
Ghi danh vào sách Kỷ lục thế giới Guinness một năm sau khi phát hành, đồng xu được triển lãm quanh châu Á và châu Âu năm 2014, thậm chí tới New York trong chuyến đi một ngày năm 2019 để quảng bá quỹ đầu tư của Perth Mint mang tên Perth Mint Physical Gold (AAAU). Nhà máy đúc tiền cũng sở hữu nhiều đồng xu kangaroo nhỏ hơn, trong đó đồng xu 28 g có mệnh giá 100 dollar Australia (65 USD).
Kỷ lục trước đây thuộc về đồng xu 99,7 kg của Canada gọi là The Big Maple Leaf. Đó là đồng xu đầu tiên trong 5 đồng xu giống hệt nhau đúc vào năm 2007. Nó có mệnh giá 1 triệu dollar Canada (741.000 USD), nhưng giống như đồng xu kangaroo, giá trị thực của nó vượt xa mức đó.
"Chúng tôi nghĩ tốt hơn hết là tạo ra đồng xu lớn hơn nhiều đến mức nó sẽ giữ nguyên danh hiệu đồng xu lớn nhất thế giới suốt thời gian dài", Ed Harbuz, giám đốc điều hành Perth Mint, từng chia sẻ. "Đúc và làm thủ công đồng xu ở kích thước và trọng lượng này là một thách thức đặc biệt mà rất ít nhà máy đúc tiền khác sẽ nghĩ đến".
Australia, nơi có thỏi vàng to nhất từng được tìm thấy, dấy lên một trong những cơn sốt vàng lớn nhất thế giới trong thế kỷ 19 và nguồn dự trữ vàng đồ sộ của nước này vẫn đang được tích cực khai thác ngày nay. Tổng lượng vàng từng được phát hiện trên Trái Đất có thể đặt vừa trong khối lập phương mỗi cạnh dài 23 m.
An Khang (Theo IFL Science)