Trước trận đấu ở lượt sáu bảng C tối 19/11, Trung Quốc đã cho thu hẹp chiều rộng sân Hạ Môn khoảng 3 m, dẫn đến nhỏ hơn khuyến nghị 68 m của FIFA. Tuy nhiên, các đội chủ nhà có quyền điều chỉnh kích thước sân theo Luật thi đấu do Hội đồng Liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB) ban hành. Theo đó, ở các trận đấu quốc tế, chiều dài sân tối thiểu là 100 m và tối đa là 110 m, còn chiều rộng tối thiểu là 64 m và tối đa là 75 m.
"Một chiến lược độc đáo và có hiệu quả", bài viết trên báo Nhật Bản Soccer Digest có đoạn. "Trung Quốc muốn nâng cao hiệu quả phòng ngự và cảnh giác cao nhất với các chân chạy cánh Nhật Bản".
Tiền đạo Koki Ogawa (giữa) mừng bàn mở tỷ số cho Nhật Bản trong trận thắng Trung Quốc 3-1, ở lượt sáu bảng C vòng loại ba World Cup 2026 - khu vực châu Á. Ảnh: Reuters
Nhật Bản thi đấu với sơ đồ 3-4-3, với hai cánh gồm những cầu thủ giàu kỹ thuật và tốc độ. Biên trái có Keito Nakamura và Takumi Minamino, còn phải là Junya Ito và Takefusa Kubo. Khi chiều rộng sân hẹp hơn, các cầu thủ Nhật Bản sẽ mất thời gian thích ứng, còn những cầu thủ Trung Quốc ở trung tâm có thể hỗ trợ cho hậu vệ biên nhanh hơn.
Ban huấn luyện Nhật Bản biết việc này trước trận một ngày và chia sẻ để các cầu thủ thích ứng. Tuy nhiên, Keito Nakamura thừa nhận gặp khó khăn vì khoảng cách với hậu vệ cánh đối phương rất gần. "Chúng tôi đảo cánh nhiều hơn trong hiệp hai", tiền vệ đang khoác áo CLB Reims (Pháp) cho hay. "Nhưng đối phương rất nhanh tạo thế hai đấu một".
Thực tế, Nhật Bản đã gặp khó khăn hơn trong khâu ghi bàn từ bóng sống. Hai bàn đầu tiên của họ đều đến từ những tình huống cố định. Bóng từ hai quả phạt góc được treo vào trong cho Koki Ogawa và Kou Itakura đánh đầu trong vài phút cuối hiệp một. Trung Quốc rút ngắn tỷ số ở phút 49 nhờ công Lin Liangming. Nhưng năm phút sau, cách biệt hai bàn được tái lập, sau pha rê dắt biên phải rồi treo bóng của Junya Ito cho Ogawa đánh đầu hoàn tất cú đúp.
Tiền đạo Koki Ogawa (trái) đánh đầu ấn định chiến thắng 3-1 cho Nhật Bản trước Trung Quốc, ở lượt sáu bảng C vòng loại ba World Cup 2026 - khu vực châu Á. Ảnh: CFP
CĐV Trung Quốc cũng tung chiêu trò gây áp lực cho Nhật Bản, nhưng nhận về nhiều chỉ trích. Đầu tiên, họ la ó khi Nhật Bản hát quốc ca. Giữa hiệp một, thủ môn Zion Suzuki bị chiếu tia laser vào mặt.
"Bóng đá Trung Quốc thua Nhật Bản từ năng lực đến cách cư xử", bài viết trên báo Hàn Quốc Xports có đoạn.
Trên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Weibo, hành động của CĐV nhà cũng bị cho là "đáng xấu hổ" và "thô lỗ".
Vấn đề này cũng được HLV Hajime Moriyasu đề cập ở họp báo sau trận. "Tôi sẽ đánh giá cao nếu CĐV Trung Quốc ngừng la ó khi quốc ca vang lên, như một hình thức tôn trọng lẫn nhau", ông cho biết. Nhà cầm quân 56 tuổi khẳng định toàn đội luôn tôn trọng sự cuồng nhiệt của người hâm mộ. Nhưng khi các cầu thủ chiến đấu cho đất nước, chơi công bằng và đúng luật thì cũng xứng đáng được tôn trọng.
Về việc chiếu tia laser, Moriyasu phản ứng gay gắt hơn. "Nếu trúng mắt, nó có thể gây hại", HLV người Nhật Bản nói. "Vì sức khỏe cầu thủ, tôi muốn hành động quá mức này ngừng lại".
Báo Nhật Bản Football Zone miêu tả HLV Moriyasu không phải mẫu người thích đưa ra lời chỉ trích hay phản ứng gay gắt. Nhưng vẻ mặt của ông lúc ấy rất căng thẳng và lan tỏa vào không khí phòng họp báo sân Hạ Môn.
Ở lượt hai bảng C vòng loại ba hôm 11/9, CĐV Bahrain cũng la ó lúc quốc ca Nhật Bản vang lên và chiếu tia laser vào mặt tiền đạo Ayase Ueda. Cuối cùng, Nhật Bản thắng 5-0. "Sức mạnh của Nhật Bản thời Moriyasu ngoài kỹ thuật và thể chất, còn là tinh thần mạnh mẽ, cho phép họ không bối rối trước bất kỳ điều gì", báo Nhật Bản Abema bình luận.
Chiến thắng trước Trung Quốc giúp Nhật Bản củng cố ngôi đầu bảng C với 16 điểm, hơn đội nhì Australia chín điểm. Nếu thắng Bahrain trên sân nhà vào ngày 20/3/2025, Nhật Bản sẽ chắc suất dự World Cup 2026. "Samurai xanh" đã thể hiện sức mạnh vượt trội từ vòng loại hai. Họ bất bại sau 12 trận với 11 thắng, ghi 46 và chỉ thủng lưới hai bàn.
Trung Thu