Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (phải) và Tổng thống Zelensky trong cuộc gặp ở cung điện Malacanang (Manila) vào ngày 3-6 - Ảnh: AFP
Tại Philippines hôm 3-6, ông Zelensky đã cảm ơn Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. của nước chủ nhà vì Manila xác nhận tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Nhà lãnh đạo Ukraine mô tả động thái của Philippines là "một tín hiệu mạnh mẽ" tiến tới việc tìm thấy giải pháp hòa bình cho Ukraine khi cuộc xung đột với Nga tiếp diễn.
Nỗ lực cứu hội nghị hòa bình
Cũng giống như khi xuất hiện bất ngờ tại Đối thoại Shangri-La (Singapore) trước đó một ngày, việc ông Zelensky thăm Philippines là sự kiện ít người biết trước. Giới quan sát nhìn nhận chuyến công du của tổng thống Ukraine lần này là một phần nỗ lực thu hút sự ủng hộ "càng nhiều càng tốt" cho hội nghị hòa bình Ukraine - dự kiến tổ chức từ ngày 15 đến 16-6 ở Thụy Sĩ tới đây.
Thực tế, Ukraine xem hội nghị hòa bình này là dịp xây dựng sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế dành cho kế hoạch 10 điểm của Tổng thống Zelensky trước đây. Vì vậy, Ukraine càng có lý do để không mời Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo Kiev, họ sẽ dùng sự kiện tại Thụy Sĩ để thống nhất các ý kiến từ nhiều nước, hình thành một quan điểm rõ ràng và được chấp nhận rộng rãi hơn về tiến trình đàm phán hòa bình cho Ukraine, sau đó sẽ trình bày điều này với Nga nếu thực sự tổ chức một cuộc đàm phán có sự tham gia của Matxcơva trong tương lai.
Mục tiêu này gặp trở ngại lớn khi vắng mặt Trung Quốc - một trong những quốc gia có tiếng nói và cũng được kỳ vọng là "kênh liên lạc" hữu ích với Nga. Bên cạnh đó, đang có tin lãnh đạo Saudi Arabia, Brazil, và Nam Phi sẽ không tham dự, còn Ấn Độ chỉ cử đại diện. DPA (Đức) dẫn nguồn tin ngoại giao nói ông Zelensky thực chất đã lên lịch tới Saudi Arabia để vận động nước này góp mặt.
Theo Hãng tin Reuters, Ukraine đã gửi lời mời tới 160 quốc gia và tổ chức quốc tế, nhưng phía Kiev thông báo chỉ 107 nước xác nhận tham gia tính tới nay.
Điều khiến Ukraine lo ngại không kém là thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bỏ qua sự kiện ở Thụy Sĩ, bay thẳng về California để dự một buổi gây quỹ sau khi kết thúc một cuộc họp của nhóm G7 tại Ý (từ ngày 13 đến 15-6).
Ván cược của ông Zelensky
Cho đến nay, Nhà Trắng chưa đưa ra thông báo chính thức về việc liệu ông Biden có bỏ qua hội nghị hòa bình Ukraine hay không. Ngoài lý do về lịch trình dày đặc, cũng chưa nguồn tin nào tiết lộ vì sao ông Biden có thể ngó lơ sự kiện trên.
Tuy vậy, cách đây vài ngày, tờ Financial Times đăng bài viết mô tả chiều hướng đáng lo trong quan hệ giữa Ukraine và chính quyền Tổng thống Biden.
Hiện nay Mỹ đang đề nghị Ukraine ký một thỏa thuận an ninh song phương, nhưng động tác này được cho nhằm xoa dịu sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Washington và Kiev, mà một số quan chức Ukraine trong bản tin của Financial Times khẳng định là "rơi xuống mức thấp nhất" kể từ lúc Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2-2022.
Mỹ và Ukraine đã xuất hiện hàng loạt bất đồng. Ông Zelensky đã bất mãn chuyện gói viện trợ của Mỹ kẹt ở quốc hội, lệnh cấm Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga, và cả việc Washington không hài lòng khi Kiev tấn công cơ sở lọc dầu và hai hệ thống radar cảnh báo hạt nhân của Nga.
Sự bất mãn của ông Zelensky thực chất khiến Tổng thống Ukraine từng bị nhiều nước chỉ trích. Theo chiều ngược lại, Mỹ cũng không tán thành một số cuộc cải tổ nội các của ông Zelensky, ví dụ chuyện thay thế tổng tư lệnh Valery Zaluzhny hoặc bộ trưởng hạ tầng Oleksandr Kubrako - những người đã phối hợp tốt với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Quan trọng hơn, lãnh đạo Ukraine và Mỹ hiện được hiểu đang có quan điểm khác biệt về cách thức chấm dứt cuộc xung đột Ukraine - Nga. Theo Financial Times, Ukraine không muốn bị ép phải thương lượng với Nga, không hài lòng với việc Mỹ đang có ý định đàm phán với Nga, và ông Zelensky "nghĩ rằng họ (Mỹ) muốn chiến tranh phải chấm dứt trước cuộc bầu cử Mỹ".
Trước đây, báo chí Nga (như RT) dẫn nguồn tình báo nước này tố Mỹ muốn "thay ông Zelensky". Dù các thông tin này không thể kiểm chứng, dễ bị xem mang hơi hướng tuyên truyền bất lợi về đối thủ, chuyện ông Zelensky hục hặc với lãnh đạo Mỹ rõ ràng cũng không phải tín hiệu tốt cho Kiev.
Ở Singapore, ông Zelensky nhắc tới việc Ukraine không còn nhiều thời gian. Và có vẻ việc thu hút sự ủng hộ lớn của cộng đồng quốc tế trước hội nghị ở Thụy Sĩ lúc này sẽ đóng vai trò quan trọng để góp phần thuyết phục Mỹ và các đồng minh.
Thượng đỉnh hòa bình Ukraine
Theo người phát ngôn văn phòng tổng thống Ukraine Serhiy Nikiforov, hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ tới đây được xây dựng dựa trên công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine. Trong đó, các bên sẽ tập trung vào 3 chủ đề gồm: an ninh lương thực, an toàn hạt nhân, và việc giải thoát toàn bộ tù nhân cũng như người bị trục xuất.
Công thức hòa bình 10 điểm của ông Zelensky lần đầu được giới thiệu ở cuộc họp G20 tháng 11-2022, trong đó có một số điều kiện như khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, lính Nga rút hoàn toàn, và thiết lập một tòa án đặc biệt để khởi tố Nga về tội ác chiến tranh.