Chuyên mục  


Hẹn gặp họa sĩ Lê Linh không dễ dàng, vì lúc nào ông quá tất bật với nhiều dự án đang triển khai, lo lắng cho gia đình nhỏ và bận rộn ... vẽ để kiếm thêm thu nhập. Thậm chí mới vào quán cà phê, ông đã đề nghị chỉ gặp được nhà báo khoảng 30 phút thôi rồi chạy mất. Vậy mà đằng đẳng hơn 12 năm qua, ông vẫn bỏ thời gian đeo đuổi thưa kiện vụ Thần đồng đất Việt không biết mệt mỏi.

Bộ truyện tranh thuần Việt rất được độc giả yêu thích

Vừa vẽ vừa đẩy bàn tránh dột
Không bao giờ quên những ngày khó khăn mới “chân ướt chân ráo” vào nghề, họa sĩ Lê Linh kể: “Thời gian đầu vào làm việc tại công ty Phan Thị, bảy tám con người chui trong căn phòng nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chính (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), mái tôn ọp ẹp đến nỗi hễ có cơn mưa lớn là dột tứ bề, rơi cả trên bàn vẽ... phải vừa vẽ vừa đẩy bàn tránh dột. Cái máy lạnh "cùi bắp" treo thấp lè tè mà vẫn yếu, chúng tôi cứ phải vẽ một hai trang là lạt đến đứng kê cổ vào sát họng máy ... cho mát. Nhưng sao lúc đó mình chẳng thấy cực khổ gì cả, được sống trong niềm đam mê truyện tranh thì những phiền toái cỏn con kia nào có sá gì. Vừa vẽ vừa nghe tiếng mưa rơi lách tách vào xô chậu thì càng vui tai chứ sao. Công ty còn khó khăn thì ta lại phải càng cố gắng nhiều hơn, chỉ biết cắm đầu vào bàn miệt mài viết, vẽ, vắt kiệt tim óc để cho ra đời những câu chuyện hay nhất, hóm hỉnh nhất, bổ ích nhất với ước mong sẽ được hưởng trái ngọt từ thành quả lao động của mình. Và cuối cùng bộ truyện Thần đồng đất Việt đã thành công vang dội, mười ngàn bản in mỗi tập bán sạch trong vòng có ba ngày và  số lượng bản in không ngừng tăng lên”.
Vào thời điểm sau năm 2000, thị trường truyện tranh ồ ạt xuất hiện các tác phẩm của nước ngoài với 20 tựa sách mới mỗi tháng. Ước mơ có một truyện tranh thuần Việt cứ nung nấu buộc Lê Linh bắt tay vào vẽ. Được công ty Phan Thị tạo điều kiện và đầu tư nên Lê Linh thỏa sức tung hoành với bộ Thần đồng đất Việt .

Họa sĩ Lê Linh trình bày thêm chứng cứ cho Hội đồng xét xử

Luật sư Phạm Đại Lợi (phải) và nguyên đơn Lê Linh

Họa sĩ cảm thấy bị xúc phạm
Vì vậy, tại các phiên xử vụ Thần đồng đất Việt họa sĩ Lê Linh cảm thấy bị xúc phạm khi luật sư phía bị đơn cho rằng là kiến trúc sư, ông Lê Linh không qua trường lớp đào tạo hội họa nên không thể vẽ được các nhân vật uyển chuyển như trong Thần đồng đất Việt.
Ông Lê Linh nói: “Chắc hẳn ai cũng hiểu để vẽ nên một tác phẩm hội họa không đơn thuần chỉ dựa vào năng khiếu mà còn đòi hỏi phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện vất vả nếu không muốn nói là khổ luyện. Bản thân tôi cũng đã lăn lộn suốt năm năm trời tại các họa thất lớn nhỏ dưới mái trường Đại học Kiến trúc. Ngoài hàng chục đồ án kiến trúc mỗi năm còn phải hoàn tất các bộ môn mỹ thuật như bố cục tạo hình, phong cảnh, màu nước, tĩnh vật, đầu tượng, tượng toàn thân, điêu khắc..  với các kỳ kiểm tra, sát hạch gắt gao và cuối cùng là một đồ án tốt nghiệp gồm mười mấy bản giấy A0 mà bạn nào cũng phải thức trắng nhiều đêm để vẽ. Do đó để tạo ra một tác phẩm gây ấn tượng với người xem là cả một quá trình tích lũy kiến thức lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai mà làm được. Và khi tác giả thực sự tạo ra tác phẩm thì tác phẩm đó sẽ là hơi thở, là nhân cách, là tâm hồn của chính tác giả đó”.

Họa sĩ Lê Linh (trái) với ước mong cùng bộ truyện tranh "cha con về một nhà"

Những tâm sự của ông Lê Linh trên trang cá nhân nhận được sự ủng hộ của nhiều người

Tại tòa phúc thẩm ở TP.HCM sáng 16.7, ông Linh phản bác gay gắt lập luận của luật sư bị đơn và cho rằng, rất nhiều bạn bè ông là kiến trúc sư không có may mắn được học hành về hội họa nhưng có người là họa sĩ nổi tiếng, có tên tuổi trong làng hội họa Việt Nam.
Vụ kiện bản quyền Thần đồng đất Việt đã bước qua năm thứ 13, họa sĩ Lê Linh ngồi vừa vẽ những bức hình những nhân vật của bộ truyện nổi từng gắn bó máu thit đăng trên trang cá nhân với dòng tâm sự chua xót: “Lần đầu tiên sau mười ba năm, đặt bút họa lại những đứa con thân yêu phải nghẹn ngào...". Ông cũng không giấu giếm khát vọng cháy bỏng: “Mong cha con được đoàn tụ”.
 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020