Chuyên mục  


Dùng tên Đức Phật gắn vào chỗ ăn chơi là xúc phạm cộng đồng Phật tử

Mới đây, Giáo hội Phật giáo TP.HCM cho biết sẽ làm việc với các cơ quan chức năng liên quan đến quán bar Buddha. Địa điểm ăn uống và giải trí ở số 7 đường Thảo Điền (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM), là nơi diễn ra buổi tiệc St. Patrick’s Day, chỗ bệnh nhân số 91 (phi công người Anh của Hãng hàng không Vietnam Airlines) đã từng đến tham gia buổi tiệc này và sau đó lây nhiễm Covid-19 cho nhiều người. Qua những thông tin này, nhiều cư dân mạng đã phản ánh về vấn đề sử dụng tên Đức Phật để đặt cho quán bar, ngay sau đó Giáo hội Phật giáo TP.HCM đã nhanh chóng vào cuộc.
Theo báo Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo TP.HCM cho biết đã nắm thông tin và sẽ trình Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP.HCM có hướng giải quyết. Sau đó, Ban Trị sự Phật giáo thành phố sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan của thành phố và quận 2, nơi cấp giấy phép hoạt động và quản lý, để xử lý vụ việc một cách phù hợp.
Về phía Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, thẳng thắn chia sẻ trên trang cá nhân: “Bar là nơi hưởng thụ không phù hợp với văn hóa ẩm thực trong Phật giáo: cấm uống rượu và các chất gây say. Căn cứ luật Doanh nghiệp 2014, có hiệu lực ngày 1.7.2015, điều 39 quy định về “Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp”, trong đó khoản 3 nghiêm cấm các doanh nghiệp: “Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Theo quy định của luật Doanh nghiệp nêu trên, đức Phật và tượng Phật không chỉ gắn liền với lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của Việt Nam suốt 20 thế kỷ qua, mà còn một phần quan trọng của văn hóa, đạo đức và mỹ tục Việt Nam và thế giới”.
Do đó, ông khẳng định: “Việc lấy đức hiệu “Buddha” hay trá từ đồng âm “Budha” (tỉnh lược một chữ “d”) đặt tên cho quán bar là “Buddha Bar” cho thấy chủ doanh nghiệp này đã cố ý hoặc vô tình xúc phạm đức Phật, đạo Phật và cộng đồng phật tử Việt Nam và trên thế giới. Đáng tiếc hơn, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nơi cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp tại TP.HCM lại không làm theo khoản 3, điều 39 của luật Doanh nghiệp 2014, cấp giấy phép cho doanh nghiệp này, làm thương tổn nghiêm trọng đến đấng thiêng liêng trong đạo Phật, bậc tuệ giác và từ bi đã giúp hơn 550 triệu người trên hành tinh này sống an lạc, hạnh phúc, hữu ích và giá trị cho đời”.

Thái Lan đăng tải cảnh báo không được lấy hình ảnh, tên gọi của Phật giáo sử dụng bừa bãi

Ảnh: Chụp màn hình

Phải trả lại sự tôn nghiêm cho hình tượng Đức Phật

Trên các diễn đàn mạng xã hội, hàng loạt người dùng cho rằng việc đặt tên quán bar như trên là cố tình phỉ báng Phật giáo. Bởi hình ảnh linh thiêng của Đức Phật không thể đặt ở một nơi ăn chơi như vậy. Một người dùng bày tỏ: “Không thể chấp nhận được, một việc làm thiếu tôn trọng như vậy mà vẫn tồn tại bao nhiêu năm”. Một tài khoản giận dữ: “Những thứ họ đang làm khác nào phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo. No cơm đói văn hóa”. Một độc giả cho rằng: “Vô ý thức, thiếu đạo đức, lố lăng. Chắc những người này vô thần, nhưng làm ơn tôn trọng tôn giáo của người khác”.
Ngoài ra, hàng loạt người dùng cũng đồng loạt "ném đá" chủ doanh nghiệp Buddha Bar: “Vào Việt Nam tới 10 năm nay, đến khi bùng dịch mọi người mới biết là có cái thể loại này vẫn được cấp phép hoạt động tại Việt Nam”, “Phật là để tín ngưỡng, không phải để kinh doanh”, "Nghĩ sao mà mang Đức Phật ra làm trò đùa vậy chứ... Thật hết thuốc chữa rồi”…
Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng lên tiếng: “Kính đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM buộc chủ doanh nghiệp “Budha Bar” đổi tên mới, tôn trọng văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng từ văn hóa và đạo đức Phật giáo”.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020