Lưu ý trong quá trình ôn thi
Theo thầy Đức, học sinh nên làm các bộ đề thi thử bám sát với cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT đã công bố, trong đó có môn Toán.
Đồng thời, các em nên làm lại các mã đề gốc của đề thi chính thức những năm gần đây để luyện tập kĩ năng và rà soát các phần kiến thức mà mình bị quên hoặc chưa chắc chắn.
Một phòng thi có nhiều mã đề khác nhau với nội dung câu hỏi khác nhau, vì vậy các đơn vị kiến thức quan trọng đều có thể gặp trong đề thi nên tránh bỏ sót.
Thí sinh chủ động hệ thống kiến thức bằng cách vẽ sơ đồ cây cho từng chủ đề trong chương trình thi tốt nghiệp. Với mỗi chủ đề, các em ghi lại những đặc điểm cần lưu ý và những dạng câu hỏi thường gặp.
Đồng thời, các em ghi nhớ các thông thức giải nhanh thường sử dụng. Ví dụ: Công thức tính bán kính mặt cầu ngoại tiếp khối chóp; công thức tính khoảng cách hai mặt phẳng song song; phương pháp tọa độ hóa trong không gian; công thức xác định số điểm cực trị của một số loại hàm đặc biệt...
Các thí sinh chỉ còn hơn 3 tuần nữa sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
"Mỗi ngày, các em hãy tự đặt cho mình mục tiêu hoàn thành ít nhất một đề thi thử và có bấm thời gian. Từ đó, giúp học sinh rèn luyện kĩ năng làm bài và phân bổ thời gian tốt hơn khi đi thi", thầy Nguyễn Văn Đức chia sẻ.
Cũng theo thầy Đức, học nhóm là phương pháp hiệu quả giúp các em có thêm động lực khi được học cùng những người bạn thân của mình. Đồng thời, những khó khăn khi làm đề ôn tập cũng được trao đổi cùng bạn sẽ giúp các em bổ sung cho nhau những kiến thức còn thiếu. Ngoài ra, thầy cô cũng là kênh hỗ trợ thường xuyên cho các em.
5 điều ghi nhớ khi làm bài thi
Đầu tiên, thí sinh cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết và được cho phép mang vào phòng thi. Nên dự phòng các tình huống có thể xảy ra như máy tính hết pin/lỗi, bút chì bị gãy ngòi... Do vậy, học sinh hãy chuẩn bị thật kĩ cho các phương án này.
Thầy Nguyễn Văn Đức đang dạy môn Toán tại Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội.
Với môn Toán, khi phát đề xong, học sinh sẽ có khoảng thời gian 10 phút đầu tiên để rà soát lại. Khi đó, các em hãy tận dụng thời gian này để xem một lượt các câu hỏi và đánh giá mức độ đề để tự căn chỉnh thời gian làm bài các phần cho phù hợp.
Chú ý, tuyệt đối giữ bình tĩnh trong tất cả các tình huống kể cả đề có dễ/khó hơn so với dự kiến của bản thân mình trước đó. Tâm lý phòng thi rất quan trọng. Vì vậy, các sĩ tử phải thật vững tin trong mọi hoàn cảnh.
Đặc biệt, các em tuyệt đối không chủ quan ở những câu hỏi cơ bản. Nhiều em có thói quen làm thật nhanh các câu dễ và dành nhiều thời gian hơn cho những câu hỏi khó mà không để ý rằng mình có thể sai ở những câu dễ do bất cẩn.
Về điểm số, các câu khó lại có tỉ trọng bằng điểm câu hỏi dễ. Do vậy, học sinh cần làm bài chắc chắn và tuyệt đối cẩn thận đặc biệt ở 38 câu hỏi đầu tiên của đề thi.
Giữ được tâm lý thoải mái tại phòng thi đóng vai trò rất quan trọng để thí sinh làm tốt bài thi của mình.
Trong quá trình làm bài, nếu gặp câu hỏi mà các em còn băn khoăn chưa biết chọn phương án nào thì hãy đánh dấu câu đó và để quay lại làm sau. Tránh trường hợp học sinh dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi mà chưa tìm ra đáp số.
10 đến 12 câu hỏi cuối thường là những câu hỏi phân loại học sinh. Những câu hỏi này được trộn theo thứ tự khác nhau trong mỗi mã đề. Do vậy, thí sinh nên bám sát vào ma trận đề đã được thầy cô hướng dẫn ôn tập. Từ đó, đánh dấu vào những câu hỏi có chủ đề, cấp độ và nội dung vừa sức với mình để tập trung làm.
Thường thì 5 câu hỏi ở cấp độ Vận dụng cao sẽ khó và cần nhiều bước hơn mới tìm ra lời giải. Tuyệt đối không nghe theo những hướng dẫn học tủ, hay khoanh lụi trên các trang mạng. Với những câu hỏi khó hoặc chưa tìm ra đáp án, học sinh cần có tư duy loại trừ để có thể tăng tỉ lệ chọn được đáp án đúng.
"Học sinh không nên để trống câu hỏi đó mà không chọn phương án nào. Đồng thời, các em cũng không nên chọn một loạt một loại đáp án mà không đọc đề hoặc tư duy gì về câu hỏi. Hãy nhớ rằng, một phút suy nghĩ, tư duy về bài toán cũng có thể giúp các em có được những lựa chọn đúng đắn thay vì chờ đợi hoàn toàn vào may rủi", thầy Nguyễn Văn Đức đưa ra lời khuyên.