Nguồn cơn căng thẳng là từ quyết định tăng phút bù hiệp hai của trọng tài Ahmed Al Kaf, đẫn dến Bahrain có bàn gỡ 2-2 của Bahrain trước Indonesia, ở lượt ba bảng C vòng loại ba World Cup 2026.
Sau trận, người hâm mộ tràn vào các trang thông tin của BFA để gây rối, dẫn đến liên đoàn nước này phải đưa ra tuyên bố gồm bốn ý vào tối 16/10. BFA cho biết trang web, các tài khoản mạng xã hội và hệ thống thư điện tử của liên đoàn phải hứng chịu làn sóng lăng mạ, vu khống, đe doạ tính mạng và bị hack từ CĐV Indonesia.
Bahrain (áo đỏ) hòa Indonesia 2-2 ở lượt ba bảng C vòng loại ba World Cup 2026 - khu vực châu Á. Ảnh: AFC
"Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành vi vô trách nhiệm của CĐV Indonesia trên không gian mạng", tuyên bố của BFA có đoạn. "Chúng tôi sốc trước việc các thành viên ĐTQG bị dọa giết nhiều lần trên trang mạng xã hội cá nhân".
Bahrain đang liên hệ với LĐBĐ thế giới (FIFA) và LĐBĐ châu Á (AFC), để thông báo về những hành động mà họ coi là "không thể chấp nhận được" và "phớt lờ mạng sống con người" của CĐV Indonesia. Bahrain quan ngại sâu sắc về an toàn của các tuyển thủ quốc gia khi làm khách trước Indonesia vào ngày 25/3/2025, thuộc lượt tám bảng C vòng loại ba.
BFA cho biết: "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là gửi yêu cầu dời trận đấu khỏi Indonesia. Chúng tôi từ chối để tính mạng các thành viên đội tuyển đối mặt bất kỳ nguy hiểm tiềm tàng nào, đặc biệt từ người hâm mộ Indonesia".
Bahrain cảm thấy thất vọng sau khi đã hỗ trợ hết mình cho nhiều CĐV Indonesia nhập cảnh. Họ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 2.000 CĐV đội khách vào sân theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Trước tuyên bố của BFA, LĐBĐ Indonesia (PSSI) cho biết chủ tịch Erick Thohir sẽ viết thư gửi AFC, khẳng định trận đấu ở Jakarta sẽ diễn ra trong công bằng. Thành viên Ban điều hành PSSI Arya Sinulingga nhấn mạnh Bahrain sẽ được đảm bảo an ninh và sự thoải mái với tư cách khách mới. Ông lấy dẫn chứng FIFA U17 World Cup 2023 đã được tổ chức thành công và an toàn tại Indonesia, với mong muốn để Bahrain an tâm.
"Indonesia là quốc gia thân thiện với du khách", Sinulingga nói với Bola. "Người Indonesia đôi khi hung hăng trên mạng, nhưng thật ra họ rất thân thiện và tốt bụng".
CĐV Indonesia cổ vũ trong trận thua Iraq 0-2 ở vòng loại hai World Cup 2026, tại sân Gelora Bung Karno, vào tháng 6/2024. Ảnh: FIFA
Trước BFA, LĐBĐ Oman (OFA) cũng lên án mạnh mẽ hành động đe dọa của CĐV Indonesia, đặc biệt nhắm vào trọng tài quốc tịch Oman Ahmed Al Kaf. OFA tin tưởng Al Kaf đã làm tốt khi đề cao các giá trị mà trọng tài FIFA cần có. Liên đoàn cam kết các thành viên bóng đá Oman giữ sự chuyên nghiệp, minh bạch, liêm chính ở mức độ cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế.
Người hâm mộ Indonesia rất cuồng nhiệt, nhưng cũng không ít lần gây ra bạo loạn tại sân vận động. Sự việc gần nhất ở cấp ĐTQG là trận Indonesia thua Malaysia 2-3 vào năm 2019 ở sân Gelora Bung Karno, thuộc vòng loại hai World Cup 2022. CĐV Indonesia đã trèo xuống sân và chạy đến khu vực khán đài đội khách để tấn công. Các thành viên đội tuyển và CĐV Malaysia bị giữ lại sân trong hai tiếng để đảm bảo an toàn. Sau đó, các cầu thủ phải rời sân trong năm xe bọc thép, được cảnh sát tháp tùng.
Gần đây, vào tháng 9, giải vô địch Quốc gia Indonesia chứng kiến CĐV Persib Bandung tràn xuống sân đuổi đánh các nhân viên an ninh, trong trận thắng Persija Jakarta 2-0.
Sự việc tồi tệ nhất diễn ra vào ngày 1/10/2022 trong trận chủ nhà Arema gặp Persebaya Surabaya, ở sân Kajuruhan chật kín 42.000 khán giả. Sau khi đội nhà thất bại, CĐV Arema gây rối khiến cảnh sát bắn đạn hơi cay, dẫn đến thảm kịch giẫm đạp. Sự việc khiến 131 người chết, hàng trăm người bị thương.
Trung Thu