Theo người dân địa phương, những năm 1960 - 1990, nguồn vật liệu xây dựng hiếm hoi, sò mỏ là nguồn vật liệu duy nhất, chủ đạo được người dân ở các xã ven biển huyện Diễn Châu dùng để xây nhà.
Phần "đốc" (mái hiên) của căn nhà cấp 4 của một gia đình ở xã Diễn Bích được xây dựng từ vật liệu sò mỏ, có tuổi đời hơn 70 năm.
Từ lâu, người dân miền biển nơi đây lưu truyền "nhất đá đỏ, nhì sò mỏ". Sò mỏ được khai thác thủ công tại những mỏ sò, nơi có nhiều lớp sò biển đông kết chặt dưới lòng đất. Để có được nguồn sò mỏ, người dân phải khai thác ở độ sâu từ 2 đến 4m dưới lòng đất rồi dày công cần mẫn đẽo gọt bằng dao mới tạo được hình khối vuông vắn.
Ngày nay, tại các làng giáp biển huyện Diễn Châu vẫn còn những ngôi nhà cấp 4 có độ tuổi từ 40 đến 50 năm tuổi, thậm chí nhiều ngôi nhà có tuổi thọ hàng trăm năm. Kết cấu, hình dáng mỗi căn nhà đều chứa đựng những nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo, đặc trưng của cư dân miền biển. Thời gian làm nhiều ngôi nhà xuống cấp, rệu rã, tường rơi ra từng mảnh. Nhưng không ít ngôi nhà vẫn ngạo nghễ sau bao nhiêu mưa gió thời gian.
Hầu hết các ngôi nhà này đều được đắp nổi hình ngôi sao năm cánh nổi bật trên mái hiên, ở vị trí cao nhất và dễ nhận thấy nhất.
Ngày nay, hầu như không còn ai xây nhà bằng vỏ sò nữa. Một phần không còn nhiều sò như trước và nay kinh tế khấm khá, nhiều người phá bỏ những ngôi nhà vỏ sò cũ kỹ, xây những căn nhà cao tầng, vững chãi bằng gạch, đá, xi măng.
Cũng có những người vẫn lưu luyến những ngôi nhà cũ gắn bó với mình suốt bao năm, những ngôi nhà xưa vẫn còn tồn tại, giữ lại vẻ đẹp rêu phong, cổ kính. Những ngôi nhà này vẫn đứng vững, với những mảng tường được ốp vỏ sò chen chúc, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo, yên bình, lặng lẽ đón nhận âm thanh của sóng biển vỗ về, như bao năm qua vẫn vậy.
Để tránh gió biển thổi mạnh trong mùa mưa bão và cái nắng gay gắt của miền Trung, ngư dân ở làng biển thường xây những ngôi nhà cấp 4 bằng sò mỏ có dáng thấp, mái lợp ngói vảy (có hình dạng như vảy cá).
Mỗi viên ngói được nhào nặn từ đất, tạo hình thủ công một cách tỉ mỉ. Sau đó, được nung chín trong lò với nguồn nhiệt rất cao, tạo nên độ bền vững và màu sắc đặc trưng.
Bức tường nhà được xây dựng từ hàng trăm viên sò mỏ, gắn kết với nhau bằng hỗn hợp cát sông Lam và vôi tôi (đá nung chín) nhào nhuyễn thành vữa.
Những viên sò mỏ có độ cứng tương đương với đá ong.
Rêu phong phủ kín những bức tường nhà xây bằng sò mỏ của cư dân miền biển, tạo nên vẻ đẹp cổ kính và bình yên.
Những tảng đá có tuổi đời hàng chục năm được dùng để kê cao hệ thống cột trong các căn nhà xây bằng sò mỏ, giúp chống ẩm mốc, mối mọt và đảm bảo sự vững chắc cho cột nhà.
Những bức vách gỗ với cấu trúc mộng, cột tuy đơn giản nhưng vững chãi được sử dụng để ngăn cách các gian phòng trong những ngôi nhà xây bằng sò mỏ.
Sò mỏ có hai loại: sò cốm, có màu vàng nhạt, và sò gân, có màu đen hoặc sẫm. Sò gân nặng hơn sò cốm nếu cùng kích thước, vì chúng có độ tuổi trầm tích lâu hơn, nên cũng cứng hơn.
Qua hàng chục năm và nhiều lần bị nước biển dâng ngập trong các trận bão lụt, những bức tường xây bằng sò mỏ đã bong tróc lớp vôi vữa bên ngoài, để lộ những viên sò mỏ xếp chồng lớp, kết dính với nhau bằng vôi vữa đơn sơ.
GĐXH - Ngôi đình là chỗ dựa tinh thần, niềm tự hào của bao thế hệ cư dân vùng ven biển Lý Hòa.