Sau 32 năm phát triển, Viettel đã thực sự lớn mạnh, trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 500 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu. Viettel đã hiện diện tại 17 quốc gia, trong đó đầu tư và kinh doanh tại 10 thị trường nước ngoài, doanh thu hàng năm đạt hơn 10 tỷ USD, tương đương với 3% GDP của Việt Nam.
Từ ngành nghề chính ban đầu là xây lắp công trình viễn thông, đến nay Viettel đã phát triển thêm 5 ngành nghề mới gồm ngành dịch vụ viễn thông & CNTT, ngành nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, ngành công nghiệp quốc phòng, ngành công nghiệp an ninh mạng và ngành cung cấp dịch vụ số.
Viettel được đánh giá là một trong những doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn và hiệu quả nhất Việt Nam.
Viettel được đánh giá là một trong những doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn và hiệu quả nhất Việt Nam, thể hiện ở các tiêu chí doanh thu lớn nhất, nộp ngân sách nhà nước cao nhất, giá trị thương hiệu cao nhất.
Trong vài năm trở lại đây, Viettel liên tục đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT hiện đại làm nền tảng đưa công nghệ 4.0 vào mọi lĩnh vực đời sống. Tập đoàn cũng đầu tư phát triển công nghệ 5G, tạo ra hạ tầng kết nối IoT rộng khắp để kết nối hàng tỷ thiết bị, quản lý và điều khiển tự động với tốc độ siêu nhanh.
Ngoài ra, Viettel cũng tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, gồm thanh toán số - Mobile money, nội dung số, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.
Đầu tháng 1, Viettel đã công bố tái định vị thương hiệu Viettel với bộ nhận diện gồm logo và slogan mới. Đây là lần thứ hai Viettel chủ động thực hiện tái định vị thương hiệu sau lần đầu tiên vào năm 2004.
Lý do của lần tái định vị thương hiệu Viettel lần thứ hai là thay đổi lớn trong chiến lược phát triển. Điều này kéo theo sự thay đổi về logo và slogan, cũng như sự bổ sung về giá trị cốt lõi của thương hiệu.
Sau khi thực hiện xong sứ mệnh "Phổ cập dịch vụ viễn thông" ở Việt Nam, từ năm 2018, Viettel tuyên bố sứ mệnh mới "Tiên phong kiến tạo xã hội số" và thực hiện chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang một nhà cung cấp dịch vụ số.
Đến cuối năm 2020, Viettel đã hình thành 6 nền tảng chủ đạo của một xã hội số gồm: Hạ tầng số; Giải pháp số; Nội dung số; Tài chính số; An ninh mạng và Nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
Logo và slogan mới của Viettel.
Theo công bố được công ty định giá thương hiệu hàng đầu Brand Finance đưa ra vào cuối tháng 2, Viettel là thương hiệu duy nhất của Việt Nam góp mặt trong số 500 thương hiệu lớn nhất thế giới. Brand Finance đã định giá thương hiệu Viettel đạt 6,016 tỷ USD (tăng 3,4% so với năm 2020).
Trong top 500 của Brand Finance công bố, có 34 thương hiệu viễn thông, nhưng Viettel là thương hiệu viễn thông duy nhất của Đông Nam Á lọt vào bảng danh sách của Brand Finance.
Giá trị thương hiệu của Viettel đã vượt qua nhiều "ông lớn" khác như Nescafe (Thụy Sĩ), Qualcomm (Mỹ), Spotify (Thụy Điển), Lenovo (Trung Quốc)… để xếp ở vị trí 325 thế giới, tăng 32 bậc so với năm ngoái.
Thế Anh