Vở Khúc tráng ca thành Gia Định do tác giả trẻ Phạm Văn Đằng viết là vở diễn được Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng để tham dự Liên hoan cải lương toàn quốc 2024
Thời cải lương phát triển rực rỡ trước và sau 1975, làng cải lương đã xuất hiện hàng loạt soạn giả nổi tiếng với những kịch bản cải lương đã đi vào lòng người như Viễn Châu, Trần Hữu Trang, Năm Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Kiên Giang, Quy Sắc, Hoàng Khâm, Thế Châu, Loan Thảo, Mộc Linh, Trần Hà, Thể Hà Vân...
Đánh giá đúng
Thời đó, thầy tuồng có vị trí quan trọng trong đoàn hát vì họ không chỉ viết tuồng mà còn gánh luôn vai trò dàn dựng và cả đào tạo nghệ sĩ. Cho đến nay khi đời sống cải lương khó khăn thì đội ngũ soạn giả ngày càng teo tóp.
Bà Ca Lê Hồng nhấn mạnh bây giờ người ta vẫn có tâm lý coi thường soạn giả cải lương, nhất là khi họ chuyển thể từ tác phẩm kịch nói vì bị cho rằng "ăn" cái có sẵn của người khác chứ không phải sáng tạo.
Trong khi việc chuyển thể cải lương không hề dễ dàng, đòi hỏi soạn giả phải có sự am hiểu nghề và phải có vốn kiến thức bài bản cải lương rộng lớn.
Ông Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, lấy ví dụ soạn giả Hoàng Song Việt là thế hệ soạn giả cải lương sau 1975 đã chứng minh khả năng của mình qua nhiều tác phẩm rất hay, giàu tính văn học, giữ được chất trữ tình, tự sự của cải lương.
"Qua sự chuyển thể của Việt mà một số kịch bản văn học được nâng tầm rất nhiều. Tuy nhiên, khi vinh danh, người ta lại chỉ trao giải thưởng và ghi nhận tác giả gốc. Điều này là sự thiệt thòi cho cá nhân Việt nói riêng và các soạn giả có khả năng nói chung.
Năm nay, lần đầu tiên Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 có giải thưởng dành cho người chuyển thể xuất sắc. Tôi cảm thấy rất mừng vì các soạn giả cải lương đã được chú ý, họ có thêm động lực để gắn bó với sàn diễn cải lương ngày một khó khăn" - ông Giàu bày tỏ.
Vở cải lương Đời Như Ý do soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương giàu chất trữ tình, đong đầy cảm xúc - Ảnh: L.ĐOAN
Soạn giả cải lương ngày nay thiếu gì?
Trong sân khấu cải lương, khâu quan trọng đầu tiên chính là kịch bản hay, vì vậy vai trò người soạn giả cực kỳ quan trọng.
Nhiều người tham dự tọa đàm đặt vấn đề tuồng tích ngày xưa có sức lan tỏa rất lớn. Không chỉ ở các sân khấu lớn mà đến cả bàn nhậu, dân ghiền cải lương lai rai vài ly là có thể ca bài Võ Đông Sơ, ca các trích đoạn cải lương kinh điển.
Còn bây giờ các bài ca cổ, trích đoạn cải lương không thể làm được điều đó. Có phải do chúng ta bị công nghệ lấn át, hay do sáng tác của tác giả không đi sâu vào tâm tình của người hôm nay?
Soạn giả Đăng Minh cho rằng thời buổi bây giờ đã khác thì tự thân cải lương cũng đang có sự thay đổi.
Ông quan sát và thấy một số tác giả trẻ hiện nay được trang bị kiến thức khá tốt, thậm chí có người còn đang học lên thạc sĩ, tiến sĩ.
Cái mà ông cho rằng họ đang thiếu là việc hiểu về nghề chưa được tốt, bị hẫng, nên ứng dụng vào thực tế sân khấu còn lúng túng. Người viết cải lương phải tự mày mò chứ cũng không có trường lớp đào tạo.
Thế hệ soạn giả đi trước may mắn được va chạm nhiều, hoạt động trong môi trường cải lương sôi động nên tiến bộ từng ngày. Do đó, các bạn trẻ hiện nay khó tránh khỏi có khoảng cách nghề nghiệp với các tiền bối.
Vì những khó khăn đó nên bà Ca Lê Hồng cho rằng soạn giả cải lương hôm nay phải nỗ lực tự trang bị kiến thức, phải chịu khó học hỏi để rành rẽ cải lương, xây dựng cho mình một bản lĩnh để không bị các ngôi sao "chi phối".
Bởi hiện nay có nhiều nghệ sĩ ngôi sao tự cho mình đứng trên tác giả, đạo diễn. Khi muốn, họ có thể tự tiện sửa lời, sửa ý của tác giả miễn sao "hát cho thuận miệng", hoặc bắt tác giả viết thêm để khoe giọng, hát cho đã mà không cần quan tâm đến tâm lý nhân vật, hoàn cảnh, tình tiết, chất văn học trong vở diễn ra sao...
Và như vậy, nếu tác giả cải lương không đủ bản lĩnh lý giải những gì mình viết ra là hợp lý, đúng đắn sẽ rất dễ bị ngôi sao "bắt nạt".
Nhiều soạn giả ngày xưa vốn xuất thân từ thầy giáo mê hát nên khả năng văn chương của họ rất tốt.
Từng lời lẽ viết ra đều có sự nâng niu, chắt chiu nên lời ca vừa đẹp, trữ tình, phù hợp hoàn cảnh mà dễ đi sâu vào lòng người xem.