Chuyên mục  


Tội phạm trên mạng internet luôn tìm kiếm các nạn nhân nhẹ dạ cả tin. Chỉ cần một vài phút truy cập vào website nguy hiểm nào đó, bạn đã có thể phải đối mặt với những mối đe dọa. Vì vậy, việc biết bằng cách nào để kiểm tra xem website đang truy cập có an toàn không là điều cần thiết.

Tội phạm mạng rất nguy hiểm

Tội phạm mạng đang chờ đợi bạn thực hiện những sai lầm nhỏ nhất và lợi dụng nó. Truy cập một website không an toàn có thể dẫn đến những hậu quả mà bạn không lường trước được.

Đánh cắp danh tính

Nhập dữ liệu cá nhân bao gồm thông tin thẻ tín dụng, chi tiết tài khoản ngân hàng, số chứng minh thư... trên một website không an toàn có thể dẫn đến hành vi trộm cắp danh tính. Tội phạm mạng có thể dễ dàng lấy thông tin cá nhân ai đó từ một website không an toàn và sau đó mạo danh họ.

Lừa đảo

Các website không an toàn rất dễ có những hành vi lừa đảo trên đó. Tội phạm mạng có thể giả vờ là một cá nhân đáng tin cậy và dụ dỗ bạn mở một tin nhắn độc hại. Khi thực hiện điều đó, hệ thống của thiết bị bạn đang dùng sẽ bị nhiễm phần mềm độc hại khiến dữ liệu nhạy cảm bị lộ.

Scareware

Khi lướt web, có phải bạn từng bắt gặp thông báo rằng hệ thống của thiết bị đang bị xâm phạm không? Đây là một trong những chiến thuật thường xuyên được tội phạm mạng sử dụng. Chúng khiến bạn tin rằng hệ thống đã bị nhiễm phần mềm độc hại và yêu cầu người dùng tải xuống phần mềm để khắc phục sự cố. Thay vào đó, phần mềm bạn tải xuống lại chính là thứ độc hại và từ đó hệ thống sẽ bị xâm phạm.

Cách kiểm tra website có an toàn không?

Kiểm tra Https

Cách nhanh chóng nhất để đo lường độ bảo mật của website là kiểm tra xem trước tên miền của nó ghi https (Hypertext Transfer Protocol Secure) hay http (Hypertext Transfer Protocol). Dù rằng các website https không an toàn 100% nhưng chúng được xây dựng để chống lại các cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn.

Với những website như vậy, trên phần gõ tên của nó sẽ có biểu tượng ổ khóa ở góc ngoài cùng bên trái. Để an toàn, bạn không nên nhập thông tin cá nhân ở bất kỳ trang web nào không có https.

Kiểm tra các phương thức thanh toán

Thanh toán trực tuyến là một tiêu chuẩn của các website có dịch vụ mua bán hiện nay. Tuy nhiên, trước khi nhập chi tiết thanh toán của bản thân, hãy đảm bảo rằng phương thức thanh toán đang sử dụng là chuẩn và có thể xác minh được.

Các phương thức thanh toán trực tuyến tiêu chuẩn và có thể xác minh phổ biến nhất bao gồm Visa, Mastercard và American Express. Nếu các tùy chọn được cung cấp chỉ là thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng, tiền điện tử bạn nên cảnh giác với website đó.

Kiểm tra kỹ đường dẫn

Những kẻ lừa đảo có thể tạo ra một website với tên gần giống với website phổ biến để thu hút và đánh lừa bạn truy cập. Ví dụ, họ chỉ đơn giản là bỏ qua hoặc thay đổi một chữ cái duy nhất trên tên miền thông dụng nào đó và bạn rất khó phát hiện ra lỗi chính tả này. Ví dụ: Google.com có thể bị viết sai chính tả thành Go0gle.com với số 0 thay cho chứ 0. Vì vậy, bạn cần kiểm tra kỹ Url một website nào đó khi sử dụng internet.

Kiểm tra chính sách bảo mật

Đọc một chính sách bảo mật dài và không rõ ràng trên một trang web có thể không phải là trải nghiệm dễ chịu cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, ít nhất bạn cũng nên kiểm tra thực sự chính sách bảo mật này có những gì.

Bạn có thể tìm kiếm các thành phần chính của chính sách như 'dữ liệu', 'bên thứ 3', 'lưu trữ' bằng cách nhấn Control + F trên Windows và Command + F trên macOS để tìm hiểu cách dữ liệu sẽ được sử dụng.

Hãy coi chừng các pop-up

Những kẻ tấn công mạng thường sử dụng pop-up bị nhiễm phần mềm độc hại để ảnh hưởng đến hệ thống thiết bị khi bạn lướt web. Ngoài một thứ phổ thông như đăng ký nhận tin tức, bạn nên cảnh giác với tất cả các web hiển thị quá nhiều quảng cáo pop-up. Tốt nhất hãy đặt ra quy tắc không nhấn vào bất kỳ một pop-up này khi sử dụng các website lạ.

Theo Vnreview

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020