Chân dung nhà thơ Shuntaro Tanikawa, ông được miêu tả là người hiền lành, khiêm tốn, thường tham gia các buổi đọc thơ, đọc sách cho thiếu nhi - Ảnh: Shuhei Tonami
Thơ ca của Shuntaro Tanikawa được đánh giá là sâu sắc, mang tính đối thoại, bứt phá khỏi khuôn khổ thơ haiku truyền thống, những tập thơ nổi tiếng của ông là Cô đơn hai tỉ năm ánh sáng, Nỗi buồn nổi trên mặt sông, Ngày những chú chim biến mất khỏi bầu trời...
Ngoài thơ ca, ông còn nổi tiếng là một dịch giả tài năng của Nhật Bản lúc bấy giờ, hai tác phẩm kinh điển là Peanuts và Mother Goose của Charles Schulz cũng do ông dịch sang tiếng Nhật.
Shuntaro Tanikawa, người dệt những vần thơ
Ngoài thơ, ông còn nổi tiếng là người viết lời cho bài hát chủ đề của anime Astro Boy và là người dịch cuốn sách tranh Peanuts sang tiếng Nhật - Ảnh: Kyodo
Shuntaro Tanikawa sinh năm 1931 tại thủ đô Tokyo, sự nghiệp của ông khởi đầu với tác phẩm Cô đơn hai tỉ năm ánh sáng làm rung chuyển văn đàn Nhật Bản, lúc đó ông mới 21 tuổi.
Cô đơn hai tỉ năm ánh sáng là tiếng lòng của thế hệ thanh thiếu niên Nhật Bản, những người đang dần vượt qua những bóng ma chiến tranh để lại để phát triển đất nước, một tập thơ được đón nhận nồng nhiệt bởi tính thời đại của nó.
Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Shuntaro Tanikawa sáng tác hơn 60 tập thơ nhưng vẫn ít có tác phẩm được đánh giá cao như đứa con đầu lòng.
Nhìn rộng hơn, văn chương của ông là những quan sát sâu sắc cuộc sống thường nhật, thể hiện qua những lời thơ dung dị, dễ đọc và dễ hiểu.
Nhiều tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa ở các trường tiểu học Nhật Bản.
Bối cảnh thơ ca hàn lâm có phần ảm đạm và bảo thủ của Nhật thời hậu chiến đã giúp phong cách phóng khoáng, tự do của ông góp phần định hình lại thơ ca đương đại Nhật Bản.
Những tác phẩm của ông không xếp vào trường phái hay chủ nghĩa nào nhất định dòng chảy thơ ca, bản thân Shuntaro Tanikawa cũng từng nhận định ông không quan tâm nhiều đến vấn đề này.
Trong thời gian rảnh, ông thường ngắm cảnh sắc xung quanh bằng ống nhòm, cảm hứng thơ của ông đến từ những cái đẹp li ti của đời sống - Ảnh: Shuhei Tonami
"Với tôi, tiếng Nhật là nền tảng và tôi như một cái cây, bám rễ và hấp thu tinh hoa của nó để rồi sau đó nảy mầm, sinh lá, ra hoa và kết trái ngọt cho đời" - Shuntaro Tanikawa chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2022.
Trong rừng thơ ca Nhật Bản, ông sánh ngang với những cây đại thụ như Hasegawa Ryusei, Ooka Makoto, Sekine Hiroshi... là những cái tên lớn của văn học hậu chiến Nhật Bản.
Theo The Guardian, ông từng chia sẻ rằng ông không hề sợ cái chết, thậm chí còn có tâm nguyện sẽ viết một bài thơ để tả trải nghiệm đó.
"Tôi tò mò hơn về nơi tôi sẽ đi khi chết. Đó là một thế giới khác, đúng không? Tất nhiên tôi cũng như bao người, muốn một cái chết nhẹ nhàng thanh thản không qua phẫu thuật hay bất cứ điều gì tương tự. Tôi muốn chết, bất thình lình" - ông nói.