Theo báo Hà Tĩnh, ngày 28/11 - sau 8 tháng được người lạ chuyển nhầm số tiền 10 triệu đồng vào tài khoản, anh Phạm Văn Bằng (SN 1970, quê tại thôn 5, xã Sơn Trà, Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang làm công nhân tại Đồng Nai đã vượt cả nghìn km về quê để trả lại tiền cho người chuyển nhầm.
Anh Phạm Văn Bằng làm việc với Công an xã Sơn Trà để trả lại tiền cho người chuyển khoản nhầm. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Trước đó, vào tháng 4/2022, chị Hoàng Thị Thu Huyền (SN 1982, trú tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) đã chuyển nhầm số tiền trên vào số tài khoản của anh Phạm Văn Bằng. Tuy nhiên, anh Bằng không hề biết về số tiền mình được chuyển nhầm. Lý do là trước đây, khi làm ở Nhà máy gạch Tuynen tại xã Sơn Bình, anh có mở một tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank. Năm 2016, nhà máy gạch giải thể nên anh không còn giao dịch số tài khoản này. Khi Công an xã Sơn Trà gọi điện vào thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản anh mới biết.
Tuy nhiên, vì tài khoản mở tại ngân hàng ở địa phương, thẻ tài khoản đã mất và anh Bằng lại đang đi làm công nhân ở Đồng Nai nên chưa thể chuyển trả ngay. Sau đó, a Bằng đã nhờ công an xã liên lạc với người chuyển nhầm và khẳng định sẽ sắp xếp về quê xác minh sự việc và trả lại tiền.
Thiếu tá Bùi Công Thành - Trưởng công an xã Sơn Trà cho biết, hành động vượt cả nghìn km để hoàn lại tiền của anh Bằng đã khiến người chuyển nhầm và người dân vô cùng cảm kích.
Trước đó không lâu, cũng có trường hợp một người đàn ông nhận được 2 tỷ đồng ngay lập tức đến cơ quan công an trình báo để trả lại. Cụ thể, thông tin đăng trên Báo Thanh niên ngày 19/9, Công an TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết, anh Trần Quốc Toàn (SN 1976, trú phường 2, TP Bảo Lộc) đã chuyển trả lại cho anh Nguyễn Huy Duẩn (trú tại phường B’Lao, TP Bảo Lộc) 2 tỷ đồng. Đây là số tiền anh Duẩn chuyển khoản cho người thân nhưng đã chuyển nhầm sang số tài khoản của anh Toàn.
Anh Toàn (bên trái) trả lại tiền cho anh Duẩn. (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Theo lời kể của anh Toàn, vào lúc 10h33 ngày 11/9, khi đang ở cơ quan làm việc thì có tin nhắn từ Ngân hàng Quân đội báo có tiền chuyển khoản đến. Khi ấy, anh Toàn đang làm việc tại một cây xăng nên nghĩ khách đổ xăng trả khoản tiền 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi anh nhìn kỹ lại những số 0 trong tài khoản mới "bật ngửa" khi lên tới 1 tỷ đồng. Ngay lập tức, anh đã đến cơ quan Công an TP Bảo Lộc trình báo. Càng bất ngờ hơn khi vào sáng hôm sau (ngày 12/9), vào lúc 7h27, tài khoản anh tiếp tục nhận thêm 1 tỷ đồng cũng từ số tài khoản và người gửi hôm trước.
Ngay khi nhận được tin báo, Công an TP Bảo Lộc đã phối hợp cùng với ngân hàng và xác định được chủ nhân của 2 tỷ đồng trên là anh Nguyễn Huy Duẩn và xác định đây là trường hợp chuyển nhầm tiền qua tài khoản. Sau đó, cơ quan công an và ngân hàng đã tiến hành các thủ tục để anh Toàn chuyển trả lại 2 tỷ đồng cho anh Duẩn.
Nên làm gì khi nhận được tiền chuyển nhầm vào tài khoản ngân hàng?
Theo Điều 228, 230, 579 Bộ luật Dân sự 2015, khi tình cờ nhận được khoản tiền lạ từ người chưa từng có mối quan hệ với mình và cũng không có bất cứ giao dịch nào với họ liên quan đến số tiền này, người nhận được xem là người đang chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Vì vậy, người nhận phải hoàn trả cho chủ sở hữu hoặc giao nộp số tiền đó cho UBND hoặc Công an cấp xã, phường nơi gần nhất nhằm thông báo công khai cho chủ sở hữu biết để nhận lại.
Theo cơ quan công an, khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền chuyển nhầm cho mình thì không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân mà nên liên hệ với ngân hàng hoặc cơ quan công an để giải quyết. Nếu đó là tiền chuyển nhầm thật, đại diện ngân hàng sẽ liên hệ để làm việc.
Nếu là số tiền nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại. Đối với số tiền lớn thì chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh.
Người dân tuyệt đối không chuyển hoàn cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, tránh bị phiền toái sau này. Đồng thời, người dân không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước.
Khi nhận được điện thoại từ ngân hàng, chủ tài khoản cần kiểm tra xem có đúng là số của ngân hàng không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp. Người dân không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai kể cả họ có tự xưng là người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng…