Theo đó, khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023 quy định quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách Nhà nước.
Như vậy, quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Về cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt, Thông tư 18/2023 nêu rõ, trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.
(Ảnh minh hoạ)
Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày (gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không có xác nhận ngày nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ, nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt tính từ ngày ra quyết định xử phạt là sau 12 ngày.
Với các trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước tính tiền chậm nộp phạt.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền chậm nộp phạt và ghi rõ trên chứng từ thu, nộp tiền phạt…
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, các trường hợp sau khi đủ điều kiện sẽ được hoãn nộp phạt giao thông gồm:
Đối với cá nhân:
- Mức phạt: từ 02 triệu đồng trở lên.
- Đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn có xác nhận của Ủy ban nhân dân (UBND) xã nơi người đó cư trú hoặc nơi học tập, làm việc.
Trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có thêm xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.
Đối với tổ chức
- Mức phạt: từ 100 triệu đồng trở lên.
- Tổ chức đang gặp khó khăn đột xuất hoặc đặc biệt về kinh tế do hậu quả của thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, dịch bệnh có xác nhận của UBND xã; Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao, khu kinh tế; cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc của cơ quan cấp trên trực tiếp.