Solskjaer đã bị sa thải. Dòng thông báo xuất hiện trên trang chủ của Man Utd có lẽ cũng chẳng đủ phá vỡ một ngày trong cuộc sống thường nhật của những người hâm mộ đội bóng. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng, cái ngày Solsa ra đi chỉ còn là vấn đề thời gian. Chỉ cần một giọt nước tràn ly để kích hoạt. Có chăng, một điều ít ai ngờ rằng, Watford lại là "tử thần" đối với chiến lược gia người Na Uy.
HLV Solskjaer đã bị sa thải sau chuỗi thành tích yếu kém của đội bóng.
Solsa là HLV luôn nở nụ cười tươi ngay cả trước nghịch cảnh. Có không ít lần, ông khiến những CĐV đội bóng khó chịu vì nụ cười ấy, khi đội nhà thất bại. Nhưng rồi, dần dần người ta cũng thấy rằng nụ cười trở thành "thứ xa xỉ" với người đàn ông này. Bởi áp lực dồn lên chiếc ghế HLV ngày càng nặng nề.
Sau trận đấu với Watford, Solskjaer ra sân cảm ơn những người hâm mộ như một thói quen. Sau đó, ông còn tự tin khẳng định mình có thể hướng đội bóng trở lại quỹ đạo chiến thắng. Thế nhưng, ít ai nhìn thấy góc khuất. Theo tờ The Sun, ông đã lặng lẽ bước vào phòng thay đồ và… nói lời chào tạm biệt các cầu thủ.
Chẳng ai có thể bào chữa hay bênh vực cho việc HLV người Na Uy bị sa thải. Suy cho cùng, xét về trình độ, tâm lý, khả năng truyền động lực… ông đều không tốt. Rất khó để HLV "tầm trung" như vậy để có thể dẫn dắt Man Utd tới thành công.
Nhưng suy cho cùng, Solskjaer cũng chỉ một phần trong guồng quay của đội bóng. Cũng giống như David Moyes, Van Gaal, Mourinho. Họ đều đến trong sự kỳ vọng, để rồi ra đi trong sự chỉ trích không ngớt.
Và khi có quá nhiều kịch bản như vậy lặp lại, có thể nhìn nhận ở góc rộng hơn. Phải chăng những người HLV chỉ là "con tốt thí" trong bàn cờ vốn rất lộn xộn của Man Utd kể từ sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu.
Hơn 1 tỷ bảng được "ném ra" trên thị trường chuyển nhượng để bịt lỗ hổng quá lớn mà "ông già gân" để lại nhưng tất cả đều tan vào hư vô. Cuộc khủng hoảng Man Utd chính là khủng hoảng về tính định hướng.
Sir Alex Ferguson quá vĩ đại. Ông đã làm thay công việc trong nhiều khâu khác nhau, từ quản lý, huấn luyện, mua cầu thủ… Nhưng những kiểu HLV như vậy gần như "tuyệt chủng" trong bóng đá hiện đại. Chính vì vậy, mọi HLV tới Man Utd sau này đều cảm thấy chơi vơi trên băng huấn luyện.
Man Utd khủng hoảng định hướng sau khi Sir Alex Ferguson ra đi.
Ed Woodward nổi lên như "ông trùm" tại Man Utd thời hậu Sir Alex Ferguson. Ông phụ trách vấn đề tài chính và cả… định hướng phát triển của Quỷ đỏ. Chính vì lẽ đó, sự xuống dốc của CLB trong nhiều năm qua xuất phát không ít từ người đàn ông này.
Từ Bleacher Report từng mô tả Ed Woodward là "chàng trai vàng" của giới chủ Man Utd. Ông tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu về kế toán và luật. Thời mới tới Man Utd năm 2005, Ed Woodward đảm nhận vai trò cố vấn cho những ông chủ Mỹ. Sau đó, tới năm 2007, ông đảm nhận vai trò phụ trách các hoạt động thương mại và truyền thông của đội bóng.
Không phải ngẫu nhiên, Ed Woodward được ví là "chàng trai vàng". Bởi với bộ não siêu việt của mình, ông biết cách biến mọi thứ thành… tiền. Doanh thu thương mại của Man Utd vào năm 2005 (trước khi ông tới) chỉ là 48,7 triệu bảng. Tới năm 2012 (trước khi ông làm phó chủ tịch Man Utd), con số ấy đã tăng lên 117,6 triệu bảng.
Ed Woodward đã thành công trong việc tận dụng giá trị thương hiệu của Man Utd để kiếm tiền. Chả thế mà ở thời điểm đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nhiều CLB lớn liêu xiêu, Quỷ đỏ vẫn sống khỏe, tới mức không phải cắt giảm lương của nhân viên và các cầu thủ.
Vị phó chủ tịch Man Utd nổi tiếng với câu nói: "Màn trình diễn của đội bóng không có tác động gì tới khía cạnh thương mại của đội bóng".
Ed Woodward chỉ giỏi kinh doanh, chứ không thể định hướng bóng đá với Man Utd.
Chính vì lẽ đó, một người đàn ông không có tí chuyên môn nào về bóng đá vẫn đang… định hướng Man Utd trong từng ấy năm. HLV Van Gaal từng điên tiết thốt lên rằng: "Man Utd chẳng bao giờ mua những cầu thủ tôi cần".
Thậm chí, vào mùa Hè năm 2018, HLV Mourinho từng có mâu thuẫn lớn với phó Chủ tịch của Man Utd về vấn đề chuyển nhượng. Để rồi vài tháng sau, "Người đặc biệt" đã rời khỏi Man Utd không kèn không trống.
Trong bao năm qua, Man Utd vẫn đang phát triển theo định hướng của một người đàn ông chẳng biết trái bóng tròn hay méo. Ed Woodward có thể là bậc thầy về kinh doanh nhưng về chuyên môn bóng đá, ông chẳng khác nào "gã học việc".
Không ngạc nhiên khi Man Utd có không ít thương vụ "phá giá tất cả" để chỉ… thỏa mãn. Họ từng khiến Man City "câm nín" khi trả lương 500.000 bảng/tuần cho Alexis Sanchez. Họ phá kỷ lục thế giới để mua Pogba, hay chỉ tới 80 triệu bảng để mua… Maguire, rồi 50 triệu bảng để mua Wan Bissaka.
Tất cả đều là những mức giá trên trời…
Trong 2 năm trở lại đây, Ed Woodward đã bớt "nhúng tay" vào công việc chuyên môn nhưng có chăng chỉ là "bình mới rượu cũ". Man Utd bổ nhiệm John Murtough vào vị trí Giám đốc bóng đá và cựu cầu thủ Darren Fletcher vào vị trí Giám đốc kỹ thuật nhưng lại giao công việc chuyển nhượng cho… bạn thân của Ed Woodward là Matt Judge để đàm phán chuyển nhượng. Cũng như Ed Woodward, Matt Judge đâu có sờ tới trái bóng ngày nào.
Cựu danh thủ Evra từng kể lại câu chuyện hài hước về Matt Judge. Ở thời điểm Man Utd đang đàm phán vụ Van De Beek, Van Der Sar (Giám đốc thể thao của Ajax) đã phải thông qua Evra để nhắn Matt Judge… nghe điện thoại. Một cách làm việc đều "lạc lõng" so với thế giới bóng đá. Hay như mùa giải trước, Man Utd đã vứt đi cả mùa Hè chỉ để theo đuổi Jadon Sancho.
Suy cho cùng Solskjaer chỉ là "con tốt thí" như Van Gaal và Mourinho. Sự ra đi của ông chưa chắc giúp Man Utd cải thiện khi vấn đề cốt lõi vấn còn đó.
Rõ ràng, trong khi Man City và Liverpool đã xây dựng thành công bộ sậu lãnh đạo và định hướng cùng với HLV Jurgen Klopp và Pep Guardiola những năm qua thì Man Utd vẫn đang loay hoay với hướng phát triển. Họ cũng giống như thứ bóng đá "nửa nạc nửa mỡ" của HLV Solskjaer.
Suy cho cùng, Solskjaer đã thất bại và xứng đáng phải ra đi nhưng e rằng, đội bóng cũng chẳng thể khá hơn. Bởi lẽ, vấn đề cốt lõi của Man Utd vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, nó khiến cho nhiều HLV không "đủ can đảm" để tiếp quản ghế nóng của Quỷ đỏ thời điểm này.
H.Long