Chuyên mục  


Sáng 20/3, TAND Hà Nội tuyên án sơ thẩm với vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở diễn nghệ thuật thực cảnh Ngày xưa (hay Thuở ấy xứ Đoài) với nguyên đơn là Công ty giải trí Tuần Châu Hà Nội, bị đơn là Công ty DS của đạo diễn Việt Tú.

Tòa phán quyết Quyền tác giả với tác phẩm Ngày xưa thuộc về đạo diễn Việt Tú, nhưng quyền sở hữu tác phẩm thuộc về công ty Tuần Châu Hà Nội. Mặt khác, theo Hội đồng thẩm định của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hai vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ Ngày xưa có nhiều điểm chung: Ý tưởng, chất liệu, địa điểm, nhân lực, đạo cụ... Bản án đánh giá Tinh hoa Bắc Bộ không phải tác phẩm sáng tạo độc lập mà là tác phẩm phái sinh.

Trích đoạn vở diễn 'Tinh hoa Bắc Bộ'
Trích đoạn vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ".

Chiều 21/3, đạo diễn Hoàng Nhật Nam - người trực tiếp thực hiện Tinh hoa Bắc Bộ theo đơn đặt hàng của Tuần Châu Hà Nội - cho biết anh làm đơn khiếu nại lên Tòa án Nhân dân Hà Nội, phản đối quyết định của tòa khi cho rằng Tinh hoa Bắc Bộ là phái sinh của tác phẩm Ngày xưa. "Tôi đã bay từ TP HCM ra Hà Nội để giải quyết sự việc. Phán quyết của tòa ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, quyền lợi của tôi. Tôi khẳng định Tinh hoa Bắc bộ là tác phẩm độc lập, được Cục Bản Quyền cấp chứng nhận từ tháng 7/2017", Hoàng Nhật Nam nói.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam.

Còn đạo diễn Việt Tú khẳng định Tinh hoa Bắc bộ được thực hiện dựa trên toàn bộ nền tảng sáng tạo, dàn dựng, ý tưởng nghệ thuật, thiết kế sân khấu của Ngày xưa. Trong thời gian dài, phía Tuần Châu Hà Nội thậm chí sử dụng hình ảnh của Ngày xưa để quảng bá cho Tinh hoa Bắc Bộ.

"Việc thừa nhận Tinh hoa Bắc bộ là phái sinh của Ngày xưa có ý nghĩa lớn về phương diện sở hữu trí tuệ lẫn đạo đức nghề nghiệp. Đi cùng với đó, phía Tuần Châu Hà Nội cũng phải trả tôi 10% doanh thu công diễn tác phẩm. Đó là điều họ khăng khăng chối cãi trước đó. Nếu Tuần Châu Hà Nội phản tố hoặc kháng án, tôi sẽ có hành động tự vệ", Việt Tú nói. Về các quyền lợi liên quan với tác phẩm phái sinh, chức danh của tác giả, anh cho biết tiếp tục làm việc cùng luật sư, thảo luận với phía Tuần Châu Hà Nội.

Đạo diễn Việt Tú.

Hiểu thế nào là "tác phẩm phái sinh"?

Phó Giáo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, người đã xem cả hai tác phẩm, nhận định Tinh hoa Bắc bộ giống Thuở ấy xứ Đoài từ 75-90% về mặt nội dung và hình thức thể hiện. Vở được xây dựng trên tác phẩm gốc là vở Ngày xưa. Bà minh Thái cho biết từ "phái sinh" có gốc Hán Việt, chỉ việc lấy tác phẩm gốc để làm một tác phẩm khác. "Trong trường hợp này, tôi thấy Tinh hoa Bắc bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa. Các tác phẩm phái sinh đều cần ghi rõ tên tác giả, tác phẩm gốc", bà nhận định.

NSND Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - định nghĩa tác phẩm phái sinh được tách ra và chịu ảnh hưởng từ tác phẩm gốc. Mức độ ảnh hưởng có thể khác nhau tùy sự sáng tạo. Ngoài phái sinh, một số từ "phóng tác, chuyển thể, cảm tác" có nghĩa tương tự. Ông cho rằng từ "phái sinh" mới phổ biến ở Việt Nam khoảng chục năm nay. "Dựa vào các tài liệu của hai vở Tinh hoa Bắc BộNgày xưa, Hội Nghệ sĩ Sân khấu đã nhận định Tinh Hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa. Ý kiến này có ý nghĩa tham khảo", NSND Lê Chức nói.

Một cảnh trong vở "Ngày xưa" của đạo diễn Việt Tú.

Tuy vậy, luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ TP HCM, cho biết không thể nhìn nhận tác phẩm phái sinh là tác phẩm giống với bản gốc. Theo khoản 8 điều 4 Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009: "Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn".

Người làm tác phẩm phái sinh không được phương hại đến quyền tác giả, tức là phải tôn trọng các quyền nhân thân không thể chuyển giao của tác giả tác phẩm gốc (quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng). Ngoài ra, tác phẩm phái sinh phải do tác giả tự mình sáng tạo mà không được sao chép từ tác phẩm của người khác. Dấu ấn của tác phẩm gốc phải được thể hiện trong tác phẩm phái sinh.

"Đồng thời, theo quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, người làm tác phẩm phái sinh phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc, trừ trường hợp ngoại lệ là chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị được quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ", luật sư Phan Vũ Tuấn giải thích.

Một cảnh trong vở "Tinh hoa Bắc bộ".

Ngoài ra, luật sư Vũ Tuấn cho rằng tòa có thể nhầm lẫn khi phán quyết Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu tác phẩm Ngày xưa. "Khái niệm 'chủ sở hữu tác phẩm' được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 1995, nay không còn tồn tại khi Bộ luật này được thay thế bằng Bộ luật Dân sự 2015 và Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009). Tòa nên phán quyết Tuần Châu Hà Nội là 'chủ sở hữu quyền tác giả' theo đúng thuật ngữ hiện hành", ông Tuấn nói.

Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh có liên quan chặt chẽ đến việc bảo hộ tác phẩm gốc. Một tác phẩm phái sinh được bảo hộ khi và chỉ khi không phương hại đến tác phẩm gốc. Luật sư Trần Minh Hùng - Văn phòng Luật sư Gia đình thuộc Đoàn Luật sư TP HCM - nhận định: "Hiểu rõ ý nghĩa khái niệm tác phẩm phái sinh cũng như đặc điểm, điều kiện để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ là điều cần thiết để tránh các trường hợp xâm phạm quyền tác giả, đồng thời phân biệt được tác phẩm sao chép, đạo nhái với tác phẩm phái sinh,... Hiện nay, nền nghệ thuật trong nước ngày càng phát triển, do đó có sự sáng tạo, đổi mới cũng như học hỏi giữa các tác phẩm với nhau càng nhiều. Nếu không hiểu cẩn thận sẽ có sự nhầm lẫn giữa sao chép tác phẩm với tác phẩm phái sinh", 

Hà Thu - Thoại Hà

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020