Chuyên mục  


anh-20-18-11-read-only-17318906534051251790918.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đại diện Chính phủ Brazil và địa phương tại lễ khánh thành biển kỷ niệm 112 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thành phố Rio de Janeiro - Ảnh: DUY LINH

Trong buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil vào ngày 16-11 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về câu chuyện thương hiệu cà phê Brazil và Việt Nam. Cạnh tranh giữa hai nước, theo ông, là có nhưng nhiều lĩnh vực và sản phẩm của hai nền kinh tế có tính bổ trợ cho nhau.

Quan hệ chính trị tốt đẹp

Brazil hiện đang được dẫn dắt bởi chính phủ của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva - một nhà lãnh đạo cánh tả có nhiều tình cảm dành cho đất nước và con người Việt Nam.

Với Hà Nội, ông Lula da Silva là vị nguyên thủ đầu tiên và duy nhất cho đến nay thăm Việt Nam vào năm 2008. Chuyến công tác dự Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra theo lời mời của ông.

Và vào năm ngoái, chỉ một thời gian ngắn sau khi trở lại nắm quyền, ông Lula da Silva đã mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm chính thức.

Tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo hai nước và nền tảng quan hệ song phương đã được gieo mầm từ năm 1912, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước đã ghé lại thành phố Rio de Janeiro của Brazil.

"Việc Tổng thống Brazil Lula da Silva mời Thủ tướng Phạm Minh Chính dự thượng đỉnh G20 đã cho thấy vai trò, vị thế của Việt Nam đối với khu vực Mỹ Latin nói chung và Brazil nói riêng, không chỉ trong quan hệ song phương giữa hai nước mà còn trong các tổ chức quốc tế, khu vực mà hai nước là thành viên" - TS Lộc Thị Thủy thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latin (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định với Tuổi Trẻ.

Từ những điều trên, có thể nói quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Brazil ngày càng gắn bó và tin cậy. Không dừng lại đó, trong cuộc gặp cán bộ và nhân viên Đại sứ quán Việt Nam vào ngày 16-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan hệ kinh tế thương mại ngày càng gia tăng, hợp tác quốc phòng được thúc đẩy.

Nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa hai nước, người đứng đầu Chính phủ hé lộ dự kiến trong chuyến công tác này, Việt Nam và Brazil sẽ nâng tầm quan hệ và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là thương mại, đầu tư, hợp tác lao động, giáo dục, đào tạo nhân lực.

Xuất khẩu qua cửa ngõ Brazil

Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị cho biết Brazil là thị trường rất tiềm năng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Hiện Brazil là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Mỹ, trong tương lai có thể đạt mục tiêu 10 tỉ USD vào năm 2025 như kế hoạch.

Cán bộ Thương vụ Việt Nam tại Brazil Phạm Hồng Trang cho biết trong thời gian qua đại sứ quán đã thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).

Kỳ vọng FTA sẽ tạo ra bước đột phá trong quan hệ thương mại, thúc đẩy trao đổi hàng hóa và đầu tư giữa Việt Nam với Brazil nói riêng và với các nước trong MERCOSUR nói chung. Hiện cá tra Việt Nam là lựa chọn số 1 trong các loài cá thịt trắng nhập khẩu được người dân Brazil đặc biệt ưa chuộng.

Bất chấp khoảng cách địa lý, nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp hai nước vẫn rất lớn, đặc biệt các doanh nghiệp Brazil rất quan tâm đến việc xuất khẩu các loại thịt sang Việt Nam như thịt bò và cà phê.

Là nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới song Brazil không phải là thị trường khó tính. Theo chuyên gia Lộc Thị Thủy, thị trường Brazil tương đối mở và thị hiếu người dân rất đa dạng, nhu cầu lớn, đặc biệt là hàng tiêu dùng và thủy sản vốn là những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu.

Nếu đàm phán thành công FTA với khối MERCOSUR mà Brazil là nền kinh tế lớn nhất, Việt Nam sẽ có chìa khóa tiến vào khối kinh tế có quy mô lớn thứ 5 thế giới.

"Brazil nói riêng và các nước Nam Mỹ nói chung rất giàu, giàu cả về tài nguyên và giàu tình cảm với đất nước, con người cũng như hàng hóa "made in Vietnam". Đây là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng mà phần lớn đều chưa đánh giá đúng và đầy đủ. Không nên bỏ lỡ mà cần phải tranh thủ khai thác càng sớm càng tốt thị trường này", TS Lộc Thị Thủy nhận định.

Dẫn chứng là một loạt đoàn cấp bộ trưởng Brazil sang Việt Nam sau chuyến thăm năm ngoái của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà Thủy khẳng định phía Brazil rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, xem đây là cửa ngõ để tiến vào khu vực Đông Nam Á và mong muốn quan hệ song phương đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa.

Cũng theo nhà nghiên cứu chuyên sâu về Mỹ Latin này, đã đến lúc quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Brazil tiến lên một tầm cao mới, từ đó tận dụng tối đa những lợi thế của nhau, bổ sung và hỗ trợ cho nhau trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ...

Sáng 17-11 (theo giờ địa phương), tại Rio de Janeiro, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn Embraer - nhà sản xuất máy bay lớn thứ 3 thế giới. Thủ tướng đề nghị Embraer nghiên cứu, hình thành trung tâm bảo dưỡng máy bay, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam để phục vụ mạng lưới đối tác, khách hàng của tập đoàn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Định hướng được đại diện Tập đoàn Embraer đưa ra là mở rộng tầm bao phủ trên hành trình bay từ Hà Nội vào TP.HCM. Cũng trong sáng 17-11, Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn công nghệ Alterosa và Tập đoàn JBS (công ty mẹ của Tập đoàn lương thực thực phẩm SEARA).

Sau cuộc tiếp các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã đến dự lễ gắn biển kỷ niệm 112 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Thủ tướng nhấn mạnh địa điểm đặt biển sẽ là địa chỉ đỏ cho các thế hệ hai nước đến tìm hiểu về cuộc đời của Người, góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt Nam và Brazil.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020