Chuyên mục  


Việc sắp xếp cán bộ dôi dư sẽ góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, hợp lý, bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả

Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết số 18 (Khóa XII) về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần sự thống nhất rất cao về nhận thức và đoàn kết trong hành động của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, đây là việc liên quan đến con người nên là một yêu cầu khó, nhạy cảm và phức tạp. Do đó đòi hỏi cần có sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất. Bên cạnh đó, việc phải sớm ban hành các chính sách hỗ trợ cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích cũng là một bài toán cần thiết phải đặt ra.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống về nội dung này, PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên giảng viên Trường Đại học Nội vụ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương đúng và rất cần thiết.

pgstho-17341621682651167082683-1734306731830-1734306732791837181178.png

PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên giảng viên Trường Đại học Nội vụ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, việc giải quyết nhân sự dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính là một việc khó bởi cán bộ phần lớn đã được chuẩn hóa, khung biên chế tại các đơn vị cơ bản đã ổn định, hơn nữa đây là vấn đề liên quan trực tiếp lợi ích của cán bộ.

"Việc sắp xếp cán bộ dôi dư sẽ góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, hợp lý, bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động dôi dư sẽ bị ảnh hưởng tâm lý và phải mất thời gian để sắp xếp, bố trí hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với số cán bộ này. Do đó, cần sớm có hướng dẫn, quy định cụ thể để có cơ chế thông thoáng, thuận lợi nhất hỗ trợ đội ngũ cán bộ dôi dư.

Trong giai đoạn đầu sau khi sắp xếp sẽ có sự xáo trộn, khó khăn nhất định. Do đó, công tác cán bộ tại các cơ quan, đơn vị phải được xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình thực hiện rõ ràng. Cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp ổn định tâm lý cho người lao động".

Theo kế hoạch, số lượng cơ quan thuộc diện sắp xếp rất lớn, dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị dôi dư. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, mà còn kéo theo những hệ lụy về tâm lý, tư tưởng, và thậm chí là cuộc sống mưu sinh của họ. Những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất thường là đội ngũ lãnh đạo hoặc những người đang giữ vị trí ổn định trong cơ quan.

"Do vậy, phải làm sao để người lao động ở các cơ quan, đơn vị hiểu được mục đích và yêu cầu của đợt tinh gọn bộ máy lần này. Làm sao để họ sẵn sàng rời bỏ chức vụ, quyền hạn mà trước đó họ đã nắm giữ để bộ máy mới thực sự hiệu lực, hiệu quả hơn", PGS.TS Vũ Quang Thọ nêu quan điểm.

Cũng theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, mấu chốt là tìm ra nguồn kinh phí để Nhà nước có thể hỗ trợ cho những người lao động nếu thấy rằng họ thực sự thừa so với yêu cầu của Nhà nước và không đủ năng lực khi làm việc.

tinh-gian-bien-che-2-17341918571901740622453-1734306733584-17343067337761176584931.jpg

Ảnh minh hoạ.

Về chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, TS. Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, các cơ quan hoạch định chính sách như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp… đang triển khai để có chính sách phù hợp trình các cấp có thẩm quyền. Chính sách này chắc chắn phải phù hợp với khả năng tài chính của đất nước nhưng cũng phải đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cho những người khi thực hiện chính sách sắp xếp, tinh giản.

"Tuy vậy theo tôi, chúng ta cũng nên nghiên cứu lại chính sách được thực hiện những năm 1990 trong việc sắp xếp, thực hiện tinh giản biên chế. Khi đó chúng ta cũng chia làm các nhóm. Ví dụ, nhóm thứ nhất là ở lại làm việc. Nhóm thứ hai là tạo điều kiện để chuyển sang làm công tác khác. Nhóm thứ ba là có chính sách cho những người thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi… Khi đó mặc dù điều kiện của đất nước có hạn, chế độ đãi ngộ, chính sách chưa cao nhưng vẫn tạo được sự yên tâm cho những người đó", TS Trần Anh Tuấn nói.

Sẽ có chính sách vượt trội cho cán bộ dôi dư sau tinh gọn bộ máy

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã trả lời về chủ trương, hướng xử lý liên quan đến chế độ đối với các cán bộ thuộc diện tinh gọn, tinh giản biên chế trong thời gian tới. Ông Minh cho biết đây là nội dung đang được quan tâm trong suốt hơn một tuần nay.

Để tiến hành sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đủ mạnh và vượt trội, làm cơ sở sắp xếp, tinh giản cán bộ khi sắp xếp. "Đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tác động rất lớn đến xã hội nhưng đòi hỏi làm nhanh", ông Minh nhấn mạnh và cho biết Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định liên quan đến nội dung này.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang đánh giá tác động, nghiên cứu nhiều chiều, kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi của chính sách sau khi ban hành.

Đặc biệt, theo ông Minh, chính sách ban hành phải đảm bảo giải quyết phù hợp cho cán bộ, công chức trong bộ máy có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang các khu vực khác, không làm trong cơ quan Nhà nước nữa.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh mục tiêu cần có cơ chế để giữ chân người tài, đảm bảo nguyên tắc xây dựng nền công vụ theo hướng thực tài, thu hút người có tài năng trong và ngoài nước.

Liên quan đến vấn đề bố trí, sắp xếp con người, ông Minh tái khẳng định phải có chính sách vượt trội, đủ mạnh với tinh thần "vừa đảm bảo mục tiêu tinh gọn và nâng cao chất lượng đội ngũ nhưng đồng thời bảo đảm tính ổn định phát triển", quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, công chức.

Đồng thời với chính sách tinh giản, theo ông Minh, cũng cần tính toán ưu tiên bố trí những người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm, thâm niêm công tác, có uy tín, sâu về chuyên môn lĩnh vực của ngành. Ngoài ra, phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận hai bên và được sự thống nhất của người đứng đầu cơ quan.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020