Chuyên mục  


Thời oanh liệt nay còn đâu !

Trong buổi gặp mặt của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với đại biểu văn nghệ sĩ khu vực phía nam dịp tết vừa qua, NSND Kim Cương đã bày tỏ nỗi trăn trở lẫn bức xúc về những khó khăn của nghệ sĩ sân khấu, đặc biệt là câu chuyện về nhà hát cải lương. Bà cho rằng, riêng lĩnh vực sân khấu, thành phố này đã từng có hơn chục rạp hát, luôn sáng đèn và cháy vé. Thế mà bây giờ… “Bạn bè tôi ở ngoại quốc về thăm quê, muốn đi coi tuồng cải lương cho thỏa nỗi nhớ mà không biết coi ở đâu, đó là nỗi đau của anh em nghệ sĩ”, bà nói.
Theo NSND Kim Cương, lý do thì nhiều nhưng rạp diễn là điều đầu tiên. “Mười mấy rạp dành để nghệ sĩ sân khấu diễn bây giờ trở thành nhà sách, quán cà phê, công ty…, chỉ còn 2 rạp, trong đó rạp Hưng Đạo (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) xây xong không sử dụng được. Những thắc mắc, trăn trở này, anh em nghệ sĩ chúng tôi trước hết tự xét lại mình, nhưng những nhà lãnh đạo văn hóa cũng không thể không trả lời cho chúng tôi”, bà nhấn mạnh.
Không chỉ lĩnh vực sân khấu, mà theo các nghệ sĩ, hơn 40 năm trước thành phố này từng có hàng chục rạp đa năng vừa chiếu phim vừa biểu diễn ca múa nhạc như Rex, Vĩnh Lợi, Olympic, Thủ Đô, Hào Huê, Quốc Tế, Khải Hoàn, Lido, Lệ Thanh A, Lệ Thanh B, Hùng Vương, Cây Gõ, Tân Bình, Quốc Thái, Cao Đồng Hưng, Đại Lợi... Chưa kể, các rạp hát đa dạng tính chất từ cao cấp đến bình dân, phục vụ mọi đối tượng khán giả. Trong khi đó hiện nay, nhắc đến nhà hát ở TP.HCM, chỉ còn có thể đếm trên đầu ngón tay: Nhà hát TP.HCM, Hòa Bình, Bến Thành... Các rạp hát còn tồn tại khác đa phần đã xuống cấp hoặc chuyển đổi công năng.
Đề cập vấn đề thiếu nhà hát, NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, cho rằng từng có những dàn nhạc nổi tiếng thế giới đến TP.HCM biểu diễn trong những dịp ngoại giao, việc họ gửi yêu cầu để thiết kế lại sân khấu (ở Nhà hát Hòa Bình) nhằm đảm bảo âm thanh của chương trình hòa nhạc, hay chỉ đưa sang hơn 1/2 nghệ sĩ trong dàn nhạc (khi diễn ở Nhà hát TP.HCM)… cho thấy tình trạng không đáp ứng được tiêu chuẩn sân khấu của các nhà hát hiện hữu ở thành phố này. Ông cho biết: “Nếu xem lịch diễn của các dàn nhạc giao hưởng lớn trên thế giới sẽ thấy điểm đến họ thường có là Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, chứ TP.HCM thì hiếm có đoàn nào ghé qua. Lý do bởi thành phố mình không có nhà hát đạt chuẩn”.

“Lãnh đạo có quan tâm, nhưng thực hiện thì chậm”

Mong rằng Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân sớm cố gắng giải quyết vấn đề sân khấu, nhà hát cho nghệ thuật truyền thống bởi vì khu vực phía nam, đặc biệt TP.HCM, không thể không có thánh đường nào
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Tại buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ nói trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, sau tết, thành phố sẽ rà soát lại các vấn đề nhà hát, bảo tàng… để có chính sách phù hợp. Riêng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, ông cho biết sẽ khảo sát một lần nữa xem có thể sửa lại sử dụng được không, nếu không thì tìm cách khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nói: “Mong rằng Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân sớm cố gắng giải quyết vấn đề sân khấu, nhà hát cho nghệ thuật truyền thống bởi vì khu vực phía nam, đặc biệt TP.HCM, không thể không có thánh đường nào”.
Theo NSƯT Trần Vương Thạch: “Việc thiếu thốn nhà hát hiện tại đang là khó khăn rất lớn cho đời sống văn hóa của người dân thành phố. Sự thiếu thốn này tạo nên hệ quả không tốt, không những không nâng cao được nhu cầu giải trí, mà lại càng hạn chế, hạ thấp nhu cầu giải trí của công chúng”. Ông cho rằng: “Sự quan tâm đến đời sống văn hóa nghệ thuật của lãnh đạo thành phố là có, nhưng còn việc thực hiện thì chúng ta đã rất chậm”.
Là người gắn bó sát sao với hoạt động văn hóa giải trí của TP.HCM hàng chục năm qua, thạc sĩ văn hóa Lê Hữu Luận, Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, cũng thẳng thắn bày tỏ: “Vấn đề về nhà hát cũng như các rạp hát, sân khấu biểu diễn tại TP.HCM được tôi trình bày trong một tham luận tại “Hội thảo khoa học - Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 17.3.2016 chứ không phải bây giờ mới nói”. Theo đó, ông cho rằng: “Với sự suy thoái của sân khấu biểu diễn, rất nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức và tôi chắc rằng không ít vị quản lý văn hóa đã đồng cảm với những ưu tư, lo lắng của giới nghệ sĩ… Các cấp lãnh đạo văn hóa đều ghi nhận các ý kiến đóng góp là đúng, là cần khắc phục. Nhưng để thực hiện thì luôn gặp trở ngại về kinh phí, mặt bằng, quy trình thực hiện và nhiều lý do khác”.
“Yêu nghề” nhưng lại “yếu nghề”
Theo thạc sĩ văn hóa Lê Hữu Luận, chúng ta không hề thiếu nghệ sĩ giỏi, cống hiến cả đời mình cho nghệ thuật. Hằng năm, các danh hiệu NSND, NSƯT đã nói lên việc này. Nhưng vì thiếu rạp biểu diễn, không có cơ hội rèn luyện, thử sức trên sân khấu lớn đúng với tinh thần vị nghệ thuật, nhiều lớp diễn viên đã tìm kế sinh nhai trên các sân khấu nhỏ với các vở diễn tương đối dễ dãi, không mấy tốn sức. Từ đó hình thành lớp diễn viên tuy “yêu nghề” nhưng lại “yếu nghề”, quan tâm tới việc chạy show hơn rèn luyện để phát triển mình.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020