Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: AFP
Nhưng yêu cầu của Mỹ không phải là yếu tố duy nhất khiến Israel có thể trì hoãn tấn công vào Dải Gaza.
Tổn thất quân sự
Một quan chức cấp cao của Israel nói với kênh NBC rằng Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa thống nhất được kế hoạch rút lui và cách thức mà lực lượng mặt đất Israel sẽ rời khỏi Dải Gaza. Cho đến nay, các cuộc họp vẫn chủ yếu tập trung vào các hoạt động quân sự hằng ngày.
Ông Robert Satloff, chuyên gia chính trị Ả Rập và Hồi giáo của Viện Washington, nói rằng các lãnh đạo chính trị, quân sự, an ninh của Israel đều biết họ "sẽ phải chịu một số trách nhiệm về sự kiện ngày 7-10" (khi Hamas tiến hành tấn công Israel). Các quyết định tiếp theo "là cơ hội cuối cùng để họ viết nên chương cuối" trong sự nghiệp chính trị của mình.
Ngoài ra, các quan chức và lãnh đạo Israel sẽ bị xem xét kỹ lưỡng khi nước này tiến hành điều tra những thất bại chính sách và tình báo đã dẫn đến cuộc tấn công hôm 7-10 của lực lượng Hamas.
Một yếu tố khác mà ông Netanyahu phải tính đến là thiệt hại cho chính lực lượng Israel khi đem quân tới Gaza. Nước này đã triệu tập 360.000 quân dự bị của Lực lượng phòng vệ Israel và đã dàn hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép dọc theo biên giới Gaza.
Một quan chức an ninh cấp cao của Israel nói rằng họ "có nguy cơ rơi vào một cái bẫy rất nguy hiểm".
Cuộc chiến trên hai mặt trận
Israel đang nằm trong thế gọng kìm khi vừa phải tập trung lực lượng đối phó với Hamas ở phía nam, đồng thời phải thận trọng trước các cuộc tấn công từ Lebanon ở phía bắc, do lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn tiến hành.
Vị quan chức của Israel bình luận tiếp: "Không ai hứng thú với hai mặt trận vào thời điểm này".
Phương tiện chiến đấu của Israel được triển khai tại biên giới phía bắc với Lebanon - nơi lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn hoạt động - Ảnh: REUTERS
Tại Trung Đông còn rất nhiều lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Syria, Iraq và Yemen. Hôm 24-10, Mỹ thông báo có tới 20 quân nhân của nước này bị thương trong các cuộc tấn công nhằm vào căn cứ của Mỹ ở Iraq và Syria.
Áp lực giải cứu con tin và nhân đạo
Hamas đang bắt giữ hơn 200 con tin là công dân Israel và nhiều quốc gia trên thế giới bên trong đường hầm dưới lòng đất ở Gaza, trong đó họ đã trả tự do cho 4 con tin.
Các quan chức Mỹ công khai ủng hộ Israel tiêu diệt Hamas, nhưng cũng gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo Israel phải tiến hành trả đũa thận trọng, giảm thiểu thương vong cho dân thường và nỗ lực giải thoát con tin.
Ông Jonathan Lord, giám đốc chương trình An ninh Trung Đông, nhận định việc Hamas trả tự do "nhỏ giọt" cho các con tin có thể trì hoãn vĩnh viễn cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Nhưng nếu phương án để Israel tiến vào Gaza, tiêu diệt Hamas, ép lực lượng này thả nhiều con tin hơn là khả quan "thì Mỹ sẽ thử".
Áp lực của quốc tế cũng giúp các xe tải viện trợ nhân đạo đến Gaza trong những ngày qua. "Xe tải (chở hàng viện trợ) đang tới. Rõ ràng là không đủ cần thiết nhưng cũng không phải không có gì", ông Lord nói.
Điều gì sẽ xảy ra ở Gaza nếu Hamas bị tiêu diệt?
Theo Đài NBC, các quan chức Mỹ đã thúc ép Israel suy nghĩ về những điều xảy ra ở Gaza nếu nước này thành công tiêu diệt được lực lượng Hamas. Một số người Israel hy vọng sẽ có một chính quyền đa phương ở Gaza với nguồn tái thiết từ các quốc gia Ả Rập, một số khác thì mong chính quyền Palestine có thể quản lý khu vực này.
Nhưng sự thực là không ai biết thực thể nào sẽ có tính hợp pháp trong mắt người dân ở Gaza nếu Hamas bị tiêu diệt, đồng thời cũng không rõ những thực thể này sẽ cảm thấy thoái mái với vai trò nào tại Dải Gaza. Chính phủ của ông Netanyahu đến nay vẫn chưa đưa ra các kế hoạch dài hạn cho vùng đất này.