Nhắc đến câu "Còn cái lai quần cũng đánh!", có lẽ ai cũng biết đây là lời nói bất hủ của nữ anh hùng Út Tịch - nhân vật được khắc họa trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng" của nhà văn Nguyễn Thi. Ngày nay, trở lại quê hương của chị ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, chúng tôi chứng kiến rất nhiều sự đổi thay rõ nét.
Tam Ngãi thay da đổi thịt
Đây là lần thứ 2 chúng tôi trở lại quê hương chị Út Tịch, lần đầu là vào năm 2014, khi Đường huyện 32 chưa được nâng cấp.
Con đường từ Quốc lộ 54 rẽ vào Đường huyện 32 tới xã Tam Ngãi đã được thảm nhựa phẳng lì. Hai bên đường, những căn nhà khang trang xây dựng san sát. Vài nơi, người dân bày bán hàng hóa địa phương, nhiều nhất là dừa sáp - một đặc sản của vùng này. Tuyến đường chính dẫn vào trung tâm xã Tam Ngãi rực rỡ cờ Tổ quốc, càng thêm ý nghĩa với những ai đến đây vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử.
Di ảnh nữ anh hùng Út Tịch
Ông Lê Duy Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi, cho biết: "Những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã quan tâm và dành nhiều đầu tư cho xã. Ngoài việc nâng cấp, mở rộng Đường huyện 32, các tuyến đường liên xã đều được thảm nhựa, xây dựng thêm 3 cây cầu giao thông nông thôn. Lĩnh vực nông nghiệp được đầu tư hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước và xây dựng các mô hình liên kết…".
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp chủ lực của Tam Ngãi là trồng các loại cây ăn trái như: xoài, mít, dừa… với diện tích 1.456 ha. Xã được cấp mã vùng trồng xoài với diện tích 27,6 ha và đang đề nghị cấp mã vùng trồng mít với diện tích 27,45 ha.
Theo ông Cường, trong năm 2022, các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chuyển giao khoa học - công nghệ được thực hiện tốt. Người dân được khuyến khích áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, tăng cường xây dựng mã vùng trồng. Nhờ vậy, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của xã đạt 739,8 tỉ đồng - tăng 12,6% so với năm trước.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Tam Ngãi vẫn giữ mức tăng trưởng khá, ước giá trị sản xuất đạt 75,27 tỉ đồng - tăng 9,88% so với năm trước. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 13,46% - tương đương 1.196 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người 66,3 triệu đồng/năm - đạt 100,45% kế hoạch...
Khách tham quan chụp hình lưu niệm tại Khu Tưởng niệm nữ liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út
Từ khi Đường huyện 32 được mở rộng mỗi bên thêm 1 m, gia đình bà Bùi Thị Bé Tư ngày càng ăn nên làm ra. Trước đây, hộ bà Tư có 5 công trồng dừa, thu nhập chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Sau khi con đường chính vào trung tâm xã Tam Ngãi được nâng cấp, bà nhanh nhạy mở thêm sạp bán trái cây ven đường.
"Một phần vì đường sá thuận lợi nhưng quan trọng là sau khi khu tưởng niệm nữ anh hùng Út Tịch được khánh thành, nhiều đoàn khách đến tham quan, thắp hương đã ghé chỗ tôi mua trái cây. Nhờ vậy, thu nhập gia đình tôi ngày càng ổn định và có dư dả" - bà Tư phấn khởi.
Một lĩnh vực quan trọng được Đảng ủy và UBND xã Tam Ngãi quan tâm thực hiện là huy động trẻ trong độ tuổi đến trường. Trong năm học 2022-2023, tỉ lệ trẻ 3-5 tuổi được huy động đạt 86,37%, trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,41%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học đạt 100%.
Xác định giáo dục là nền tảng phát triển bền vững, Hội Khuyến học địa phương luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đăng ký xây dựng "gia đình học tập", "dòng họ học tập", "cộng đồng học tập".
Nhớ ơn nữ anh hùng
Chị Út Tịch tên thật là Nguyễn Thị Út, sinh ngày 19-4-1931 tại ấp Ngãi Nhất, xã Tam Ngãi. Út Tịch là tên ghép của chị và chồng - Lâm Văn Tịch, người Khmer. Trong một trận máy bay B52 của Mỹ công kích vào tháng 11-1968, chị đã hy sinh cùng người con gái thứ ba.
Năm 2015, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức khánh thành công trình Khu Tưởng niệm nữ liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út tại ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi trên diện tích 1,4 ha, kinh phí 36 tỉ đồng. Công trình gồm các hạng mục: Cổng tam quan, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội thảo, chiếu phim, nhà dừng chân và bán hàng lưu niệm…
Nổi bật trong khu tưởng niệm là tượng "Người mẹ cầm súng" - vốn đầu tư 6,5 tỉ đồng - cao 6 m, ngang 2,8 m, rộng 1,52 m với chất liệu bằng đồng dày 1,2 cm, đặt trên bệ đá granite cao 1,5 m. Tượng mang ý nghĩa thể hiện lời người mẹ dặn dò các con trước khi ra chiến trường.
Du khách dâng hương tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út. Ảnh: TRẦN SÂM - CA LINH
Ông Trần Quốc Sâm (công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Cầu Kè), quản lý khu tưởng niệm, cho biết: "Trung bình mỗi tháng, khu tưởng niệm đón 500-800 lượt khách, chủ yếu là các đoàn đến viếng và các hộ gia đình. Đến đây, khách sẽ được nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của chị Út Tịch và chiến công của các anh hùng - liệt sĩ vùng đất Cầu Kè trong quá trình đấu tranh vì độc lập dân tộc".
Lần nào cũng vậy, hễ có dịp đi ngang Cầu Kè, gia đình bà Bùi Hồng Thắm (ngụ TP Cần Thơ) đều đến khu tưởng niệm chị Út Tịch để thắp hương. Không chỉ thể hiện lòng biết ơn của mình đối với nữ anh hùng này, bà còn mong muốn 2 người con hiểu về lịch sử, về những người đã có công với đất nước.
"Quê chồng tôi ở huyện Duyên Hải, lần nào về thăm đi ngang đây, tôi đều ghé khu tưởng niệm chị Út Tịch thắp hương. Khi nghe kể về các chiến công của chị, 2 con tôi nằng nặc bảo mẹ mua ngay quyển "Người mẹ cầm súng" để đọc" - bà Thắm xúc động.
Khu tưởng niệm chị Út Tịch là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các điểm đến trên địa bàn huyện Cầu Kè và nằm trong đề án phát triển du lịch của địa phương. Theo ông Trần Quốc Sâm, huyện đang khảo sát điểm bán hàng lưu niệm trong khu tưởng niệm để đủ điều kiện công nhận nơi đây là địa chỉ du lịch.
Rời Tam Ngãi, chúng tôi gặp một nhóm học sinh tiểu học đang nô đùa bên cầu trượt và xích đu trước UBND xã. Những nụ cười hồn nhiên, những ánh mắt sáng ngời của các em khiến khung cảnh xung quanh thêm sống động, vùng đất anh hùng càng tràn đầy sức sống.
Những người con của bà mẹ kiên cường
Cách đây 9 năm, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến Tam Ngãi tìm hiểu về cuộc sống của những người con chị Út Tịch. Vợ chồng chị có 9 người con, trong đó 3 người đã mất.
Thời điểm ấy, chúng tôi đã tiếp xúc ông Lâm Thanh Hiển (tức "Hiển ngọng" trong "Người mẹ cầm súng") và ông Lâm Thanh Hùng - 2 người con trai của chị Út Tịch. Theo ông Hùng, năm 1970, ông và bà Lâm Thị Kim Anh (người con thứ 5) được Quân khu 9 đưa ra Hà Nội. Năm 1974, họ được đưa sang Liên Xô học. Đây cũng là năm cha họ hy sinh nhưng anh chị em không ai hay biết.
Đất nước thống nhất, ông Hùng và bà Kim Anh trở về quê đoàn tụ gia đình. Sau đó, hài cốt chị Út Tịch được đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Năm 1983, ông Lâm Thanh Hiển công tác tại thị trấn Cầu Kè. Những năm sau đó, ông sang Vĩnh Long làm trong khách sạn của người chị ruột thứ 2 là Lâm Thị Bé (còn gọi là Bé Ba).
Trong khi đó, gia đình ông Lâm Thanh Hùng được chính quyền địa phương cấp đất và hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Nơi đây được giữ làm nhà lưu niệm chị Út Tịch.
Ngoài ra, 3 người con khác của chị Út Tịch là: Lâm Thị Mỹ Thanh, Lâm Thị Kim Anh, Lâm Thị Hồng đều ở tại Trà Vinh buôn bán hoặc chăn nuôi, cuộc sống tạm ổn. Hằng năm, vào dịp lễ, Tết, các đoàn thể, chính quyền địa phương thường đến thăm hỏi, tặng quà những người con của chị Út Tịch...
Trở lại Tam Ngãi lần này, tôi được chính quyền xã cho hay ông Hiển và bà Thanh đã mất. Ông Hùng thì rời khỏi địa phương ra TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang sinh sống, ít khi trở về. Hiện nay, trong số các con của chị Út Tịch, chỉ còn bà Hồng ở lại địa phương, làm vườn và buôn bán.