Nhạc sĩ Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực. Ông sinh ngày 28/02/1928 tại Chợ Lớn (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng lại học tập và lớn lên ở Vũng Tàu. Nhạc sĩ Hoàng Việt còn được biết đến với các bút danh khác là Lê Trực, Hoàng Việt Hận và Lê Quỳnh.
Nhạc sĩ Hoàng Việt có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh. Từ nhỏ, ông đã say mê âm nhạc, biết chơi nhiều loại nhạc cụ như đàn mandolin, violon, guitar, accordeon và biết sáng tác ca khúc khi chưa đầy 20 tuổi.
Thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ, phong trào Thanh niên Tiền phong (TNTP) ra đời ở các tỉnh miền Đông để chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Hoàng Việt được tuyển vào ban nhạc Thanh niên Tiền phong Bà Rịa, thường xuyên tổ chức biểu diễn những bản hành khúc yêu nước như Lên đàng, Tiến quân ca... tạo không khí sôi động trong những ngày tiền khởi nghĩa.
"Tình ca" - Vũ Thắng LợiNăm 1954 ông tập kết ra Bắc, học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt nam). Năm 1958, ông được cử sang học tại Nhạc viện Sofia (Bulgaria). Cuối năm 1964, ông tốt nghiệp loại ưu với bản giao hưởng số 1: “Quê hương” - “Quê hương” là bản giao hưởng đầu tiên của âm nhạc Việt Nam được trình diễn ba buổi ngay tại Bulgaria.
Với bản giao hưởng số 1 “Quê hương”, nhạc sĩ Hoàng Việt trở thành một trong những nhạc sĩ đầu tiên đặt nền móng cho âm nhạc giao hưởng Việt Nam.
Khi về nước ông đã xung phong vào mặt trận và ấp ủ sáng tác giao hưởng số 2 “Cửu Long” nhưng ngày 31/12/1967 ông đã hy sinh trên đường hành quân cùng đồng đội tại bờ kênh Ả Rặt, làng Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang khi mới 39 tuổi.
Cùng với giao hưởng “Quê hương”, mảng ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Việt còn được biết đến bởi những ca khúc: “Lên ngàn” (1947); “Nhạc rừng” (1948); “Lá xanh” (1949) và “Tình ca” (1956). Đây cũng là chùm tác phẩm đem tới cho nhạc sĩ Hoàng Việt giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
Năm 1993 tham gia chuyên mục “Giới thiệu ca khúc được nhiều người yêu thích” của chương trình Ca nhạc theo YCTG, nhà báo Nguyễn Thái Tùng đã viết cảm nhận về ca khúc “Tình ca”.
Nhạc sĩ Hoàng Việt viết “Tình ca” năm 1957 khi ông đang sống ở Miền Bắc, khi nỗi nhớ thương người vợ trẻ cùng với nỗi nhớ Miền Nam đã dâng ngập trong ông: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta. Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba. Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra, rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang”. Sau khi sáng tác có lẽ Hoàng Việt cũng không ngờ tình ca của riêng anh đã trở thành “tình ca” của tất cả chúng ta.
Nghe “Tình ca” của Hoàng Việt, điều cháy lên trong ta đầu tiên có lẽ là niềm nhớ thương da diết như khi ta ngợp trong cái vời vợi, khắc khoải của bài thơ tình nổi tiếng “Đợi anh về” của Ximinop viết giữa những thét gầm rung chuyển của đại thế chiến thứ hai “Em ơi đợi anh về. Đợi anh hoài em nhé. Mưa có rơi dầm dề. Ngày có dài lê thê, thì em ơi cứ đợi...”. Nhưng không dừng lại ở đấy, từ trong những nét nhạc sâu lắng đến thăm thẳm và run rẩy đến nghẹt thở “Tình ca” đã chất chứa và bừng cháy thứ ánh sáng của niềm tin, niềm tin hi vọng như một thứ sức mạnh tình yêu không gì có thể chia lìa và dập tắt được.
Có lẽ những người đã ngấm bài hát “Tình ca” đều dễ muốn nghe tác phẩm được trình tấu ở hình thức nhạc không lời, điều đó phải chăng là vì âm nhạc của “Tình ca” đã chứa đựng những yếu tố vượt ra khỏi hình thức ca khúc để đạt tới sự gợi mở khái quát của khí nhạc.
Ánh Quyên đã có dịp phỏng vấn nhạc sĩ Cát Vận, một trong những người chuyển soạn thành công ca khúc “Tình ca” cho dàn nhạc. Trả lời câu hỏi: Vì sao ông chọn “Tình ca” để chuyển soạn, nhạc sĩ Cát Vận đã cho biết: “Một trong những yếu tố quan trọng khi chuyển các ca khúc cho nhạc cụ độc tấu hoặc cho dàn nhạc là tính giai điệu của nó. Có những bài bản thân hình tượng âm nhạc đã nói lên được nội dung của nó, chính vì thế “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt là một trong những bài tôi thấy tính giai điệu của nó có hình tượng âm nhạc có tính biểu hiện rất cao và là một trong những bài tôi rất thích, đã nói lên được nội dung đó rồi.
Tôi đã chuyển soạn từ năm 1978 và chuyển soạn trong một nỗi nhớ, trong cảm xúc và tôi dùng dàn nhạc để làm sao thể hiện được toàn bộ ý tưởng và nội dung của bản “Tình ca”. Và việc dùng piano để biểu diễn cùng dàn nhạc đã đến cùng lúc với tôi khi tôi chọn “Tình ca” để chuyển soạn. Tôi muốn dùng đàn piano để coi như là một tâm trạng của một con người độc thoại và đối thoại với dàn nhạc. Lúc thì dàn nhạc cất lên, lúc thì piano cất lên những giai điệu chính và dàn nhạc lại làm nền, và cái cuộc đối thoại ấy tôi cho là cuộc đối thoại của tình yêu, của tình cảm của nhạc sĩ Hoàng Việt với những người thân thương của mình ở Miền Nam ruột thịt trong những năm tháng mà đất nước chúng ta còn chia cắt”.
“Tình ca” của Hoàng Việt ra đời đã hơn 60 năm, công chúng nhiều thế hệ đã nghe, đã hát. Giáo sư nhạc sĩ Nguyễn Xinh khi nhắc đến “Tình ca” đã nói: “Tôi nghĩ rằng cho đến nay chưa có bản tình ca nào qua được bản “Tình ca” của Hoàng Việt”.
Vẫn còn thời gian để chúng ta nói điều này. Nhưng có thể nói “Tình ca” có lẽ là ca khúc duy nhất của một thời chiến tranh đạt tới sức khái quát, chứa đựng tâm trạng và số phận, khát vọng và niềm tin của hàng triệu lứa đôi Việt Nam giữa dằng dặc chia lìa và đạn bom, giữa trập trùng nhớ thương và khắc khoải, giữa những sống chết, mất còn.
Thế có lẽ là đủ để “Tình ca” của Hoàng Việt trở thành bất tử.