Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Khuất Thu Hồng cho biết:
Ngày 17.4 vừa qua, chúng tôi, bao gồm 15.000 công dân Việt Nam ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, cùng với 19 nhóm và tổ chức xã hội tại Việt Nam, đồng ý ký tên vào thư kiến nghị Chính phủ và Quốc hội rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy định pháp luật để ngăn ngừa và ứng phó bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên đất nước ta.
Có sự bao biện, nhập nhằng
Bức thư này đề cập tới những vấn đề cụ thể gì, thưa bà?
Chúng tôi đã đề cập đến một số vấn đề cụ thể như: các quy định pháp luật của Việt Nam về các tội danh liên quan đến tình dục còn thiếu và còn yếu, nên chưa thực sự là công cụ hữu hiệu để phòng ngừa và xử lý vấn nạn này. Ví dụ, về hành vi quấy rối tình dục (QRTD), tấn công tình dục và các hành vi tình dục khác trong hệ thống pháp luật Việt Namcó chế tài về QRTD, và hành vi tình dục khác nhưng chưa có định nghĩa, phân loại rõ ràng về các hành vi này, và do vậy không có các chế tài cụ thể để xử lý thỏa đáng các hành vi QRTD ở các mức độ khác nhau. Trong khi đó hành vi QRTD diễn ra ở mọi nơi như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác, kể cả trên các phương tiện giao thông.
Các quy định về một số tội danh tình dục nghiêm trọng còn mơ hồ. Các quy định trong bộ luật Hình sự về tội phạm tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô rất mơ hồ và thiếu cụ thể. Các văn bản hướng dẫn cũng không đầy đủ... Hậu quả là: Thầy giáo ở Bắc Giang “sờ mông sờ đùi” nhiều học sinh lớp 5 khiến các cháu sợ hãi, xấu hổ thì lại được cho là không đủ căn cứ cấu thành tội dâm ô vì không phù hợp với quy định về tội dâm ô trong bộ luật Hình sự. Thầy giáo ở Hà Nội sờ soạng bộ phận sinh dục của nhiều học sinh nam trong nhiều phút khiến các cháu bức xúc nhưng hiệu trưởng nhà trường chỉ coi đó là hành vi “trêu đùa” với học sinh và vẫn cho ông thầy này tiếp tục đứng lớp dạy học...
Tôi thấy ở đây rõ ràng có sự bao biện, đánh tráo khái niệm nhằm giảm nhẹ hành vi sai phạm và phủ nhận lời tố cáo cũng như bất chấp sự sợ hãi của các cháu. Người lớn làm sai nhưng lại cố tình nhập nhằng như vậy thì làm sao giáo dục và tạo niềm tin cho trẻ em được.
Tội ác nhục nhã phải lên án
Nhưng cũng có những vụ việc kéo dài, không giải quyết được thỏa đáng, gần đây nhất là vụ thầy giáo ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội mà sau đó nhà trường và phụ huynh “xử lý nội bộ” để rồi trở thành hành vi trêu đùa, thậm chí còn làm đơn “minh oan”. Theo bà, vì sao lại có sự im lặng, thỏa hiệp như vậy?
Sự im lặng thoả hiệp có một số nguyên nhân. Thứ nhất, nó bắt nguồn từ nền văn hoá của chúng ta vốn đề cao uy tín của nam giới và không tôn trọng phụ nữ và trẻ em. Khi xẩy ra những vụ việc được cho là đáng xấu hổ, danh dự của nam giới sẽ được ưu tiên bảo vệ hơn là danh dự của phụ nữ và trẻ em. Do vậy, nạn nhân thường bị đổ lỗi hoặc nghi ngờ là có lỗi.
Nguyên nhân thứ hai đến từ “bệnh thành tích.” Để giữ “bộ mặt” cho gia đình, cho nhà trường, hoặc địa phương, những vụ xâm hại thường được tìm cách hoà giải hoặc bị bỏ qua rồi dần rơi vào quên lãng. Nguyên nhân thứ ba bắt nguồn từ việc thiếu các công cụ pháp lý hiệu quả khiến các lực lượng thực thi công vụ bó tay. Người dân mất niềm tin vào pháp luật vì thấy “được vạ thì má đã sưng” nên đành im lặng cam chịu.
Xâm hại tình dục là tội ác nhục nhã nhất, đáng hổ thẹn nhất mà chúng ta cần phải lên án và phản đối. Nếu chúng ta còn im lặng thì sẽ còn có thêm nhiều em bé phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác và sự giày vò về tinh thần…
Các nghiên cứu cho biết trẻ bị xâm hại tình dục có thể tiếp tục bị người khác xâm hại trong suốt quãng đời còn lại. Nếu không thoát ra khỏi tình trạng đó và được hỗ trợ tích cực, những trải nghiệm bị xâm hại khi còn là một đứa trẻ sẽ khiến chúng tin rằng xâm hại là một phần của mối quan hệ hoặc tệ hơn đó là lỗi của chúng và đó là điều chúng phải chấp nhận. Khi chứng kiến ai đó bị xâm hại tình dục chúng cũng sẽ im lặng vì tin rằng đó là văn hóa
Làm thế nào để tất cả những người có liên quan đừng im lặng một cách đáng sợ hoặc đề nghị “giải quyết nội bộ”, thưa bà?
Để xoá bỏ sự im lặng rất cần sự can đảm của người trong cuộc nhưng họ phải được đồng hành và hỗ trợ bởi cộng đồng. Những thành công ban đầu trong việc xử lý vụ Nguyễn Khắc Thuỷ dâm ô nhiều cháu bé ở Vũng Tàu hay vụ tên Cao Mạnh Hùng ở Hoàng Mai là minh chứng rõ ràng cho sự kết hợp giữa sự quyết tâm của gia đình và sự hỗ trợ của cộng đồng. Tuy nhiên, để có nhiều nạn nhân không chấp nhận im lặng và công lý được thực thi thì phải có một khung pháp lý chặt chẽ, được thực hiện một cách nghiêm minh bởi những con người mẫn cán. Đó là lý do tại sao chúng tôi khẩn thiết đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp lý và quy trình tố tụng về các tội danh liên quan đến bạo lực tình dục.
Đề nghị bổ sung, điều chỉnh luật
Bà và 15.000 người ký tên vào bức thư có đề xuất cụ thể gì với Chính phủ và Quốc hội nhằm xử lý thích đáng và ngăn ngừa có hiệu quả tội ác này?
Chúng tôi tha thiết đề nghị Chính phủ và Quốc hội sớm thực hiện một số vấn đề cấp thiết. Nếu chưa thể đưa tội danh QRTD vào bộ luật Hình sự, Chính phủ hãy rà soát, bổ sung và điều chỉnh Nghị định 167/2013/NĐ-CP để tăng mức xử phạt hành vi QRTD nhằm tăng cường tính giáo dục, răn đe đối với những kẻ vi phạm và nâng cao nhận thức của người dân.
Quốc hội sớm xem xét việc rà soát bổ sung, điều chỉnh các quy định trong bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến tình dục và đưa ra lộ trình sửa bộ luật này. Cụ thể là định nghĩa chi tiết về các tội danh bao gồm, nhưng không giới hạn trong hành vi QRTD, tấn công tình dục, dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm và các hình thức bạo lực tình dục khác. Các chế tài cụ thể để xử lý các tội danh nói trên cũng cần phải được bổ sung và điều chỉnh để đảm bảo trừng phạt thỏa đáng và nghiêm minh mọi vi phạm. Trong đó đặc biệt lưu ý đến các nhóm trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và phụ nữ mang thai.
Cải thiện công tác bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là trẻ em. Thực hiện các biện pháp bảo vệ nhằm đảm bảo công tác điều tra, xét xử không gây thêm tổn thương cho các em.
Nâng cao nhận thức và kiến thức của những người thực thi pháp luật, bao gồm các lực lượng điều tra, kiểm sát và tòa án về bạo lực tình dục, bạo lực giới và mối liên hệ giữa các hình thức bạo lực đó với bình đẳng giới và quyền con người…