Chuyên mục  


Mỗi người mẹ khi nuôi dạy con cái đều có những nỗi vất vả riêng. Song, với những bà mẹ có con không may bị tử kỷ, nỗi vất vả, nhọc nhằn ấy dường như lớn hơn gấp bội phần.

Nhiều bà mẹ đã gác lại ước mơ, công việc, quên đi bản thân, lùi về đồng hành cùng con 24/24 chỉ để mong chờ một ngày con gọi tiếng "mẹ ơi" hay nhận được của con một ánh nhìn… Họ cũng phải học hỏi, tìm tòi, áp dụng hàng nghìn "cách lạ" để con phát triển kỹ năng, khắc phục những rối loạn phát triển thần kinh…

Từng nghĩ quẩn vì con tự kỷ

Năm 2022, con trai vừa đi học được 4 buổi, chị Nguyễn Thị Bích (ở Bình Dương) đã được cô giáo gọi đến nói chuyện riêng. Thấy cậu bé 2 tuổi không chịu chơi với bạn, chỉ đứng ngoài cửa khóc đợi mẹ đón, cô giáo khuyên chị Bích nên cho con đi khám tự kỷ.

"Khi ấy, tôi luôn tin Bin là đứa trẻ bình thường. Tôi là cử nhân đại học, sao lại sinh ra con bị tự kỷ được?", chị Bích nói.

Dẫu không muốn tin nhưng người mẹ trẻ vẫn đưa con đi khám và sững người khi nghe bác sĩ kết luận. Cậu bé khi ấy 2 tuổi nhưng được xác định nhận thức chỉ như một đứa bé 9 tháng tuổi.

Chị Bích quyết định nghỉ việc ở nhà chăm con. Từ lúc này, các triệu chứng của Bin ngày càng rõ rệt. Cậu bé cứ lao ra đường là chạy không có điểm dừng, luôn nhón chân, chạy vòng tròn, gọi không quay đầu lại hay cho chân lên mồm cắn mỗi lần bực tức.

Lịch sinh hoạt của chị Bích gần như bị đảo lộn khi mỗi tối, con trai đi ngủ lúc 22h nhưng 1h lại thức chơi đến 4-5h. Buổi sáng, cậu bé lăn ra ngủ bù rồi tới 16h mới ngủ giấc trưa.

Vì không ngủ trưa nên Bin không được nhận vào trường mẫu giáo, chị Bích chỉ còn biết đưa con đến trường vào lúc 17h khi các bạn nhỏ đã ra về để con có cơ hội làm quen với trường lớp. Nhìn những đứa trẻ tung tăng chân sáo ra về, chị Bích nuốt nước mắt thầm nghĩ "không biết bao giờ con mình mới đi học được".

tre-em-2-edited-1709732436885-1709953759850-17099537610982071390886.jpeg

Chị Bích phát hiện con bị tự kỷ năm 2 tuổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Lúc đầu, chị Bích nghĩ con bị tự kỷ nhẹ, chỉ cần mẹ tích cực dạy dỗ, cho đi học can thiệp khoảng nửa năm là đỡ. Nhưng nửa năm sau, chị Bích gọi con vẫn không quay lại. Ra đường là cắm đầu chạy, hành vi rối loạn càng nhiều hơn, ngủ ngày thức đêm… khiến chị gần như kiệt sức. Nghĩ đến những ngày tháng sau này, chị Bích càng thêm tuyệt vọng.

"Lúc ấy, tôi đã định đưa con đi tự tử", chị Bích nhớ lại.

Nhưng rồi, người mẹ trẻ tự vực dậy tinh thần, đặc biệt là sau khi chị tìm ra cách đưa con trở về với quỹ đạo sinh hoạt bình thường.

Chị kể: "Một lần tôi phát hiện ra Bin đã ngủ khi di chuyển bằng xe máy vào buổi trưa. Từ hôm đó, tôi nghĩ ra cách ru con bằng xe máy. Sau bữa cơm trưa ít phút, tôi sẽ lái xe máy ra đoạn đường vắng gần nhà, để con ngồi với đai an toàn phía trước rồi chạy xe thật chậm trên đường. Vậy là chỉ cần 15-30 phút con đã chìm vào giấc ngủ".

Chị Bích không nhớ nổi đã có bao nhiêu buổi trưa như thế. Nhờ được ru bằng xe máy nên con chị Bích dần "biết ngủ trưa", ngủ đúng giờ và nhờ thế cánh cổng trường mầm non cũng mở rộng chào đón cậu bé Bin.

Chị Bích có thêm chút thời gian hồi sức sau những đêm trắng. Chị dần nhận ra, con trai thích thiên nhiên và tìm ra được phương pháp phù hợp để dạy con.

"Tôi nhận ra, nếu được trải nghiệm thì con sẽ có cơ hội phát triển các giác quan. Từ đó, tôi tận dụng tối đa các dịp để con được ra ngoài. Ví dụ khi dạy con về cây, lá, thân cây tôi sẽ đưa bạn ấy lên núi sờ trực tiếp vào cái cây, học về mặt trời thì đi ngắm hoàng hôn…", chị Bích kể.

Hai năm trôi qua với chị Bích là quãng thời gian dài dằng dặc với nhiều nước mắt và những ngày kiên trì nhẫn nại bên con, đưa con đi học can thiệp, ở nhà thì cùng nhau xâu cúc áo, thổi nước, cho tăm vào lỗ... Nếu các bà mẹ khác cho con nói chuyện với gương thì chị Bích chơi ú òa qua cửa kính để tăng giao tiếp đôi mắt.

Một ngày năm con gần 4 tuổi, chị Bích lặp lại câu nói đã nói hàng triệu triệu lần: "Con ạ mẹ chưa, miệng đâu rồi?". Bất ngờ Bin nói: "Ạ", người mẹ vỡ òa hạnh phúc với tiếng nói đầu tiên của con.

Hiện tại, con trai chị đã nói được một số từ đơn, chịu đi chơi cùng các bạn… Sự tiến bộ đó có thể không là gì với một đứa trẻ bình thường nhưng là thành quả lớn lao truyền thêm động lực cho người mẹ có con tự kỷ như chị Bích.

Con đang biết nói bỗng im bặt, mẹ bị nói "hâm" vì nghĩ con bất thường

Con trai 16 tuổi của chị Hoàng Huyền năm nay học lớp 10 một trường công lập ở Hà Nội. Để con được đến trường hòa nhập cùng các bạn như ngày hôm nay là cả một hành trình dài của hai mẹ con cùng gia đình chị Huyền.

Chị Huyền kể, 9 tháng tuổi, con trai chị đã bập bẹ, 1 tuổi biết "chào", "ạ", "xin", "bye", biết giơ tay theo đi chơi như tất cả các em bé  khác.

Nhưng đột nhiên đến 16 tháng tuổi, cậu bé không nói bất cứ điều gì nữa.

"Con cần gì đều tự làm, cần lắm mà không làm được thì con dắt tay người lớn chứ không biết hướng mắt về phía đồ vật hay chỉ tay. Điều quan tâm duy nhất của con là chương trình quảng cáo trên ti vi.

Dù con chơi gì, chơi ở đâu mà nghe nhạc quảng cáo là con sẽ ngay lập tức vứt đồ chạy xuống phòng khách. Nếu tắt ti vi thì cơn thịnh nộ của con bắt đầu bùng nổ: Con lăn ra ăn vạ, đập đầu xuống đất toét máu đầu, đập tay vào ti vi bồm bộp luôn. Những biểu hiện đó làm tôi thấy nghi ngờ, bắt đầu tìm hiểu và biết con mắc tự kỷ", chị Huyền kể.

Chị liền trao đổi với gia đình nhưng trái ngược với những nghi ngờ của chị, mọi người trong gia đình đều bảo chị "bị hâm" khi nghĩ con bất thường.

Khoảng thời gian đầu, như bao bà mẹ khác, chị Huyền cũng bị sốc khi phát hiện con tự kỷ và cố gắng chấp nhận các vấn đề của con. Đó là khoảng thời gian đi bất cứ đâu, chị cũng phải tay trong tay để con không chạy mất, làm bất cứ việc gì cũng phải để mắt nhìn con vì sợ con nghịch các vật dụng nguy hiểm.

anh-1709733529068-1709953762975-17099537635231927431927.jpeg

Chị Huyền đưa con đến nhiều lớp học để cải thiện các kỹ năng (Ảnh minh họa: Tò He).

Khoảng thời gian 2 năm đầu can thiệp là khoảng thời gian vất vả nhất. Ngày ngày người mẹ này chăm con, đêm đọc tài liệu, cuối tuần đi học các kiến thức về tự kỷ.

Bắt đầu từ năm 2012, con trai chị có những bước tiến đầu tiên. Thời điểm này chị Huyền và con cũng gặp được giáo viên phù hợp, hỗ trợ con tốt hơn cả ở môi trường hòa nhập và can thiệp.

Năm 2014, vượt qua nhiều rào cản, chị Huyền cho con đến trường tiểu học như bao bạn  cùng tuổi. Chị chọn ngôi trường công gần nhà để sẵn sàng có mặt ngay sau 5 phút nếu con ở trường có vấn đề.

tre-tu-ky-edited-1709733133107-1709953765074-17099537656471714980295.jpeg

Chị Huyền giúp con tìm thấy đam mê hội họa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Để con không bị cô lập ở lớp, chị rèn cho con các kỹ năng, bản thân chủ động làm quen với các bạn học cùng lớp của con. Không những vậy bác bảo vệ, cô lao công, chị Huyền cũng làm quen để có thêm các thông tin hữu ích giúp chị quan sát khi con không ở ngay trước mắt.

Theo chị Huyền, con trai thiếu kỹ năng nào thì chị tạo cơ hội dạy kỹ năng đó. Chị kể: "Con chưa biết xin thì dạy con biết xin, con chưa ngồi được lâu thì tập dần, con chưa biết chơi với bạn thì tôi đến tận lớp dạy con chơi vào cuối buổi, cho con đến những nơi có các bạn đồng trang lứa để hòa nhập.

Nhờ rèn kỹ năng quan sát, tự suy nghĩ nên con có thể tự đi học về từ lớp 4, tự sang đường giữa các ngã tư lớn từ lớp 6, giờ thì tự gọi xe, đi chợ, nấu các món ăn đơn giản…".

Hạnh phúc khi con nói: "Mẹ ơi con đói, mẹ ơi con buồn"

Chị Ngọc Anh (33 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) kết hôn năm 2015. Ba năm sau, vợ chồng chị hạnh phúc đón con trai đầu lòng, một đứa trẻ trắng trẻo, khỏe mạnh.

"Khi con được 2 tuổi, tôi bắt đầu nhận ra những điểm bất thường, gọi con không quay đầu lại, không có nhu cầu giao tiếp với ai. Suốt nửa năm, tôi đưa con đi khám ở các bệnh viện, trung tâm và cuối cùng cũng phải chấp nhận sự thật con mắc hội chứng Asperger - một dạng tự kỷ chức năng cao", chị Ngọc Anh cho hay.

Người mẹ này chia sẻ, con chị nói như một cái máy, thích đọc sách, 3 tuổi đã chụp được chữ, đọc được sách, kể lại sách nhưng gần như không có sự tương tác.

tre-em-8-edited-1709733341970-1709953766496-17099537680981091803931.jpeg

Chị Ngọc Anh tham gia nhiều lớp học để về dạy con (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khoảng thời gian đầu với chị thật khó khăn khi phải chấp nhận con trai không như những đứa trẻ khác. Chị nghĩ cuộc đời của hai mẹ con như thế là bị kịch, con mình lớn lên sẽ thành người dở hơi.

"Đó là những suy nghĩ khi tôi còn thiếu hiểu biết về hội chứng này. Nhưng khi tìm hiểu rồi, tôi đã nhận ra, con mình không may bị như thế thì chỉ có một cách là mình phải mạnh mẽ hơn, yêu thương con nhiều hơn", chị Ngọc Anh nghẹn ngào nói.

Đang là một giáo viên ở trung tâm tiếng Anh, chị đành nghỉ việc ở nhà đưa đón con đến các lớp học can thiệp. Người mẹ này cũng tìm đọc các tài liệu, tham gia các khóa học dành cho bố mẹ có con tự kỷ.

Theo chị Ngọc Anh, để luyện giao tiếp bằng mắt, chị thường tìm đồ vật con thích đưa lên ngang với tầm mắt mình.

"Con tôi thích quay bánh xe nên thời gian đầu, tôi giơ bánh xe lên ngang mắt mình, 2 tuổi con thích chữ cái ABC, 3 tuổi thích hành tinh trong hệ mặt trời… Tôi lại giơ những thứ đó với ngang tầm mắt mình để con nhìn đồ chơi và nhìn mẹ luôn. Hoặc nhiều lần, khi con đang tập trung vào điều gì đó, tôi lại tạo ra một tiếng động lớn, một biểu cảm "dị" để thu hút con… Đôi khi cách càng lạ lại càng hiệu quả", chị chia sẻ.

Mắc chứng tự kỷ, con trai chị Ngọc Anh bị rối loạn cảm giác như sợ bẩn, sợ màu sắc chói, khó khăn trong kiểm soát cảm xúc…

Trước đây, cậu bé chỉ biết biểu đạt mọi nhu cầu qua tiếng khóc: Đói khóc, buồn khóc, muốn đi vệ sinh cũng khóc và la hét… "Ở cùng độ tuổi, những đứa trẻ khác đã có thể nói ra những nhu cầu đó nhưng con tôi chỉ biết khóc. Tôi đành "thử" các tình huống, đưa đồ ăn con không ăn thì đưa đi vệ sinh…", người mẹ trẻ kể.

tre-em-edited-1709727660187-1709953770156-1709953770787715755217.jpeg
tre-em6-edited-1709733405428-1709953771928-1709953772230807658419.jpeg

Hai mẹ con cùng tương tác, tập làm những việc đơn giản (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Con trai 5 tuổi nhưng chỉ giao tiếp bằng đứa trẻ 3 tuổi. Mỗi lần đưa con đi ra ngoài, chị Ngọc Anh cũng không khỏi ái ngại khi con đẩy bạn, giật đồ của người khác. Gặp được những ai thông cảm và chia sẻ chị cũng bớt ái ngại, còn với những người tỏ thái độ khó chịu, chị chỉ biết nói lời xin lỗi thay con.

Những ngày này, để chuẩn bị cho con kỹ năng cầm bút để đi học tiểu học, hai mẹ con chị Ngọc Anh cùng nhau chơi trò nhặt rau ngót. Kiên trì 3-4 buổi bê rổ rau ra rồi lại cất rổ rau vào, chị cũng kéo được cậu con trai 5 tuổi ngồi xuống nhặt 2-3 phút.

Đến thời điểm hiện tại, với sự nỗ lực không ngừng của cả hai mẹ con, con trai chị Ngọc Anh đã có thể biểu đạt được nhu cầu, cảm xúc của mình qua ngôn ngữ. Chị Ngọc Anh mừng rơi nước mắt khi con có thể nói "Con đói" hay "Con buồn"…

Những người mẹ như chị Bích, chị Ngọc Anh hay chị Huyền được nhiều người gọi là những "bà mẹ siêu nhân". Bởi họ ngoài tình yêu thương của một người mẹ còn có sự nhẫn nại, kiên trì và sự hi sinh vô bờ với những đứa con bé bỏng của mình. Họ vừa là người mẹ, vừa là người thầy, vừa là người bạn đồng hành để cùng con trải nghiệm, khám phá cuộc sống một cách trọn vẹn và hạnh phúc nhất.

avatar1701492355614-17014923558332108561183.pngThanh Bùi những năm qua: Hoang mang vì 2 con bị chẩn đoán tự kỷ, hiện tại thế nào?

Hiện tại, Thanh Bùi dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục trong những năm qua. Đó cũng là lý do khán giả hiếm khi thấy anh xuất hiện trong các hoạt động showbiz như trước.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020