Chuyên mục  


Theo nguyện vọng của gia đình, linh cữu bà Phan Thị Quyên sẽ được quàn tại nhà ở số 60 Trần Ngọc Diện, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM. Lễ viếng lúc 19 giờ ngày 4.7. Lễ di quan lúc 4 giờ 30 phút ngày 6.7 sau đó bà được an táng tại quê nhà tại xã Tân Lợi Thạnh, H.Giồng Trôm, Bến Tre.
Bà Phan Thị Quyên nguyên quán ở xã Văn Bình, H.Thường Tín, nay thuộc TP Hà Nội. Năm 16 tuổi, bà Quyên vào làm việc tại Hãng bông Bạch Tuyết ở đường Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ, TP.HCM). Trong thời gian này, bà được người quen mai mối giới thiệu với anh thợ điện quê Quảng Nam là Nguyễn Văn Trỗi, lúc đó đang làm việc tại Nhà máy điện Chợ Quán.

Bà Phan Thị Quyên (trái) và nhà báo Nguyễn Huy Toàn

Tác phẩm Sống như Anh nổi tiếng

Một thời gian quen và yêu nhau, ngày 21.4.1964, bà Phan Thị Quyên và chàng trai xứ Quảng Nguyễn Văn Trỗi tổ chức đám cưới nhưng chưa đầy 20 ngày sau, anh Trỗi bị bắt rồi bị kết án tử hình vào tháng 8 cùng năm.
Tháng 2.1965, bà Quyên tham gia đội biệt động 65 đóng tại Long An, sau đó được điều chuyển về R (Trung ương Cục). Một tháng sau, bà dự Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam và được gặp nhà báo Trần Đình Vân, phóng viên báo Giải Phóng kể lại câu chuyện về anh Trỗi để ông viết bút ký Sống như Anh nổi tiếng sau này.
Được biết, Sống như Anh từng là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, bà Quyên cùng nhiều đồng đội đã kể chuyện về liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi cho nhà báo Thái Duy (nhà văn Trần Đình Vân) chấp bút cho tác phẩm. Và cho đến gần đây, Sống như Anh còn được tái bản, trở thành cuốn sách được bạn đọc bình chọn là một trong ba cuốn sách có nội dung hay nhất năm 2002, đồng thời đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, mới đây nhất là tiếng Tây Ban Nha.

Bà Phan Thị Quyên lúc về già

Ảnh: Nguyễn Huy Toàn

Nhà văn Trần Đình Vân từng kể với báo chí về bà Phan Thị Quyên: "Trước hết có thể nhận thấy đó là một người phụ nữ yêu nước. Qua tiếp xúc với chị Quyên lúc đó, tôi có cảm giác, ở tuổi mười chín, là công nhân của Xí nghiệp Bông Bạch Tuyết, khi yêu và lấy anh Trỗi, cô gái ấy hiểu về cách mạng và "Việt cộng" chưa nhiều. Khi anh Trỗi bị bắt và biết anh là "Việt cộng", hằng ngày đến thăm nuôi chồng, chị không một lời thuyết phục anh khai báo tổ chức để rồi hy vọng chồng mình sẽ được trả tự do. Chưa hết, sau khi anh Trỗi hy sinh, các chiến sĩ biệt động đến đón chị ra vùng giải phóng, chị không một chút ngần ngại và luyến tiếc cuộc sống đô thành mà tự nguyện trở về với cách mạng ở khu căn cứ”.
Sau này, về già bà Quyên về hưu sống thanh thản cùng gia đình và đã nhận được Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Vì tuổi cao sức yếu, cộng với một thời gian dài chống chọi với căn bênh ung thư, mặc dù được gia đình, bạn bè, đồng chí tận tình chăm sóc nhưng bà không thể vượt qua quy luật sinh tử của cuộc đời.
Nghe tin bà ra đi vào cõi vĩnh hằng, rất nhiều bạn hữu, đồng nghiệp và những độc giả từng đọc Sống như Anh bày tỏ tình cảm vô cùng thương tiếc người vợ hiền lành của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020