Cây baobab có hình dáng đặc biệt. Ảnh: One Earth
Thuộc chi Adansonia, cây baobab có 8 loài riêng biệt phân bố ở Australia, châu Phi, tây nam châu Á và Madagascar. Một giả thuyết về lý do cây baobab có phạm vi phân bố rộng như vậy là chúng đã tồn tại trước khi siêu lục địa Pangea tách ra, theo IFL Science.
Trừ loài A. digitata, các loài cây baobab còn lại bị đe dọa ở cấp độ nhất định, riêng loài A. perrieri cực kỳ nguy cấp. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu kỹ hơn đặc điểm di truyền của cây baobab nhằm bảo vệ tương lai của chúng. Họ tiến hành lắp ghép trình tự hệ gene của cả 8 loài để khám phá lịch sử tiến hóa của chi Adansonia, bao gồm nguồn gốc, sự đa dạng hóa và ví dụ về loài lai. Kết quả nghiên cứu hé lộ phạm vi phân bố của cây baobab chịu ảnh hưởng từ nhiệt độ, độ cao và lượng mưa của khu vực địa lý mà chúng sinh trưởng.
Cách sinh trưởng độc đáo của cây baobab góp phần vào tuổi thọ ấn tượng của chúng. Phân tích niên đại bằng đồng vị carbon kết luận một số cây cổ và lớn nhất phát triển hốc rỗng tự nhiên giữa các gốc mọc chụm vào nhau gọi là hốc giả. Những thân cây tròn rỗng có thể chứa nhiều nước giúp cây sống sót qua mùa khô. Phần hốc giả lớn đến mức có thể dựng cả quầy rượu bên trong. Về khả năng sống lâu, những cây baobab mọc dọc đường mòn sinh thái Lebombo trong vườn quốc gia Kruger, Nam Phi có niên đại khoảng 1.400 năm. Một số nhà nghiên cứu ước tính chúng có thể sống lâu tới 3.000 năm. Khi già cỗi, cây sẽ mục ruỗm từ bên trong và sụp đổ.
Cây baobab khổng lồ Adansonia grandidieri mọc ở Đại lộ baobab nằm giữa thành phố Morondava và thị trấn Belon'i Tsiribihina thuộc vùng Menabe của Madagascar. Chúng có thể cao tới 25 - 30 m. Một số cây cao và thuôn dài trong khi nhiều cây khác có hình dáng mập lùn với chiều rộng thân lớn hơn chiều cao. Với cành nhánh uốn lượn như rễ cây và phần thân to bè trơn nhẵn, cây baobab trông như bị chôn dưới đất, do đó có biệt danh là "cây lộn ngược", đặc biệt khi lá rụng vào mùa khô.
Quả cây baobab dài tới 30 cm với lớp vỏ cứng và phần ruột mềm ướt. Theo Đại học Michigan, nó có vị kết hợp giữa nho, lê và vani, rất giàu vitamin C. Dù là loài lưỡng tính, nghiên cứu chỉ ra cây baobab không thể ra quả nếu không được thụ phấn. Do cây nở hoa vào ban đêm, các loài thụ phấn chỉ có thời gian đến sáng hôm sau để tiếp cận. Mật hoa thu hút nhiều loài động vật thụ phấn, trong đó có bướm đêm hawk moth và dơi.
An Khang (Theo IFL Science)