Nghệ sĩ Thành Lộc và các đồng nghiệp trong vở Giáng Hương - Ảnh: LINH ĐOAN
Và đến nay, sau hơn 30 năm thế hệ vàng ấy vẫn xông pha trong làng kịch. Những "gương mặt vàng" làng kịch ngày ấy còn năng nổ hoạt động đến hôm nay, có thể kể ra: Thành Lộc, Kim Xuân, Việt Anh, Hồng Vân, Hữu Châu, Ái Như, Thành Hội, Thanh Thủy, Quốc Thảo, Minh Nhí, Trung Dân, Đàm Loan, Minh Hải, đạo diễn Hoa Hạ...
Gồng gánh sân khấu TP.HCM
Các nghệ sĩ kể trên là những người trẻ đã góp phần làm nên "thời hoàng kim" của kịch Sài Gòn từ sân khấu nhỏ 5B cho tới các vở kịch truyền hình nổi tiếng của Đài truyền hình TP.HCM.
Nghệ sĩ Hữu Châu (người cầm đờn) trong vở Giáng Hương
Họ đã khiến khán giả mê đắm với những vở kịch hay như Dư luận quần chúng, Chuyện bây giờ mới kể, Trong hào quang bóng tối, Gái giang hồ quốc tế, Diễn kịch một mình, Lôi vũ, Dạ cổ hoài lang...
Nhiều vở diễn, khán giả muốn coi phải xếp hàng mua vé từ 5B Võ Văn Tần tới tận Hồ Con Rùa. nghệ sĩ Lê Khanh từng nói: "Hồi đó chúng tôi vào Nam mà say mê ngồi xem các bạn Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Minh Trang... diễn trên sân khấu".
Sau hơn 30 năm, đời sống kịch của thành phố trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn hơn ngày trước nhưng những nghệ sĩ ngày ấy vẫn bám trụ. Không chỉ vậy, họ còn gánh vác những vị trí quan trọng và chứng minh mình là thế hệ... vàng ròng.
Nghệ sĩ Thành Hội (bìa phải) và Ái Như (giữa) lèo lái sân khấu Hoàng Thái Thanh, truyền dạy để có thêm nhiều nghệ sĩ kịch giỏi, như diễn viên Trí Quang (bìa trái). Cảnh trong vở Trả lại lia thia
Nghệ sĩ Thành Lộc là ngôi sao của thời hoàng kim, sau khoảng 40 năm, anh vẫn là ngôi sao. Anh cùng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn lập sân khấu Idecaf, đưa Idecaf trở thành đơn vị kịch xã hội hóa hàng đầu ở TP.HCM.
Sau 27, 28 năm bên nhau, họ đã nói lời chia tay. Hiện Thành Lộc hợp tác xây dựng sân khấu kịch Thiên Đăng ở tuổi ngoài 60.
13 năm nay, nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như bền bỉ duy trì sân khấu Hoàng Thái Thanh, đưa nơi đây trở thành sân khấu có nét riêng với những vở diễn nghiêm túc, thấm đẫm màu bi kịch và được rất nhiều người trong giới lẫn khán giả khen ngợi. Còn cô đào đẹp, cá tính Hồng Vân 20 năm qua gìn giữ sân khấu kịch Hồng Vân.
Anh kép chánh Quốc Thảo của ngày xưa về nước đắt sô đạo diễn các game show nhưng vẫn đau đáu với kịch, hiện điều hành sân khấu Quốc Thảo. Nghệ sĩ Minh Nhí được trò cưng Việt Hương hỗ trợ phát huy sân khấu Trương Hùng Minh.
Nghệ sĩ Hồng Vân (bìa trái) và Thanh Thủy (giữa) vào vai hai bà sui khắc khẩu trong Bông cánh cò
Truyền nghề cho người trẻ
Không chỉ làm trụ cột cho các sân khấu xã hội hóa, thế hệ vàng còn tham gia môi trường đào tạo. Bên cạnh các trường đào tạo nghề, sự truyền dạy của các nghệ sĩ giỏi là rất quý giá.
"Lớp học" của Thành Hội - Ái Như cống hiến cho sân khấu nhiều học trò giỏi như Quốc Thịnh, Tuyết Mai, Hoàng Vân Anh, Ngọc Duyên, Thanh Tuấn... Sân khấu Hồng Vân, Quốc Thảo, Minh Nhí đào tạo diễn viên trẻ cho sân khấu và truyền hình, điện ảnh.
Nghệ sĩ Hữu Châu là trụ cột của Idecaf rồi Thiên Đăng, và còn là ông thầy "mát tay". Chưa hết, anh còn phát huy khả năng đạo diễn. Mới nhất là hai vở Ngày hội Cái Bang và Hót gơ nổi loạn ở sân khấu Thế Giới Trẻ. Anh cũng vừa ra mắt vở Duyên thệ với vai trò đạo diễn ở kịch Thiên Đăng.
Nghệ sĩ Trung Dân (bìa trái) và Thanh Thủy trong vở Bí mật giếng làng Khủm
Nghệ sĩ Việt Anh ít tham gia kịch hơn nhưng anh vẫn đi dạy và tham gia nhiều phim điện ảnh, truyền hình. Nghệ sĩ Kim Xuân miệt mài diễn kịch và xuất hiện đều đặn trên các chương trình, phim truyền hình, điện ảnh.
Nghệ sĩ Thanh Thủy duyên dáng ở kịch Idecaf, sân khấu Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh. Trung Dân vừa trở lại Idecaf với vở Bí mật giếng làng Khủm.
Nghệ sĩ Đàm Loan là điểm tựa trong các vở diễn cho các diễn viên trẻ ở sân khấu Thế Giới Trẻ. Nghệ sĩ Minh Hải, anh chàng xù xì Lỗ Đại Hải trong Lôi vũ ngày nào, giờ là trưởng ban văn nghệ Đài truyền hình TP.HCM, tổ chức giải Chuông vàng vọng cổ và các chương trình kịch, cải lương của đài.
Xuất phát điểm là cô đào đẹp, đạo diễn Hoa Hạ có thời đóng vai Phồn Y trong Lôi vũ, đóng chánh cùng Chánh Tín trong Con mèo nhung.
Nhưng người ta cũng biết đến chị trong vai trò đạo diễn với những vở kịch nổi tiếng thời đó như Lôi vũ, Ngôi nhà không có đàn ông, Đèn lồng để cao cao, Người đàn bà đức hạnh... Đến nay, Hoa Hạ vẫn là đạo diễn cây đa cây đề ở cả kịch nói và cải lương. Gần đây, chị vẫn liên tiếp dựng các vở gây dấu ấn như Nàng Xê Đa, Đêm trước ngày hoàng đạo, Cô đào hát...
Thế hệ nào tiếp nối?
Sự tỏa sáng của những nghệ sĩ thế hệ vàng đến hôm nay là điều đáng nể. Chứng tỏ họ có tài năng thật sự và sự trui rèn kỹ lưỡng để dù thời thế đổi thay thì vẫn vững vàng.
Thời buổi bây giờ, có quá nhiều loại hình giải trí, mạng xã hội, sàn diễn không nuôi nổi diễn viên nên phải chạy tứ tán để kiếm sống và thời gian dành cho sân khấu càng ít ỏi. Sau "thế hệ vàng" này ai sẽ gồng gánh sân khấu thành phố trong tương lai?