Chuyên mục  


Nụ hôn giải cứu nàng Bạch Tuyết lại gây tranh cãi

Việc làm mới bối cảnh vừa được thực hiện đã vấp phải một số chỉ trích, khi cảnh hoàng tử hôn nàng Bạch Tuyết và giải cứu nàng khỏi lời nguyền của mụ phù thủy độc ác được đưa vào phối cảnh bài trí mới.

Công viên Disneyland nằm ở bang California, Mỹ, vừa có những thay đổi trong khu vực tham quan xoay quanh câu chuyện cổ tích về nàng Bạch Tuyết. Việc làm mới bối cảnh vừa được thực hiện đã vấp phải một số chỉ trích, khi cảnh hoàng tử hôn nàng Bạch Tuyết và giải cứu nàng khỏi lời nguyền của mụ phù thủy độc ác được đưa vào phối cảnh bài trí mới.

Trước đây, những tranh cãi xung quanh nụ hôn của hoàng tử dành cho Bạch Tuyết đã từng là chủ đề gây tranh cãi. Một số bậc phụ huynh và chuyên gia giáo dục từng lo ngại rằng những câu chuyện cổ tích lâu đời này đã không còn bắt kịp với những quan niệm của đời sống xã hội hiện đại.

Hoàng tử và Bạch Tuyết không hề quen biết trước đó, hơn thế, trong lần gặp gỡ đầu tiên, nàng đang say ngủ vì bị phù phép, nàng không thể bày tỏ sự đồng ý hay phản đối trước nụ hôn của hoàng tử. Một số phụ huynh lo ngại rằng trước chi tiết này, con của họ sẽ không hiểu được thế nào là cách hành xử tôn trọng dành cho nữ giới.

Trong khi đó, "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" lại là câu chuyện cổ tích nổi tiếng tại nhiều quốc gia, gắn liền với tuổi thơ của trẻ nhỏ trên khắp thế giới.

Công viên Disneyland nằm ở bang California, Mỹ, vừa mở cửa trở lại vào ngày thứ 6 vừa qua sau quãng thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19. Để chào đón dịp này, công viên đã có những đổi thay trong cách bài trí ở khu vực xoay quanh câu chuyện cổ tích về nàng Bạch Tuyết.

Nụ hôn giải cứu nàng Bạch Tuyết lại gây tranh cãi

Việc công viên quyết định đưa thêm cảnh hoàng tử hôn Bạch Tuyết vào trong phối cảnh đã phải đón nhận nhiều chỉ trích. Ngay lập tức, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến được đưa ra:

"Nụ hôn của hoàng tử khi nàng Bạch Tuyết đang ngủ say, khi nàng không thể bày tỏ sự đồng ý hay phản đối, không thể là một biểu đạt của tình yêu đích thực".

"Không phải chúng ta đều đã ngầm hiểu rằng một số chi tiết trong các câu chuyện cổ tích thiếu đi sự tôn trọng dành cho nữ giới hay sao? Chúng ta dạy trẻ cách hành xử đúng mực, cách bày tỏ tình cảm với bạn khác giới sao cho phù hợp, vậy mà nụ hôn "lỗi thời" của hoàng tử với Bạch Tuyết vẫn tiếp tục được chấp nhận sao?".

"Thật khó để hiểu tại sao đến thời điểm này mà Disneyland vẫn quyết định lựa chọn một cảnh 'lỗi thời' như vậy để đưa vào phối cảnh của mình"...

Nụ hôn giải cứu nàng Bạch Tuyết từng bị chuyên gia "mổ xẻ"

Nụ hôn giữa hoàng tử và Bạch Tuyết từng được khắc họa trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng ra mắt hồi năm 1937.

Nụ hôn giữa hoàng tử và Bạch Tuyết từng được khắc họa trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng ra mắt hồi năm 1937.

Năm 2018, giáo sư Kazue Muta của trường Đại học Osaka (Nhật Bản) từng bình luận rằng hành động hôn một người phụ nữ đang ngủ, một người phụ nữ mà trước đó, người đàn ông không hề quen biết, không thân thiết gắn bó, cũng giống như hành động quấy rối tình dục đối với người đang không có đầy đủ ý thức vậy.

Là một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về giới, giáo sư Kazue Muta (61 tuổi) thậm chí còn nhìn nhận rằng nụ hôn trong "Nàng Bạch Tuyết" và "Công chúa ngủ trong rừng" là những chi tiết không còn phù hợp với đời sống văn hóa đương đại.

Bà Kazue Muta từng nói: "Các bạn hãy thử suy nghĩ thật lý trí và rạch ròi về việc nàng Bạch Tuyết và nàng công chúa ngủ trong rừng được đánh thức dậy bởi nụ hôn của chàng hoàng tử xa lạ, điều đó có thực sự lành mạnh không? Theo tôi, nếu đặt trong bối cảnh xã hội đương đại, đó là hành động quấy rối tình dục đối với người đang không có đầy đủ ý thức".

Trong bộ phim hoạt hình ra mắt hồi năm 1937 của Disney, mụ phù thủy độc ác ghen tị với vẻ đẹp của nàng Bạch Tuyết nên lừa nàng ăn trái táo có độc, khiến nàng rơi vào giấc ngủ vĩnh cửu. Giấc ngủ này chỉ có thể chấm dứt nếu Bạch Tuyết nhận được một nụ hôn đến từ tình yêu chân thành.

Người mẹ đề nghị nhà trường ngừng giới thiệu truyện "Nàng công chúa ngủ trong rừng"

Đối với vị phụ huynh "lo xa" này, câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới "Nàng công chúa ngủ trong rừng" đã đưa lại cho trẻ nhỏ một thông điệp không phù hợp với thời đại hôm nay...

Hồi năm 2017, khi cậu con trai 6 tuổi của chị Sarah Hall, sống ở đô thị North Shields (Anh), bắt đầu đi học tiểu học, trong giáo trình của cậu bé có giới thiệu truyện cổ tích "Nàng công chúa ngủ trong rừng".

Chị Sarah Hall cho rằng nàng công chúa không hề đồng ý cho chàng hoàng tử xa lạ được phép hôn mình và đối chiếu vào đời sống xã hội hiện nay, hành động của chàng hoàng tử là rất "có vấn đề", có thể khiến chàng gặp rắc rối với… cảnh sát.

Chị Sarah sợ rằng cậu con trai 6 tuổi của mình sẽ không phân biệt được thế giới thực tại và thế giới cổ tích, rằng cậu bé sẽ nghĩ hành động gần gũi với người khác giới mà mình cảm mến (dù chưa quen biết và được sự đồng ý) là hoàn toàn chấp nhận được.

Đối với vị phụ huynh "lo xa" này, câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới "Nàng công chúa ngủ trong rừng" đã đưa lại cho trẻ nhỏ một thông điệp không phù hợp với thời đại hôm nay:

"Tôi cho rằng có vấn đề trong câu chuyện 'Nàng công chúa ngủ trong rừng', nó nằm ở hành động thân mật của hoàng tử trong khi công chúa chưa hề đồng ý. Liệu câu chuyện này có còn phù hợp với đời sống văn hóa của thời đại hôm nay?".

"Lo xa" như vậy nên chị Sarah Hall đã viết thư gửi tới ban giám hiệu nhà trường, đề nghị ngừng giới thiệu truyện cổ tích "Nàng công chúa ngủ trong rừng" tới trẻ nhỏ.

Người cha viết lại truyện "Nàng Bạch Tuyết" bởi đời thực "không có cái kết hạnh phúc mãi mãi"

Anh Stephan Kalinski đến từ thành phố Berlin (Đức) viết lại câu chuyện về nàng Bạch Tuyết và cho xuất bản cuốn truyện để dành tặng cho trẻ em hiện đại hôm nay.

Hồi năm 2019, một người cha đến từ nước Đức - anh Stephan Kalinski - đã viết lại câu chuyện cổ tích về nàng Bạch Tuyết theo hướng tư duy hiện đại hơn, bởi anh Stephan tin rằng "không có cái kết hạnh phúc mãi mãi".

Anh Stephan Kalinski đến từ thành phố Berlin (Đức) viết lại câu chuyện về nàng Bạch Tuyết và cho xuất bản cuốn truyện để dành tặng cho trẻ em hiện đại hôm nay. Anh có một cô con gái nhỏ và muốn đưa lại sự mạnh mẽ, tư duy độc lập cho con gái thông qua những câu chuyện cổ tích có chứa đựng nhiều thông điệp tích cực về bình đẳng giới.

Trong đó, cái kết hoàng tử và nàng Bạch Tuyết tổ chức hôn lễ rồi "từ đó sống hạnh phúc mãi mãi" được thay đổi. Trong câu chuyện của anh Kalinski, hai người trở thành bạn thân và cùng nhau đi du lịch vòng quanh thế giới.

Anh Stephan Kalinski cho rằng câu chuyện nguyên gốc quá đề cao giá trị vẻ đẹp ở nhân vật nữ. Vì vậy, anh muốn viết lại để dành tặng cho cô con gái Lena (5 tuổi).

Trong cuốn sách do anh Stephan Kalinski thực hiện, nàng Bạch Tuyết là một cô gái bản lĩnh, mạnh mẽ. Bà hoàng hậu độc ác ghen tị vì nàng càng lúc càng trở nên giỏi giang, đáng nể, vì vậy, mụ ta đã thuê một người thợ săn sát hại nàng.

Nàng Bạch Tuyết đã tự giải cứu mình khỏi tay thợ săn nhưng rồi nàng lại bị bà hoàng hậu ám hại bằng một trái táo độc. Khi hoàng tử đi vào khu rừng và nhìn thấy nàng Bạch Tuyết nằm trong chiếc quan tài bằng kính trong suốt, chàng đã không hôn Bạch Tuyết.

Thay vào đó, tình huống trong truyện để chàng bị trượt chân, ngã và xô đẩy chiếc quan tài, nàng Bạch Tuyết nằm trong đó liền ho ra miếng táo có độc.

Anh Stephan Kalinski đánh giá: "Những câu chuyện cổ tích như thế này đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới từ rất lâu rồi và giờ là lúc để khiến những câu chuyện ấy phản ánh đúng hơn về những đứa trẻ hiện đại trong thế giới hôm nay".

Bích NgọcTheo Daily Mail/Japan Today

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020