Chuyên mục  


Người vẽ tranh kiếng trên xe mì nổi tiếng nhất là nghệ nhân Lương Chí Bằng, chủ nhân nhà vẽ tranh kiếng Tân Huê nổi tiếng một thời ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn.

Ông Lương Chí Bằng kể ông sinh năm Ất Dậu 1945, ở vùng Chợ Lớn. Vào khoảng những năm 1957, khi chỉ mới 12 tuổi, ông đã bắt đầu vẽ tranh kiếng. Lúc đó, còn bé nên với các bức tranh lớn, ông phải bắt ghế đứng lên để tô, vẽ. Ông học vẽ tranh kiếng đầu tiên từ cha mình.

Nghệ nhân Lương Chí Bằng

Cha mẹ ông Lương Chí Bằng từ Trung Hoa di dân sang Việt Nam vào những năm 30. Cụ ông Lương Kiến Dân trước kia làm cho hiệu bán thuốc và về sau, khoảng những năm 1942 mới bắt đầu vẽ tranh kiếng, rồi lập tiệm Tân Huê. Cụ học vẽ tranh kiếng từ thầy mình theo phong cách truyền thống Hoa Nam, rồi tự thêm thắt, tạo tác ra các sản phẩm mới. Cụ dùng viết lông để vẽ nét chứ không can theo mẫu rập trên giấy nên nét vẽ rất uyển chuyển đẹp hơn hẳn.

Hình ảnh một xe mì Tàu thưở xưa

Hình ảnh một xe mì Tàu ngày nay ở Sài Gòn.

Về sau, Lương Chí Bằng theo học vẽ thêm danh họa Lưu Khúc Tiều. Ông học khoảng một năm về nghề vẽ quảng cáo và kỹ thuật phối màu. Hồi đó ở Chợ Lớn có nhiều tiệm chuyên vẽ tranh kiếng phong cảnh nhưng tranh kiếng xe mì, hủ tiếu thì Tân Huê là có tiếng nhất.

Ông Lương Chí Bằng cho biết khoảng năm 1950, tiệm ông bắt đầu chuyên vẽ tranh kiếng xe mì, hủ tiếu. Tùy theo khách hàng đặt đóng tranh kiếng xe lớn hay xe nhỏ, cũng như ý thích mà vẽ bộ tranh 2 tầng hay 3 tầng.

Bộ tranh kiếng xe mì/hủ tiếu thông thường gồm: Biển hiệu tiệm mì/hủ tiếu đặt ở mặt trước, chính giữa xe. Hai bên tấm tranh kiếng biển hiệu thường là hai câu đối với nội dung ca ngợi danh tiếng và khẩu vị của tiệm mì/hủ tiếu cũng như chúc tụng buôn may bán đắt, danh tiếng vang xa. Rồi hai bên câu đối là tranh vẽ tích truyện, ở đây tùy theo sở thích mà xe mì/hủ tiếu có hai hoặc ba tầng vẽ tích truyện. Hai bên hông xe mì/hủ tiếu cũng là 2 hoặc 3 tầng vẽ tích truyện.

Tranh Châu Du hỏa thiêu Xích Bích

Tranh Hứa Chử lõa y chiến Mã Siêu

Tranh Trương Phi giận đánh Đốc Bưu

Nói chung, một chiếc xe mì/hủ tiếu đẹp tốt là do sự hợp tác của người đóng xe và người vẽ tranh. Do vậy, họ là đồng tác giả. Thế nên, ở đó, chúng ta thường gặp các câu chữ đề danh, chẳng hạn "Tăng Phú tạo xa/Tân Huê chế phiến".

Các mẫu tranh kiếng xe mì/hủ tiếu đều do thân phụ ông sáng tác nên. Đó là tranh vẽ tích truyện, ông cụ sưu tập từ các bức tranh vẽ trong những tập truyện lịch sử do Trung Quốc, Hồng Kông in ấn; canh vào đó kẻ ô ly, phóng to hình để vẽ trên kiếng.

Thông thường trên cùng một xe mì, hủ tiếu chỉ vẽ thuần một tích truyện, trừ khi tranh bị hư bể, một vài ô kiếng có thể được thay thế bằng những tích truyện khác…

Dưới đây là những bức tranh kiếng được cắt cạnh cong gợn sóng vẽ các tuồng tích mà ông Lương Chí Bằng bảo đó là loại tranh kiếng dành riêng cho xe mì/hủ tiếu mà chúng ta thường thấy ở Sài Gòn, Chợ Lớn.

Tranh Đổng Thái sư đại náo Phụng Nghi Đình

Trang Tam hào kiệt đào viên kết nghĩa huynh đệ

Tranh Quan Vân trường thủy quân cầm Bàng Đức

Hiện nay, ông Lương Chí Bằng cũng nghỉ được ba năm rồi, giờ chỉ phụ con cái việc kinh doanh. Vẫn có người tìm đến nhờ vẽ tranh kiếng cho xe mì/hủ tiếu nhưng ông đều từ chối. Khi hỏi sao ông không vẽ lại, ông nói giờ sức khỏe cũng yếu rồi, con cái cũng không muốn cho làm vất vả. Ông rất mãn nguyện với nỗ lực nghề nghiệp “nhất nghệ tinh” của mình vì đã góp phần tạo ra nét riêng hình ảnh xe mì Tàu điển hình của người Hoa. Nhiều xe mì Tàu lâu năm ở Sài Gòn – Chợ Lớn còn lưu dấu những tuồng tích cùng nét vẽ nổi tiếng một thời của ông…

Tranh Táo Tháo hành thích Đổng Trác bại lộ giả hiến đao

Tranh Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoặc

Bảng hiệu xe mì Hưng Ký

Theo Khoeplus

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020