Bên trong máy bay, một nhà khoa học đang theo dõi đường bay trên iPad, trong khi hai thành viên phi hành đoàn phun nước lạnh hoặc đá khô từ hai thùng chứa màu xanh từ độ cao 1.500 mét xuống lớp khói mù ô nhiễm bên dưới.
Đây là nỗ lực tuyệt vọng mà chưa rõ có hiệu quả hay không của giới chức Bangkok nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô Thái Lan.
Bangkok hôm 23/1 trở thành thành phố ô nhiễm không khí nghiêm trọng thứ 7 thế giới, với chỉ số ô nhiễm cao gấp 8 lần mức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, khiến giới chức phải đóng cửa 352 trường học trên khắp 31 quận.
Bộ Y tế Thái Lan hồi đầu tháng cho biết tình trạng ô nhiễm không khí đã khiến hơn một triệu người nước này gặp các vấn đề về sức khỏe kể từ cuối năm 2023, gây thiệt hại 88 triệu USD chi phi y tế.
Ô nhiễm không khí ở Bangkok, thủ đô Thái Lan, ngày 20/1. Ảnh: AFP
Theo Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt, nguyên nhân gây ô nhiễm là khí thải xe cộ, khói đốt rơm rạ, kèm tình hình thời tiết ít mưa, sương mù, khiến khói bụi không được rửa trôi hay cuốn đi nơi khác.
Để đối phó, Cục Hàng không Nông nghiệp và Tạo mưa Hoàng gia Thái Lan triển khai chiến dịch điều máy bay phun nước lạnh, đá khô hai lần mỗi ngày nhằm làm lạnh lớp khói mù.
Giới chức Thái Lan cho biết phương pháp này dựa theo nguyên lý làm giảm chênh nhiệt độ giữa các tầng khí quyển, khiến bụi mịn PM2.5 dễ phân tán vào các tầng khí quyển cao hơn.
"Đây không phải phương pháp gieo mây thông thường, mà chỉ được áp dụng ở Thái Lan", Chanti Detyothin, lãnh đạo chiến dịch, nói.
Máy bay phun nước lạnh nhằm giảm thiểu ô nhiễm ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP
Một số quốc gia đã thử nghiệm "gieo mưa" bằng cách phun các hóa chất như bạc iodide vào mây để tạo mưa hoặc tuyết, nhằm giảm thiểu hạn hán và ô nhiễm không khí, nhưng tính hiệu quả vẫn là dấu hỏi.
Giới khoa học cho biết những cách thức này có tác động không đáng kể đến việc tạo mưa hay làm loãng khói bụi. Chiến dịch phun nước lạnh lên trời lần đầu được Thái Lan triển khai vào năm 2024, và vẫn trong giai đoạn thử nghiệm.
Ông Chanti cho biết nhóm dựa vào khác biệt trong chỉ số không khí trước và sau khi phun để ước tính mức độ hiệu quả.
"Kết quả cho thấy bụi đã tan, nồng độ bụi mịn thấp ở khu vực chúng tôi hoạt động", ông nói, song thừa nhận không thể loại bỏ ô nhiễm hoàn toàn. "Có nhiều hạn chế đối với công nghệ mới này. Chúng tôi đang cố gắng mỗi ngày để trả lại bầu không khí trong lành cho Bangkok".
Các nhân viên cơ quan tạo mưa hoàng gia chuẩn bị đá và nước trong thùng chứa máy bay. Ảnh: AFP
Trước khi cất cánh, các nhân viên của cơ quan tạo mưa hoàng gia sẽ chất khoảng 1.000 lít đá khô, hoặc đá lạnh và nước vào các thùng chứa trên máy bay.
Lượng đá khô này được cung cấp bởi tập đoàn dầu khí PTT của Thái Lan và các công ty năng lượng hóa thạch khác. Tác động của đá khô đối với môi trường và sức khỏe cũng chưa được tìm hiểu đầy đủ. PTT không trả lời yêu cầu bình luận của truyền thông.
Weenarin Lulitanonda, đồng sáng lập Mạng lưới Không khí Sạch Thái Lan, cáo buộc các công ty năng lượng đang "cố đánh bóng hình ảnh thay vì giải quyết vấn đề".
Chi phí cho một chuyến bay phun nước lạnh có thể tốn 1.500 USD. Ekbordin Winijkul, chuyên gia Viện Công nghệ châu Á, cho biết Bangkok có thể giảm chi phí chống ô nhiễm bằng các biện pháp đã được chứng minh như thiết lập các khu vực giao thông phát thải thấp.
"Trước khi tìm cách làm gì đó, ít nhất chúng ta cũng phải tin tưởng vào dữ liệu đã", ông nói.
Đức Trung (Theo AFP, Bangkok Post, Thaiger)