Chuyên mục  


nhat-ban-hinh-ngat-ket-noi-read-only-1735054148521329648322.jpeg

Nhiều lao động tại Nhật cảm thấy căng thẳng khi bị cấp trên liên lạc về công việc ngoài giờ làm - Ảnh: NIPPON

Hiện nay "quyền ngắt kết nối" sau giờ làm việc đang nhận được sự quan tâm tại Nhật sau khi các nước châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Ý… đã áp dụng quyền này. "Quyền ngắt kết nối" là một đề xuất về quyền con người nhằm đảm bảo người lao động có thể tách biệt hoàn toàn khỏi công việc.

Thực trạng

Tại Nhật Bản có từ "karshi" (quá lao tử) dùng để chỉ cái chết do làm việc quá sức, thường do đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc tự tử liên quan đến áp lực công việc. Một trường hợp karshi gây chú ý năm 2022 là vụ bác sĩ 26 tuổi tự tử sau khi làm thêm 207 giờ một tháng. Cùng với đó nhiều người lao động tại Nhật bị "tước đoạt" thời gian riêng tư do email và cuộc gọi liên quan công việc.

Báo Mainichi (Nhật Bản) đặt câu hỏi: "Quyền ngắt kết nối - cho phép nhân viên từ chối cuộc gọi và email ngoài giờ làm việc - đang được thiết lập tại nhiều quốc gia châu Âu. Liệu quyền này có thể trở nên phổ biến ở Nhật không?".

Một nhân viên 32 tuổi tại Tokyo, làm việc cho công ty logistics quốc tế, chia sẻ: "Tôi thường nhận email hoặc cuộc gọi vào đêm khuya do phải làm việc với khách hàng nước ngoài". Anh cho biết ngay cả sau giờ làm, các tin nhắn công việc vẫn đến rải rác, làm ảnh hưởng đến thời gian riêng tư của anh.

Nhiều lao động cũng bày tỏ lo ngại tương tự. Theo khảo sát do Liên hiệp Công đoàn Nhật Bản (Rengo) thực hiện tháng 12-2023 với 1.000 công nhân từ 18 - 59 tuổi, 72,4% cho biết từng phải xử lý công việc ngoài giờ. Trong số này, 62,2% cảm thấy căng thẳng vì các liên lạc ngoài giờ làm việc. Đáng chú ý 72,6% số người "hoàn toàn đồng ý" hoặc "khá đồng ý" rằng họ muốn được từ chối liên lạc ngoài giờ.

Tháng 11 năm nay, Đài NHK (Nhật Bản) nhắc lại một bi kịch xảy ra năm 2020: Một thanh niên 27 tuổi ở tỉnh Osaka đã tự tử, để lại vợ và con trai nhỏ. Trong tháng cuối cùng trước khi qua đời, anh đã làm thêm 135 giờ. Vợ anh cho biết ngay cả những ngày nghỉ anh cũng thường xuyên phải liên lạc với văn phòng.

Luật hóa "quyền ngắt kết nối" không đơn giản

Dù công nghệ giúp việc liên lạc qua email và tin nhắn trở nên thuận tiện hơn, nhận thức về bảo vệ thời gian riêng tư của người lao động ở Nhật vẫn chưa được chú trọng, khác biệt rõ rệt so với các nước châu Âu.

Tại Pháp, nơi thời gian riêng tư được đánh giá cao, giáo sư Jean-Emmanuel Ray của Đại học Paris 1 Pantheon-Sorbonne từ năm 2002 đã đề xuất khái niệm sau này trở thành nền tảng cho "quyền ngắt kết nối".

Luật ở Pháp ban hành năm 2017 công nhận "quyền ngắt kết nối", yêu cầu các bên thảo luận và lập thỏa thuận thực hiện quyền này. Thỏa thuận thường bao gồm: không liên lạc ngoài giờ, cấm truy cập email ngoài giờ, trả lời tự động email ngoài giờ và xác định thời gian nhân viên không bắt buộc phải phản hồi.

"Quyền ngắt kết nối" cũng được luật bảo vệ ở nhiều quốc gia châu Âu. Tại Tây Ban Nha, quyền này áp dụng cho người làm việc từ xa, yêu cầu thỏa thuận lao động thiết lập quy định nội bộ.

Ở Ý, người lao động có quyền ngắt kết nối theo thỏa thuận với ban quản lý. Tại Bỉ, nhân viên tại các công ty từ 50 người trở lên được quyền thương lượng về vấn đề này.

Trong bối cảnh "quyền ngắt kết nối" gây chú ý tại Nhật, Redfox, một công ty phát triển ứng dụng tại Tokyo, đã tích hợp tính năng cấm liên hệ công việc sau giờ làm vào ứng dụng quản lý bán hàng "cyzen". Hiện có khoảng 20 công ty bày tỏ quan tâm đến tính năng này.

Tuy nhiên quyền này vẫn còn xa mới được luật hóa tại Nhật. Trong bản dự thảo báo cáo ngày 10-12, nhóm chuyên gia Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi chỉ khuyến nghị người lao động và ban quản lý xây dựng quy định nội bộ toàn diện, bao gồm phương pháp làm việc và thúc đẩy đối thoại. Một quan chức bộ này thừa nhận "việc ban hành luật ngay lập tức là rất khó khăn".

Giáo sư Yuichiro Mizumachi tại Đại học Waseda, chuyên gia về luật lao động của Pháp, giải thích: "Đó là vì nhận thức về giờ giấc làm việc khác nhau giữa Nhật Bản và châu Âu". Ông chỉ ra "việc phân biệt giữa giờ làm việc và cuộc sống riêng tư đang không rõ ràng ở Nhật và quá trình số hóa đang chậm lại".

GS Ryo Hosokawa, Đại học Aoyama Gakuin, đề xuất: "Có thể hiệu quả hơn nếu đưa ra một điều khoản pháp lý, chẳng hạn như nghĩa vụ nỗ lực đảm bảo quyền này và để Bộ Lao động ban hành hướng dẫn và nghiên cứu tình huống theo ngành nghề, từ đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng dần theo hướng dẫn".

Sửa luật

Bộ Lao động Nhật Bản sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận toàn diện về việc sửa đổi Đạo luật Tiêu chuẩn lao động tại Hội đồng Chính sách lao động vào năm tới, dựa trên báo cáo của nhóm chuyên gia nghiên cứu. "Quyền ngắt kết nối" dự kiến nằm trong chương trình nghị sự.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020