Hàn Quốc lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật trên truyền hình vào đêm 3/12. Động thái của ông Yoon gây sốc ngay cả với các đồng minh trong đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền, bị quốc hội nước này chỉ trích gay gắt và châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên đường phố Seoul ngay trong đêm.
"Thông qua lệnh thiết quân luật, tôi sẽ xây dựng lại và bảo vệ đất nước Hàn Quốc tự do đang rơi vào vực thẳm hủy diệt. Tôi sẽ loại bỏ các thế lực chống nhà nước càng nhanh càng tốt và bình thường hóa đất nước", ông nói, đồng thời kêu gọi người dân chịu đựng "một số bất tiện".
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trong một cuộc họp báo ở Seoul hồi tháng 5/2022. Ảnh: Reuters
Nhưng đến sáng 4/12, Tổng thống Yoon thông báo chấp nhận gỡ thiết quân luật sau khi quốc hội họp khẩn lúc rạng sáng và thông qua nghị quyết yêu cầu ông làm điều này. Lần gần đây nhất lệnh thiết quân luật được ban bố ở Hàn Quốc là vào năm 1979, khi tổng thống Park Chung-hee bị ám sát trong một cuộc đảo chính.
Tổng thống Yoon chỉ giải thích khá chung chung về quyết định thiết quân luật của mình, thậm chí còn nêu ra cả "mối đe dọa từ Triều Tiên" mà không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào.
Theo giới quan sát, những lý do lớn mà ông Yoon đưa ra như "dẹp bỏ các thế lực chống phá nhà nước, thân Triều Tiên, cũng như bảo vệ trật tự hiến pháp tự do" dường như chỉ nhằm che đi một thực tế rằng Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật nhằm giải tỏa sức ép chính trị ngày càng lớn nhắm vào mình.
Tổng thống Yoon đang bị loạt rắc rối chính trị đang bủa vây, từ việc tỷ lệ ủng hộ của công chúng sụt giảm mạnh, bế tắc trong nỗ lực ban hành chính sách cho đến cuộc điều tra đạo đức đang diễn ra đối với vợ ông với cáo buộc nhận hối lộ là chiếc túi xách hàng hiệu.
"Quyết định này có lẽ phần lớn xuất phát từ động lực của ông Yoon muốn vượt qua những khó khăn chính trị trong nước đang ngày càng tăng và đối đầu với những gì ông coi là nỗ lực của đảng đối lập nhằm lật đổ mình", James Park, chuyên gia tại Chương trình Đông Á thuộc Viện Quincy, trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Người dân Hàn Quốc đang rất bất bình với cách điều hành của Tổng thống Yoon. Suốt nhiều tháng, tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm xuống mức 20%, gần đây còn chạm mức thấp kỷ lục 17%.
Trong một cuộc khảo sát vào tháng 11, 58% người dân Hàn Quốc nói họ muốn Tổng thống Yoon từ chức hoặc bị luận tội. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều chính trị gia đối lập bắt đầu kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon tại quốc hội, cơ quan do đảng Dân chủ (DP) đối lập kiểm soát.
Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc Lee Jae-myung trèo tường vào nhà quốc hội ngày 3/12. Video: Youtube/이재명tv
"Theo quan điểm của Tổng thống Yoon, tình hình chính trị bất ổn đang diễn ra là hệ quả từ một chiến dịch do đảng đối lập phát động nhằm phá hoại chính quyền", chuyên gia Park từ Viện Quincy đánh giá. "Lo ngại quyền lực ngày càng bị đe dọa và cần có hành động mang tính bước ngoặt, ông ấy đã tìm đến giải pháp thiết quân luật, theo đó sẽ đình chỉ quốc hội và ngăn cấm các cuộc tụ tập chính trị có thể gây ra 'rối loạn xã hội'".
Trong bài phát biểu tuyên bố thiết quân luật, Tổng thống Yoon đã chỉ trích các hành động của quốc hội do đảng Dân chủ trung tả đối lập chi phối khiến ông bị suy yếu khả năng điều hành đất nước.
Kể từ cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức vào đầu năm nay giúp phe đối lập chiếm thế đa số, quyền lực của Tổng thống Yoon thực tế đã bị khóa chặt. Ông không thể thông qua các luật mình muốn, mà thay vào đó chỉ còn cách phủ quyết những dự luật do phe đối lập thông qua. Đây dường như là điều ông ám chỉ khi cho rằng phe đối lập đã "làm tê liệt đất nước".
"Tổng thống Yoon chắc chắn không được tín nhiệm và cảm thấy thất vọng vì bị trói tay trong các quyết định chính trị", Celeste Arrington, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc George Washington, nhận xét.
"Ông ấy đã phải sử dụng quyền phủ quyết của tổng thống với tần suất nhiều chưa từng thấy" để cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự mà ông theo đuổi, Arrington cho biết. "Trong khi đó, đảng đối lập tăng sức ép bằng cách nỗ lực luận tội hàng chục quan chức cấp cao trong chính phủ và đã tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào đệ nhất phu nhân. Trận chiến chính trị đã diễn ra và đang ngày càng leo thang".
Những tuần gần đây, đảng PPP bảo thủ của Tổng thống Yoon tiếp tục mắc kẹt trong thế bế tắc với DP về dự luật ngân sách năm tới. Đồng thời, phe đối lập cũng có động thái luận tội ba công tố viên hàng đầu, mà theo Tổng thống là hành vi trả đũa cuộc điều tra hình sự nhằm vào Lee Jae-myung, người đã thua ông sít sao trong cuộc bầu cử năm 2022 nhưng được cho là ứng viên sáng giá nhất có thể giành chiến thắng ở cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2027.
Tổng thống Yoon gần đây đánh mất sự ủng hộ trong dư luận khi thể hiện lập trường cứng rắn với các công đoàn, cũng như phong trào đình công của bác sĩ nội trú nhằm phản đối kế hoạch cải cách chăm sóc sức khỏe lớn do ông đưa ra, theo đó sẽ bổ sung 2.000 sinh viên y khoa mỗi năm để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt bác sĩ trầm trọng của đất nước.
Quân đội cố gắng tiến vào hội trường chính của quốc hội ở Seoul ngày 3/12 sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật. Ảnh: AFP
Chính phủ cho rằng việc tăng sinh viên trường y là cần thiết bởi Hàn Quốc có tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp nhất trong các nước phát triển. Kế hoạch của Tổng thống Yoon được kỳ vọng sẽ cải thiện dịch vụ y tế tại vùng sâu vùng xa và đáp ứng nhu cầu của đất nước đang già hóa dân số nhanh chóng.
Nhưng trái với quan điểm của chính phủ, các bác sĩ nội trú nói đất nước không cần thêm bác sĩ vì đã có đủ, việc thay đổi chính sách sẽ làm giảm chất lượng y tế quốc gia, với lập luận rằng dân số đang giảm và người Hàn Quốc vốn dễ tiếp cận dịch vụ y tế.
Sắc lệnh thiết quân luật ban hành hôm 3/12 yêu cầu các bác sĩ đang đình công phải quay trở lại làm việc trong vòng 48 giờ, nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt theo luật quân sự.
Cách Tổng thống Yoon xử lý các vụ bê bối cũng như cuộc đình công của bác sĩ đã dẫn đến rạn nứt với Chủ tịch đảng PPP Han Dong-hoon, người bạn tâm giao trước đây của ông.
Ông Han và đảng PPP nằm trong số những người mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi Tổng thống Yoon hủy bỏ lệnh thiết quân luật.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Lee Jae-myung (giữa) phát biểu với giới truyền thông tại quốc hội ở Seoul sáng 4/12. Ảnh: AFP
Trước những cuộc khủng hoảng bủa vây, ông chủ Nhà Xanh đã tìm đến giải pháp mà các nhà phân tích gọi là "lựa chọn hạt nhân", bất chấp những hệ lụy mà lệnh thiết quân luật có thể gây ra với đời sống chính trị, xã hội cũng như nền kinh tế Hàn Quốc.
Ngay sau khi Tổng thống ban bố thiết quân luật, đồng won của Hàn Quốc mất giá 2,5% so với đôla Mỹ, xuống thấp nhất kể từ năm 2016. Các chỉ số chính tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng đi xuống ngay khi mở cửa phiên 4/12, dù thiết quân luật đã bị bãi bỏ.
Sung-min Cho, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sungkyunkwan ở Seoul, nhận định việc các nghị sĩ quốc hội Hàn Quốc nhanh chóng nhóm họp để ra nghị quyết phản đối lệnh thiết quân luật, buộc Tổng thống phải gỡ bỏ sau 6 giờ ban bố, đã cho thấy khả năng đứng vững của nền dân chủ nước này.
Trong một bài đăng trên X, giáo sư Cho nhận định việc quốc hội bỏ phiếu hủy bỏ lệnh thiết quân luật cho thấy hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực của Hàn Quốc đang phát huy hiệu quả, bất chấp quyết định gây sốc từ Tổng thống Yoon.
"Chính hệ thống dân chủ đã kìm hãm quyết định sai lầm của ông ấy", Cho nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP, Vox, India Express)