Chuyên mục  


ca-mat-trang-hiem-chet-ngat-vi-bi-nguoi-de-1596796154.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BmxAnk8_ap7qyKQkLL9DQA
Cá mặt trăng hiếm chết ngạt vì bị người đè

Nhà chức trách đang điều tra hành vi đối xử tàn ác với động vật của người đàn ông. Video: Newsweek.

Tai nạn xảy ra ở bãi biển tại khu đô thị Roquetas de Mar thuộc tỉnh Almería, phía nam Tây Ban Nha. Cư dân địa phương trông thấy con cá 3 ngày trước khi nó bị người đàn ông giết chết ngoài khơi Roquetas de Mar, nhưng ban đầu họ tưởng nhầm nó là cá mập, theo Asociación Equinac, tổ chức phi lợi nhuận chuyên giải cứu động vật mắc cạn ở tỉnh Almería. Sau khi được báo tin, Asociación Equinac đã thông báo trên mạng xã hội để nhắc người dân không quấy rầy con cá. Họ nhấn mạnh cá mặt trăng rất hiền lành và không gây nguy hiểm cho con người.

Tuy nhiên, khi con cá bơi tới gần bãi biển La Romanilla ở Roquetas de Mar hôm 5/8, một người đàn ông kéo nó lên khỏi mặt nước và ngồi đè lên, khiến con vật nhanh chóng chết vì ngạt thở. Dù được người qua đường nhắc thả con cá về biển, người đàn ông vẫn cố ý phớt lờ.

Cá mặt trăng có tên khoa học Mola mola, phân bố ở khắp nơi trên thế giới từ vùng nhiệt đới tới ôn đới. Chúng dành phần lớn thời gian bơi giữa biển rộng. Tuy nhiên, đôi khi chúng lang thang tới vùng nước nông gần bờ như con cá bị giết chết ở Tây Ban Nha.

Cá mặt trăng là loài cá lớn kỳ lạ có thói quen lật nghiêng về một bên và trôi nổi trên mặt nước để tắm nắng. Chúng là loài cá có xương nặng nhất thế giới với khối lượng hơn 2.300 kg, theo tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận Oceana. Cá mặt trăng không có đuôi, thay vào đó chúng sử dụng vây lưng và vây hậu môn để đẩy cơ thể về phía trước. Khoảng cách giữa đỉnh vây lưng và đáy vây hậu môn có thể lên tới 4,3 m. Loài cá này nằm trong danh mục "dễ tổn thương" trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) do số lượng sụt giảm vì bị đánh bắt nhầm.

Cảnh sát Tây Ban Nha đang điều tra vụ việc. Asociación Equinac cũng cho biết họ sẽ kiện người đàn ông. "Chúng tôi không hiểu tại sao điều này cứ liên tục lặp lại. Động vật biển có quyền bơi tới gần bờ mà không bị quấy rầy, không gây náo loạn và không phải chết trong tay những người như vậy", đại diện của Asociación Equinac cho biết.

An Khang (Theo Newsweek)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020