Ồn ào vẫn bám lấy nam ca sĩ trẻ Hồ Văn Cường sau khi rời khỏi công ty của người mẹ nuôi quá cố với toàn bộ số tiền cát xê 5 năm qua cùng 500 triệu theo di nguyện của cố NS Phi Nhung. Rất nhiều khán giả xót thương cho một nam ca sĩ trẻ nhưng phải chịu quá nhiều áp lực từ người lớn, từ dư luận suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, cũng tồn tại không ít ý kiến trái chiều về các hành động của Hồ Văn Cường. Theo đó, nhiều người trong giới showbiz cũng cho biết sau loạt ồn ào này, sự nghiệp tương lai của nam ca sĩ trẻ hẳn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều khi các ekip, nhà sản xuất tỏ ra e ngại hơn với Quán quân Vietnam Idol Kids.
Chúng tôi đã liên lạc với chủ một phòng trà nổi tiếng ở trung tâm TP.HCM kiêm bầu show có tiếng trong giới để có những chia sẻ xoay quanh Hồ Văn Cường cũng như con đường nghệ thuật tương lai của nam ca sĩ trẻ 18 tuổi. Đây là phòng trà dự tính tổ chức đêm nhạc Phi Nhung - Mạnh Quỳnh với sự xuất hiện của Hồ Văn Cường, tuy nhiên do dịch Covid-19 bùng phát, đêm nhạc đã không thể diễn ra. Chủ phòng trà cũng là người có kinh nghiệm nhiều năm trong showbiz và đã mời được rất nhiều tên tuổi hạng A trong làng nhạc Việt về trình diễn thành công tại địa điểm này.
- Là 1 người làm trong ngành, có nhiều mối quan hệ với các nghệ sĩ và biết rõ sự vận hành của các chương trình, từ quan điểm của mình, anh nghĩ thế nào về tương lai sự nghiệp của Hồ Văn Cường sau sự việc lần này?
Công tâm mà nói, Cường cần một người đỡ đầu chứ khó lòng đi một mình trong showbiz này được vì Cường không có ngoại hình, giọng hát sau khi vỡ giọng cũng không còn hay. Việc phát triển nâng đỡ 1 ca sĩ trẻ dòng nhạc quê hương dân ca cũng rất khó vì không có nhiều bầu show, quản lý mặn mà.
Việc đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc lẫn truyền thông đều cần người giỏi, có chuyên môn, có mối quan hệ giúp đỡ nhưng cũng chưa chắc thành công vì Cường không có tố chất của 1 ngôi sao.
Hồ Văn Cường không có tố chất của 1 ngôi sao.
Về tương lai có thể sẽ có những Mạnh Thường Quân nào đó vì thương cảm, tội nghiệp mà giúp đỡ Cường về mặt vật chất. Hoặc các cơ sở muốn nhân cơ hội "kiếm fame" thì sẽ đem Cường ra làm miếng mồi ngon. Nhưng về sự nghiệp, nếu Cường vẫn muốn theo con đường ca hát chuyên nghiệp, thực sự là 1 bài toán khó.
Cường nên tìm một quản lý giỏi, có nhiều mối quan hệ, nhân sự kiện còn nóng lúc này ra sản phẩm. Tuy nhiên, quản lý nào làm cho Cường lúc này cũng phải rất can đảm và cẩn thận kẻo bị dân mạng “xử đẹp”. Mong là sẽ không có phiền phức gì cho người nâng đỡ Cường sau này.
- Đã có 1 số người trong giới "bóng gió" về chuyện họ sẽ không mời Hồ Văn Cường tới sự kiện của họ, còn phía anh thì sao, nếu trong thời gian tới phòng trà mở cửa trở lại, anh có mời Cường diễn cũng như đến tham dự tại các event do phía anh tổ chức không?
Về việc mời 1 nghệ sĩ, với tôi, cần dẹp bỏ chuyện riêng tư, yêu ghét - mà cần dựa trên tài năng, thực lực hoặc độ hot, có khả năng lôi kéo đám đông. Ví dụ: tôi mời ca sĩ đó không hoàn toàn vì anh ta có giọng hát quá hay, nhưng fan anh ta giàu, chịu bỏ tiền ra mua vé xem anh ta hát, tổ chức sự kiện mời anh ta đông người trẻ đến xem, thì mới tạo ra 1 sự kiện thành công.
Riêng trường hợp Hồ Văn Cường, dù là Quán quân 1 cuộc thi nhưng khả năng trình diễn yếu, bản lĩnh sân khấu kém, giọng hát sau khi vỡ giọng không hay thì rất khó bán vé khi đứng riêng mà không có cố NS Phi Nhung "kẹp chung". Để biểu diễn ở 1 đêm nhạc, cần nhiều thứ chứ không chỉ có giọng thôi là đủ. Cường cần phải biết giao lưu, tâm sự, chia sẻ và giữ lửa cho khán giả đi nghe live.
Riêng trường hợp Hồ Văn Cường, dù là Quán quân 1 cuộc thi nhưng khả năng trình diễn yếu, bản lĩnh sân khấu kém, giọng hát sau khi vỡ giọng không hay thì rất khó bán vé khi đứng riêng mà không có cố NS Phi Nhung "kẹp chung".
Hiện tại, tôi chưa có ý định mời Hồ Văn Cường trong các show tôi tổ chức khi được cho phép biểu diễn trở lại sau dịch. Với kinh nghiệm trong ngành này, tôi khá nhạy vào việc ai là cái tên bán được vé, khán giả của họ có đủ khả năng đi xem show hay không.
Tuy nhiên, nếu qua thời gian, Cường chứng minh được thực lực của mình, có bản hit, có độ thu hút khán giả chịu bỏ tiền mua vé xem Cường hát, tôi sẽ là người đầu tiên mời cậu. Vì hơn ai hết, tôi là 1 bầu show - nhà tổ chức muốn hỗ trợ những gương mặt trẻ, nhưng đổng thời tôi cũng là người kinh doanh. Nếu biết trước lỗ, biết trước số người đi xem không nhiều thì sẽ không làm. Cường dễ thương và hiền, tội nghiệp. Nhưng đứng ở góc độ kinh doanh thì bạn biết không thể cứ dựa vào tình thương được.
Hiện tại, tôi chưa có ý định mời Hồ Văn Cường trong các show tôi tổ chức khi được cho phép biểu diễn trở lại sau dịch. Cường dễ thương và hiền, tội nghiệp. Nhưng đứng ở góc độ kinh doanh thì bạn biết không thể cứ dựa vào tình thương được.
- Được biết, phía Hồ Văn Cường đã từng liên lạc với bên phòng trà của anh để làm show cho Hồ Văn Cường, anh có thể chia sẻ rõ hơn về đêm nhạc này? Và vì sao đêm nhạc ấy chưa thể diễn ra?
Phía quản lý cũ là chị Diễm Phạm rất thương Cường. Chị hay xin các bầu show cho Cường hát - dù là miễn phí - để Cường được đứng trên sân khấu dù theo kiểu "kẹp chung" với chị Phi Nhung. Nhiều người trong giới cũng hơi "khó chịu" vụ "kẹp chung" này nhưng nghề này làm với nhau là vì tình cảm, mối quan hệ, nên muốn mời Phi Nhung thì phải mời luôn Hồ Văn Cường. Hoặc muốn mời 1 ca sĩ nam hạng A khác phải kẹp 1 ca sĩ khác dù không ai muốn. Đó là quy tắc ngầm.
Chúng tôi định tổ chức đêm nhạc Phi Nhung - Mạnh Quỳnh, và Hồ Văn Cường sẽ là khách mời theo đề nghị của chị Diễm, nhưng vì dịch Covid-19 nên không thể làm được. Công tâm mà nói, việc quản lý cứ phải xin cho "kẹp chung" như vậy rất tội cho cả quản lý lẫn ca sĩ chính, các nhà tổ chức thì rất oải.
- Về cát-xê của Hồ Văn Cường cho một đêm diễn phòng trà, anh có thể đưa ra một con số ước chừng để khán giả có thể hình dung?
Vì là dạng "kẹp chung" nên chị Phi Nhung tự trả chi phí cho Cường từ cát-xê của chị. Chúng tôi mời Phi Nhung nên chỉ trả cát-xê cho chị. Ở trường hợp Hồ Văn Cường, chúng tôi có thể trả mức tượng trưng xăng xe cho nghệ sĩ chứ không gọi là cát-xê.
- Khán giả ở phòng trà từ lâu đã được biết là một tệp khán giả rất riêng tại TP.HCM, họ sẽ khác với khán giả ở các địa điểm giải trí khác như thế nào? Hồ Văn Cường liệu có đáp ứng nhu cầu của tệp khán giả này?
Khán giả ở phòng trà là tệp khách hàng khó tính nhất vì họ là người chịu bỏ tiền mua vé đi xem live. Một chiếc vé đi xem live ở phòng trà, cộng luôn phụ thu tiền nước, dao động từ 600 nghìn - 2 triệu/ người, nếu gọi rượu thì có thể lên đến 4 triệu đồng. Khán giả là người có gu thẩm mỹ cao, đòi hỏi rất khó tính không chỉ ở ca sĩ mà còn ở ban nhạc, âm thanh...
Có không ít ca sĩ là hiện tượng mạng, hát online hoặc qua ghi hình, thu âm thì rất hay. Nhưng khi diễn live thì rất tệ đến mức chúng tôi xác định sẽ không mời họ trở lại vì gây ra sự hụt hẫng cho khán giả nghe live. Sự trải nghiệm tại phòng trà rất quan trọng.
Tôi chưa từng thử mời Cường đứng riêng một mình nên không dám nói về độ bán vé của Cường. Nhưng thú thật, theo kinh nghiệm của tôi là sẽ không khả quan. Người ta đa số bỏ tiền đi nghe ca sĩ hạng A hoặc các ca sĩ dòng nhạc trẻ, còn ca sĩ dòng Bolero phải cỡ ngôi sao thì mới có khán giả đi nghe. Theo tôi, 1-2 show đầu, vì sự thương cảm sẽ có người đi ủng hộ nhưng về lâu dài, nếu Cường không có sản phẩm tốt, show không hấp dẫn, hát live và dẫn chuyện không hay thì người ta sẽ không muốn quay lại.
- Có một nữ ca sĩ đồng trang lứa và thường được so sánh với Hồ Văn Cường là Phương Mỹ Chi cũng hay hát tại các phòng trà, cũng cùng dòng nhạc dân ca. Anh nhận xét thế nào về 2 ca sĩ nhí này?
Về dòng bolero hiện nay bảo chứng cho việc bán vé được thì có mỗi chị Lệ Quyên. Các ca sĩ dòng bolero tổ chức đêm nhạc riêng một mình hiện nay không quá nhiều. Đa phần người ủng hộ họ ngoài fan, còn có gia đình, người thân, bạn bè,... thì mới lấp đầy được chỗ trống, vì vậy họ hiếm khi làm show so với ca sĩ trẻ
Phương Mỹ Chi là 1 cô bé tài năng, hát hay, giao lưu tốt, xinh xắn. Không có Quang Lê đỡ đầu thời điểm đó thì chắc chắn bé Chi vẫn sẽ thành công thôi. Tuy nhiên, Chi vẫn chưa phải là 1 cái tên bán vé mạnh như những anh chị lớn. Dù vậy, trường hợp của Chi vẫn có thể đi show được. Cô bé cũng biến hoá rất đa dạng trên sân khấu và chứng tỏ bản không hề đơn giản.
Nhưng chúng ta phải nhìn lại, Chi là nữ, dễ phát triển hơn. Còn nam ở dòng bolero này hơi khó. Dù gì cả Chi và Cường đều còn trẻ, việc đem 2 em ra so sánh vậy dễ làm tổn thương 2 em và gây ra cho 2 em nhiều nỗi buồn.
Nhưng một mặt khác, tôi cũng rất e ngại vì những đám đông trên MXH quá hung hãn đáng sợ, nhân danh chính nghĩa để "chà đạp" mọi thứ. Lỡ tôi có thoả thuận cát-xê với Cường không vừa ý những cư dân mạng đó, họ lại vào cấu xé tôi và các show tôi làm rồi đòi tôi phải trả cát-xê cho Cường theo đúng ý thì chắc chết quá.
Tôi rất e ngại vì đám đông trên MXH quá hung hãn đáng sợ, nhân danh chính nghĩa để "chà đạp" mọi thứ. Lỡ tôi có thoả thuận cát-xê với Cường không vừa ý những cư dân mạng đó, họ lại vào cấu xé tôi và các show tôi làm, rồi đòi tôi phải trả cát-xê cho Cường theo đúng ý thì chắc chết quá.
Lỡ trong show có gì mâu thuẫn với nhau thì lại có những "giang hồ mạng" lại đem ra xử? Tôi hãi hùng, sợ mình là nạn nhân bị phiền phức khi dính tới Hồ Văn Cường vì các thành phần "quan toà online". Họ tự nhân danh pháp luật, nhân danh bầu show, nhân danh nhà tổ chức… nhân danh hết. Tôi chỉ là người làm ăn lương thiện và ngại phiền phức, nên sẽ phải cân nhắc rất nhiều.
Ảnh: TH