Chuyên mục  


Sáng 15.3, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế được sự tài trợ của Công ty Karcher (Đức) đã triển khai dự án làm sạch công trình di tích Ngọ Môn, thuộc di tích cố đô Huế. Dự án được thực hiện trong thời gian 15 ngày (từ ngày 15 - 30.3) tại di tích Ngọ Môn, Huế, công trình cửa ngõ chính đi vào Đại nội - Hoàng cung Huế.

Dự án được thực hiện trong thời gian 15 ngày

Trong thời gian này, các chuyên gia của Karcher sẽ dùng công nghệ làm sạch công trình bằng kỹ thuật phun áp lực cao ở chế độ hơi nước nóng (steam cleaning) với hệ thống gia nhiệt hơi nước lên đến 100 độ C thông qua một đầu phun đặc biệt để làm sạch bề mặt rêu mốc của công trình. Công nghệ này sẽ loại bỏ hoàn toàn các chất bẩn, ô nhễm sinh học trên bề mặt đồng thời tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc cư trú sâu hơn bên trong các ngách đá và dưới bề mặt nhờ vào nhiệt độ cao của hơi nước nóng. Lợi ích của công nghệ này là trả lại màu sắc nguyên thủy của công trình mà không làm bào mòn di tích và làm chậm quá trình rêu mốc, ô nhiễm sinh học trở lại.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên-Huế (nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) cho biết, để lựa chọn dự án tài trợ làm sạch Ngọ Môn - Huế, những người làm công tác quản lý di tích đã cân nhắc rất kỹ và nhận thấy đây là giải pháp tối ưu vì công nghệ làm sạch bằng việc phun hơi nước nóng này không hề sử dụng hóa chất, áp lực vòi phun có thể diều chỉnh phù hợp để không tác động làm bào mòn bề mặt công trình và đặc biệt là sau một lần làm vệ sinh, thời gian ô nhiễm sinh học, rêu mốc trở lại phải từ 2-3 năm. 

Ông Phan Thanh Hải cũng cho biết thêm, trong quá trình thực hiện dự án, các chuyên gia Đức cũng sẽ kết hợp đào tạo cho cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để có thể tự làm vệ sinh cho di tích về sau. Kết thúc dự án, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng sẽ mua một số thiết bị của Karcher để có thể tự thực hiện công việc vệ sinh di tích.
"Các công trình được ưu tiên áp dụng công nghệ này để làm sạch là những công trình được xây dựng bằng gạch, đá không có lớp trang trí màu trên bề mặt, như các bờ thành đá, các đường lát gạch Bát Tràng..." - ông Hải cho biết.

Đây là dự án thuộc chương trình tài trợ văn hóa của tập đoàn Karcher, bắt đầu từ năm 1980 và đến nay đã có hơn 140 dự án làm sạch công trình di sản trên toàn thế giới, trong đó có các công trình Tượng Chúa cứu thế ở Rio De Janeiro (Brazil), núi Rushmone - khu tưởng niệm quốc gia Mỹ, hàng cột trên quảng trường St Peter, (thành phố Vatican), cầu Nihonbashi (Nhật Bản)… Cùng với dự án tài trợ, Karcher cũng sẽ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để tiếp tục làm sạch các công trình thuộc di tích cố đô Huế.

Chùm ảnh về kỹ thuật làm sạch bề mặt Ngọ Môn bằng công nghệ phun hơi nước nóng:
Ông Thorsten Marco Moxwwes, chuyên gia của Karcher đang trình diễn kỹ thuật làm sạch bề mặt Ngọ Môn bằng phun hơi nước nóng
Hướng dẫn cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế kỹ thuật làm sạch công trình
Ông Phan Thanh Hải kiểm tra mảng bờ tường đã được làm sạch bằng công nghệ phun hơi nước nóng 
Toàn cảnh công trình Ngọ Môn - Huế, nơi sẽ được làm sạch bằng công nghệ tiên tiến của Đức
Bùi Ngọc Long

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020