Chuyên mục  


Ngày 28-2, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu cùng các nhà thầu làm việc tại tỉnh Phú Yên để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và thi công dự án cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, qua 24 xã phường, thị trấn thuộc 6 địa phương: Thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, thành phố Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, huyện Tây hòa và thị xã Đông Hòa (Phú Yên), có tổng chiều dài hơn 90,1km, được triển khai với 2 dự án thành phần, gồm: Đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (hơn 42km) do Ban Quản lý dự án 85 thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (hơn 48km) do Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án cao tốc qua Phú Yên là trên 20.848 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

10-1677574422693155966212.jpg

Khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên

Tại buổi làm việc, 2 vấn đề được đặc biệt quan tâm là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và việc cung cấp vật liệu xây dựng thông thường để thi công cao tốc. 

Theo UBND tỉnh Phú Yên, đến nay tỉnh này đã giải phóng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư hơn 73,5km, đạt trên 81%. Tuy nhiên, mặt bằng bàn giao để có thể thi công chỉ đạt 39%. Lý do là các đoạn được bàn giao nằm xen với những đoạn chưa giải phóng được hoặc không có đường tập kết phương tiện, vật tư vào nên không thể triển khai thi công. 

"Mặt bằng được bàn giao rất ít nên chúng tôi không thể thi công theo tiến độ. Bên cạnh đó, việc giải ngân để đền bù cho dân thì cao nhưng việc chi trả còn chậm nên khi thi công người dân ra ngăn cản. Chúng tôi triển khai 16 mũi thi công nhưng hiện chỉ thực hiện được 7 mũi" - ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 7, nói về dự án hợp phần Chí Thạnh - Vân Phong.

12-16775744783651625559973.jpg

Nhiều phương tiện được tập kết chờ thi công

Trong khi đó, việc xây dựng các khu tái định cư (TĐC) cho gần 380 hộ dân bị ảnh hưởng chỗ ở khi triển khai cao tốc qua Phú Yên cũng đang bị chậm. Hiện nay chỉ mới có 5/12 khu TĐC đã được duyệt thiết kế, còn lại vẫn đang trình. "Nếu tính cuối tháng 6 này đưa người dân vào ở các khu TĐC thì còn lâu vì có xây dựng hoàn thành các khu TĐC này thì người dân cũng còn phải làm nhà nên cần đến phương án tạm cư cho người dân" - ông Vương Đình Đồng, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 85, nêu ý kiến.

c2-16775745927182089117316.jpg

Đại diện Ban Quản lý dự án 85 nêu 1 số vướng mắc

Theo các huyện, thị xã ở Phú Yên cần thu hồi đất để triển khai cao tốc, vướng mắc lớn nhất hiện nay là ở khâu quy chủ cho diện tích đất bị thu hồi. Nhiều diện tích đất thuộc địa phương quản lý, nhưng người dân sản xuất trên đất ấy đã lâu. Theo quy định thì những diện tích này không được bồi thường, nhưng không bồi thường thì người dân không chấp nhận giao mặt bằng.

Trong khi đó, theo các nhà thầu thi công, hiện giá vật tư xây dựng thông thường như đá, cát, sạn ở Phú Yên rất cao, các đơn vị thi công khó thương lượng được với các chủ mỏ. 

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao nỗ lực của Phú Yên, từ 1 địa phương giải phóng mặt bằng không được 1 mét nào vào tháng 9-2022, đến nay đã giải phóng mặt bằng hơn 81%, bàn giao mặt bằng để có thể thi công đạt 39%. Tuy nhiên, Phú Yên vẫn là địa phương chậm nhất trong cả nước về công tác giải phóng mặt bằng để thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

"Phú Yên phải đẩy nhanh việc chi trả đền bù cho dân, phải đảm bảo đến 30-6, bàn giao 100% mặt bằng để thi công. Về TĐC, nếu chưa đưa người dân về kịp trong các khu TĐC thì cần hỗ trợ tạm cư cho dân. Thật ra số liệu người dân bị ảnh hưởng chỗ ở như vậy là rất thấp, không khó để giải quyết" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Nói về giá vật liệu xây dựng thông thường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tỏ ra bức xúc. "Vì sao giá vật liệu công bố ở Phú Yên cao hơn nhiều các địa phương khác? Đấy là chưa nói giá bên ngoài còn cao hơn nữa. Niêm yết 1 giá, nhưng khi bán thì giá cao hơn gấp đôi, gấp 3" - Bộ trưởng Bộ GTVT bức xúc nói.

c4-16775746465592077337509.jpg

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng tỏ ra bức xúc với giá vật tư xây dựng thông thường ở Phú Yên cao hơn nhiều nơi khác

Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị tỉnh Phú Yên nên chủ động cầm chịch. Vẫn là thỏa thuận giữa nhà thầu với chủ mỏ vật liệu nhưng tỉnh cần làm trọng tài trung gian để có 1 mức giá hợp lý. "Khung giá có rồi, đồng ý lên 1,5 lần là quá rồi, chứ không thể lên gấp 3,4,5 lần. Tôi thấy người dân mình không đến nỗi đâu. Những chỗ nâng giá là có vấn đề hết, có lợi ích nhóm ở đó đấy" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Về vấn đề này, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thẳng thắn công nhận vật liệu ở Phú Yên không thiếu nhưng lại cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Điều này không chỉ xảy ra khi cao tốc triển khai mà có từ trước đó. "Hiện chúng tôi đang lập đoàn thanh tra để làm rõ việc này. Trong trường hợp sai phải xử lý.  Tuần tới chúng tôi sẽ mời những người dân có mỏ vật liệu làm việc với các nhà thầu để thống nhất" - ông Tạ Anh Tuấn cho hay.

c3-1677574724338707219340.jpg

Chủ tịch UBND Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho biết trong tuần tới sẽ có buổi làm việc để thống nhất giá vật liệu xây dựng

Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Tạ Anh Tuấn yêu cầu các địa phương phải tập trung cao độ, đặc biệt ở khu vực 2 cửa hầm và các điểm nút đang bị vướng, để bàn giao mặt bằng thi công kịp tiến độ trong tháng 6 tới.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020