Kiếm tiền triệu mỗi ngày từ l"ộc trời ban"
Những ngày đầu đông, dọc bãi bồi sông Lam (đoạn qua xã Châu Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An) từng khoảnh ruộng được ngăn bằng lưới cao gần 1m thẳng tắp như các ô bàn cờ. Tại mỗi ô, người dân bì bõm với vợt trên tay đang "thu hoạch" rươi. Sau gần 1 giờ đồng hồ vớt, anh Âu Văn Đinh vui mừng khi vớt được hơn 1 kg rươi.
Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng 10 âm lịch là cả vùng ngoài đên sông Lam, xôn xao đón vụ rươi mới.
"Rươi nổi phụ thuộc vào con nước lên, xuống của thủy triều. Nước lên tầm 1 tiếng đồng hồ là rút, rươi nổi lên. Thường nước lên buổi tối, có khi 2h sáng, 4h sáng, nhưng hôm nay 7h sáng nước mới lên", anh Đinh nói. Theo anh Đinh, gần 1 tiếng đồng hồ, trên diện tích 10 thước ruộng, anh vớt được 1 kg rươi. May mắn có những ngày vớt được 5 - 10 kg nhưng có hôm trắng vợt chỉ được ít lạng.
Người dân Châu Nhân từ lâu xem rươi là một đặc sản không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày vào những ngày đông. Trước kia, khi rươi chưa được coi là món đặc sản, người dân thu hoạch về chủ yếu để dùng dần trong gia đình. Nay các thương lái đến tận nơi mua hàng khi người dân đóng vợt.
Mỗi năm, ở những cánh đồng ở xã Châu Nhân, nơi hạ lưu sông Lam, rươi thường xuất hiện 2 lần, một lần vào tháng tháng 5 âm lịch, một lần vào tháng 10 âm lịch.
Đặc biệt, rươi tháng 10 có kích thương lớn và ngon hơn. Rươi là loài vật khá là "kén" ruộng. Bởi thế mà rươi ở đây rất nhiều chất dinh dưỡng và béo ngon.
Ngày nhiều ngày ít, mỗi vụ rươi, anh Âu Văn Đinh có nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi vụ.
Dù đã qua không biết bao nhiêu mùa thu hoạch rươi những chính những người dân nơi đây vẫn không thể đoán chắc rươi sẽ lên chính xác thời điểm nào và không phải ruộng nào rươi cũng xuất hiện.
Chính vì thế, để có một vụ rươi bội thu, người dân nơi đây chuẩn bị rất chu đáo, sẵn sàng đón điều bất ngờ từ loài đặc sản trời ban. Bắt đầu lên lai rai từ tháng 9, nhưng mùa rươi rộ thì chỉ mới bắt đầu từ đầu tháng 10 âm lịch. Mỗi tháng, "lộc trời" chỉ cho vào mấy ngày thuỷ triều lên xuống xung quanh ngày rằm và mùng một. Mưa gió rươi vẫn lên, nên người dân ở đây không kể mưa rét, hễ có rươi là ra đồng.
Gọi rươi là "lộc trời" vì sau 2 vụ lúa, đến mùa tháng 10 âm lịch trở đi, rươi tự nổi trên đồng ruộng, bà con chỉ cần dùng vợt đi vớt. Tuy nhiên, trong cánh đồng, cũng chỉ những thửa ruộng nằm gần con nước lên xuống mới có rươi. Gia đình có 2 sào "đất rươi", thường mỗi ngày anh Nguyễn Văn Hoà ở xã Châu Nhân vớt được 7 - 8 kg rươi, cũng có lúc ít hơn.
Rươi ở Châu Nhân có mày vàng, béo ngậy.
Cầm trên tay một hộp xốp chứa đầy những con rươi béo mũm mĩm đang bò lổm ngổm, anh Hoà cho biết, mùa rươi rơi vào thời tiết lạnh cuối năm. "Vào những ngày trước và sau ngày mùng một và rằm, tầm 1h sáng cả làng dậy, ra đồng chờ nước xuống, rươi nổi lên để vớt. Ngày may mắn được nhiều, nhưng có những ngày ngâm dưới mưa, nước lạnh cả mấy tiếng đồng hồ cũng chưa được 1kg rươi", anh Hoà chia sẻ.
Ông Phan Đình Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Nhân cho hay, mỗi năm xã thu về khoảng trên dưới 5 tấn rươi, vào mùa rộ, thương lái đưa cả ô tô về mua rươi đựng trong thùng xốp đưa xuống thành phố tiêu thụ.
Rươi vừa vớt lên được các thương lái trong vùng tìm đến thu mua ngay tại ruộng.
Tuỳ từng năm giá rươi lên xuống, nhưng bình quân thường ở mức 400.000 - 450.000 đồng/kg, có năm lên đến trên 500.000 đồng/kg. Tuy nhiên năm nay, giá bán sỉ tại ruộng chỉ đang ở mức 350.0000 - 400.000 đồng/kg. Trên đồng rươi, người dân vẫn trồng hai vụ lúa, năng suất trung bình 2,5 - 3 tạ/sào, nhưng bà con không hề sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ rươi.
"Nếu năm nay có lũ lụt nhiều thì năm sau rươi được mùa do đất sa bồi nhiều. Để tăng năng suất rươi, sau khi thu hoạch lúa hè thu, từ tháng 9 dương lịch, bà con cày bừa, làm đất tơi xốp cũng như diệt hết cỏ để rươi lên nhiều hơn", ông Hoàn cho hay.
Món ngon khó cưỡng
Không có màu xanh như rươi ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, rươi ở Nghệ An có màu vàng, béo mập, rất kích thích thị giác và được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. Mỗi mùa rươi, hộ nhiều thu được hàng trăm triệu, hộ ít cũng có hàng chục triệu đồng từ món "lộc trời".
Rươi vừa được vớt, sau đó đánh nhuyễn trộn với thịt lợn băm, vỏ quýt, hành, lá gừng, lá nghệ và trứng rồi mang đi chiên.
Sau khi đánh bắt, rươi được các thương lái chờ ngay chân ruộng để thu mua. Rươi từ đây sẽ được đưa đi tiêu thụ khắp mọi nơi. Bà Nguyễn Thị Hiền, người chuyên thu mua rươi ở Châu Nhân cho biết, sau khi vớt rươi bà con chủ yếu bán cho khách qua lại trên tuyến đường ven sông Lam. Cũng có khi thu mua được nhiều mang về cấp đông rồi cất bán cho các nhà hàng. "Mỗi ngày, tôi thu mua bình quân 10 - 15 kg rươi trong vài giờ đồng hồ. Đợt này rươi béo, màu vàng đỏ đẹp nên bán rất nhanh", bà Hiền nói.
Trước đây, rươi được vớt về để làm thức ăn hay làm mắm (ruốc) cất ăn dần. Khoảng hơn 15 năm trở lại đây, rươi trở thành đặc sản, được các nhà hàng ở Hưng Nguyên và thành phố Vinh chế biến thành nhiều món như chả rươi, rươi xào măng, lẩu rươi, nem rươi... Đồng nghĩa với việc giá rươi cũng tăng gấp nhiều lần, trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.
Rươi được xem là "lộc trời", lộc vào ruộng ai, người ấy hưởng. Nói là nói vậy, nhưng "lộc trời" không phải ai cũng có duyên gặp được. Có khi cùng một thửa ruộng, chỉ cách nhau bởi cái bờ, cách chăm sóc và điều kiện thời tiết như nhau nhưng có nhà nhiều rươi, nhà có ít. Dù hên xui vậy nhưng nhà nào cũng chuẩn bị kỹ cho mùa đón lộc. Rươi là giống tự nhiên hoàn toàn, chưa nuôi được nên "ăn" hay "thua" phải nhờ trời.
Nhìn bề ngoài, rươi có vẻ ngoài hơi đáng sợ nhưng khi chế biến thành các món như xào măng, rán trứng...rươi trở thành món đặc sản.
Đã vào thời điểm chính vụ, rươi chỉ xuất hiện rải rác từ nay cho đến giáp Tết Nguyên đán. Người dân Châu Nhân trồng lúa chỉ đủ ăn, mọi sinh hoạt trong nhà trông mong vào hết vào mùa rươi. Nhà nào trúng có đủ tiền sung túc cả năm, còn bình thường cũng vẫn có được một cái Tết tươm tất.
Sau mỗi mùa rươi, người dân Châu Nhân lại tất bật chuẩn bị ruộng sạch, cày bừa kỹ để dụ "lộc trời" cho vụ tới.
Với giá thu mua rươi tại ruộng từ 300.000 đồng/kg, những ngày này về Vĩnh Lập, Thanh Hà, Hải Dương, đâu đâu cũng thấy không khí rộn ràng của người nông dân khi họ tất bật thu hoạch đặc sản "lộc trời"