Những ngày qua, khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa giúp hàng chục ngàn hecta thanh long nơi này xanh tốt khi vào chính vụ.
Hai bên cánh đồng lúa trù phú tại huyện Hàm Thuận Bắc nhờ tiếp nước từ hồ Sông Quao
"Không có hồ thủy lợi, không có thủ phủ thanh long"
Anh Nguyễn Văn Hồng - nông dân xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam - vừa nạo vét bờ mương dẫn nước vào ao, tích trữ để tưới cho cây thanh long vừa tranh thủ nói chuyện. Anh Hồng kể cách đây 3 năm, nước thủy lợi kênh Gò Sài (chảy về từ đập Đồng Đế, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) đứt phiên, anh phải bơm nước sinh hoạt ra ao để cứu cây. "Mùa khô, nông dân ở đây chỉ được tưới thanh long 1 tháng 1 phiên nước. Có những tháng cuối mùa gián đoạn, không có phiên nào hết. Vì vậy nếu nước thủy lợi không về thì nông dân không sản xuất được" - anh Hồng nói.
Đập Đồng Đế lấy nước từ một nhánh của hồ Sông Móng (huyện Hàm Thuận Nam) - một trong những hồ thủy lợi lớn nhất phía Nam tỉnh Bình Thuận, với dung tích 34,17 triệu m³. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, người dân huyện Hàm Thuận Nam chật vật tìm nguồn nước uống. Sau năm 1992, việc tìm và giữ nguồn nước thông qua các công trình thủy lợi được tỉnh Bình Thuận và trung ương đặc biệt quan tâm. Giai đoạn này, hồ Đá Bạc được xây dựng với dung tích 8,94 triệu m³ để giải quyết hạn hán cho "chảo lửa" Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong) và khu vực lân cận. Đến năm 1999, hồ Lòng Sông với dung tích hơn 37 triệu m³ được xây dựng, cùng hồ Đá Bạc giải quyết bước đầu tình trạng thiếu nước cho huyện Tuy Phong - nơi có phần lớn diện tích đất hoang hóa. Tiếp sau đó, các công trình hồ Cà Giây (36,92 triệu m³), Sông Lũy (99,9 triệu m³), Sông Quao (80 triệu m³)… được xây dựng, giúp một vùng phía Bắc tỉnh Bình Thuận - kéo dài từ huyện Hàm Thuận Bắc ra huyện Tuy Phong - giải quyết được cơ bản việc khô hạn.
"Nếu không có hệ thống thủy lợi được đầu tư thì Bình Thuận không có 30.000 ha thanh long như bây giờ. Và nếu không có thủy lợi thì Bình Thuận cũng khó giữ được 43% mảng xanh của rừng như hiện nay và các khu đô thị cũng sẽ rơi vào cảnh thiếu nước" - ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận, khẳng định.
Hồ Cà Giây cung cấp nước cho nhiều vùng khô hạn tại huyện Bắc Bình
Hài hòa các lợi ích
Lượng mưa bình quân tại Bình Thuận khoảng 1.100 mm/năm, phân bố không đều theo khu vực và chỉ tập trung vào mùa mưa nên phần lớn nước mưa chảy ra biển. Do mưa không đều và không có hệ thống thủy lợi bao phủ nên hơn 130.000 ha đất nơi đây bị hoang hóa do thiếu nước.
Toàn tỉnh Bình Thuận có 49 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 442 triệu m³. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 360.000 ha, các hồ thủy lợi tại đây chỉ tưới được 53.000 ha, đạt 15%. Vì vậy, theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, việc tạo nguồn các hồ chứa lớn là cần thiết.
Theo quy hoạch đến năm 2025, Bình Thuận sẽ xây dựng thêm 13 hồ thủy lợi, bao gồm cả hồ Ka Pét. Hồ Ka Pét dự kiến tưới cho 7.762 ha, kết hợp cùng hồ La Ngà 3 (tưới cho gần 80.000 ha riêng tại Bình Thuận) để hòa lưới hệ thống tưới phía Nam tỉnh Bình Thuận. Nếu đầu tư hồ Ka Pét cùng 12 hồ chứa khác theo quy hoạch, sẽ nâng năng lực tưới của tỉnh Bình Thuận lên 120 ha, đạt 1/3 diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam - cho rằng diện tích lưu vực sông Cà Ty chưa đầy 800 km2 cho nên nguồn nước cho phát triển trong tương lai cần chuyển nước về từ hồ La Ngà 3 (dung tích 350 triệu m3, đang được Bộ NN-PTNT chuẩn bị đầu tư), vì thế khi nghiên cứu dự án hồ chứa nước Ka Pét phải kể đến sự có mặt của hồ La Ngà 3. Theo TS Trường, hồ Ka Pét làm nhiệm vụ bổ sung nước cho các khu vực hưởng lợi của các hệ thống hồ đã xây dựng, như hồ Sông Móng, Ba Bàu... cho nên quan trọng là phải rà soát thực tế vận hành sử dụng nước hiện nay và tương lai của các hệ thống này.
Cũng theo TS Trường, thực tế đã chứng minh hệ thống công trình thủy lợi ở nước ta là giải pháp hữu hiệu nhất góp phần to lớn trong việc trị thủy, phòng tránh thiên tai và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ở Ninh Thuận và Bình Thuận, nhờ có các hồ thủy lợi như Sông Sắt, Sông Than, Tân Giang, Cà Giây... mà các vùng đất này đã thay đổi cơ bản về cảnh quan và môi trường. "Tôi cho rằng cuộc sống của người dân Hàm Thuận Nam và mở rộng ra là tỉnh Bình Thuận đa phần là dân nghèo, đất đai chịu khô hạn thường xuyên, rất cần nguồn nước. Vấn đề là khi làm công trình tạo nguồn nước làm sao phải cân đối hài hòa giữa bảo đảm lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường" - TS Tô Văn Trường cho biết.
Nâng cấp hồ Biển Lạc thành hồ thủy lợi
Vừa qua, dư luận phản ánh thông tin hồ Biển Lạc (huyện Tánh Linh) là công trình thủy lợi được đầu tư lớn nhưng không phát huy hiệu quả, gây lãng phí. Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận có thông cáo khẳng định đây là hồ tự nhiên có từ lâu đời, không phải hồ thủy lợi.
Về định hướng đầu tư, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức khảo sát, đánh giá tổng thể, thống nhất đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng quy hoạch, phát triển khu vực hồ Biển Lạc trong quý IV/2023. Dự kiến sau năm 2025, Bình Thuận sẽ triển khai giải phóng mặt bằng và đầu tư hồ tự nhiên Biển Lạc thành hồ thủy lợi, cùng các công trình kênh chuyển nước để cung cấp nước cho thị xã La Gi và huyện Hàm Tân, phù hợp với quy hoạch phát triển thủy lợi khu vực phía Nam của tỉnh.