Ông Tần Cương được quốc hội Trung Quốc bầu làm ngoại trưởng vào cuối tháng 12/2022, khi mới 57 tuổi, trở thành lãnh đạo Bộ Ngoại giao trẻ nhất trong lịch sử nước này. Ông Tần khi đó được đánh giá là "ngôi sao đang lên" của Bộ Ngoại giao, có thể giúp giải quyết loạt nhiệm vụ đối ngoại cấp bách, từ quan hệ Mỹ - Trung đến hợp tác giữa Bắc Kinh và Moskva.
Tần Cương gia nhập Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1988. Sau nhiều năm công tác, ông trải qua nhiều chức vụ và được bổ nhiệm làm người phát ngôn hai nhiệm kỳ từ năm 2006 đến 2014. Đây là thời kỳ ông Tần bắt đầu thể hiện dấu ấn ở Bộ Ngoại giao.
Trong các cuộc họp báo, cách trả lời quyết liệt của ông trước những câu hỏi từ phóng viên nước ngoài đã gây ấn tượng mạnh, được coi là nét đặc trưng cho chính sách ngoại giao "chiến lang" của nước này.
Ông Tần Cương tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/5. Ảnh: AFP
Chính sách "chiến lang" đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao "chiến lang" thường có phong cách quyết liệt trong các phát biểu, bài đăng mạng xã hội, trả lời báo chí, truyền hình và cả trên bàn đàm phán, nhằm thúc đẩy lợi ích và hình ảnh của Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo năm 2008, khi được đề nghị nêu quan điểm với một album đề cập đến "nền dân chủ Trung Quốc" của nhóm nhạc rock Mỹ Guns N' Rose, ông Tần đáp lại rằng "theo tôi được biết, không nhiều người thích thể loại nhạc này vì nó quá ồn ào. Ngoài ra, bạn là người đã trưởng thành rồi, đúng không?".
Năm 2009, ông ám chỉ một số kênh truyền thông Nhật Bản đăng những câu chuyện "như loạt truyện về điệp viên 007" khi đưa tin ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh và gặp chủ tịch Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào. "Tôi hoàn toàn không biết họ sẽ viết gì cho tập tiếp theo", ông Tần nói.
Ông Tần từng nhắc nhở một phóng viên rằng "đây là hội trường họp báo của Bộ Ngoại giao, không phải diễn đàn thảo luận về quan hệ đồng giới". Người này hỏi lý do Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất máy tính nước ngoài phải cài đặt phần mềm lọc website chứa nội dung liên quan quan hệ đồng giới, dù vấn đề này không bị cấm ở Trung Quốc.
Ông Tần cũng đáp trả thẳng thừng khi phóng viên BBC hỏi về vấn đề tương tự tại một cuộc họp báo khác.
"Bạn có thể trả lời câu hỏi của tôi trước không? Bạn có biết đó là phần mềm gì không?", ông nói. "Phần mềm đó là Green Dam Youth Escort nhằm chặn và lọc các nội dung khiêu dâm, bạo lực trên Internet. Thêm một câu hỏi nữa, bạn có con chưa? Nếu đã có hoặc mong muốn sinh con, bạn sẽ hiểu lo ngại của phụ huynh đối với các nội dung độc hại".
Tháng 11 cùng năm, khi xuất hiện thông tin tổng thống Mỹ Barack Obama dự định gặp lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Dalai Lama, người mà Bắc Kinh coi là có tư tưởng ly khai, ông Tần đã so sánh việc Trung Quốc hợp nhất Tây Tạng giống như ông Abraham Lincoln giải phóng nô lệ ở Mỹ. Ông Tần cho rằng ông Obama, với tư cách là một tổng thống da màu, "tất nhiên sẽ hiểu" phép so sánh này.
Mỹ cũng như phần lớn các nước khác thừa nhận "Tây Tạng là một phần của Trung Quốc". Tuy nhiên, Washington nhiều lần bày tỏ quan ngại về "tình hình nhân quyền" ở các khu vực như Tây Tạng, Tân Cương.
Tháng 7/2010, ông Tần kêu gọi các phóng viên đưa tin về Tây Tạng và Tân Cương "dựa trên sự thật, thay vì ảo tưởng".
Ông Tần Cương khi còn là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ ngày 31/8/2021. Ảnh: Xinhua
Năm 2013, ông Tần lưu ý chính sách ngoại giao của Trung Quốc không thể chỉ được đánh giá bằng hai từ "nhu" và "cương". "Yếu tố cơ bản trong công việc của chúng tôi là làm thế nào để bảo vệ lợi ích quốc gia tốt hơn, cũng như một thế giới hòa bình và phát triển", ông nói. "Ngoại giao là công việc phức tạp và mang tính hệ thống. Nó có thể nhu hoặc cương, biến đổi tùy tình hình".
Tháng 3/2014, ông bác bỏ các quan ngại từ cộng đồng quốc tế khi Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, với một số nước cho rằng Bắc Kinh thiếu minh bạch về chi tiêu quân sự. "Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không mãi là những cậu bé hướng đạo sinh", ông nói.
Tạp chí Diplomat từng mô tả ông Tần là "một trong những người nổi tiếng đầu tiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc" vì những phát biểu ấn tượng và quyết liệt.
Từ năm 2014 đến 2018, ông trở thành vụ trưởng Vụ Lễ tân, thường xuyên tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong các chuyến công du thế giới cũng như trong các cuộc gặp lãnh đạo nước ngoài, được đánh giá là phụ tá đáng tin cậy.
Khi ông Tập thăm Mỹ hồi năm 2015, Tần Cương cho thấy ông là một người "sẵn sàng cứng rắn mà không do dự khi cảm thấy cần thiết", Ryan Hass, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings, cựu giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận xét.
Năm 2018, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng ngoại giao trước khi đảm nhận vai trò đại sứ tại Mỹ vào tháng 7/2021, dù chưa có kinh nghiệm làm việc với Washington và cũng chưa từng được cử đến Mỹ làm nhiệm vụ trước đó.
Truyền thông phương Tây khi đó nhận định với động thái cử một nhà ngoại giao "chiến lang" làm đại sứ, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng cho giai đoạn quyết liệt và căng thẳng với Mỹ. Tuy nhiên, khi đến Washington, ông Tần duy trì giọng điệu hòa giải, nói với các phóng viên rằng "cánh cửa quan hệ Mỹ - Trung vốn luôn mở, không hề đóng lại".
Tuy nhiên, ông Tần cũng thể hiện thái độ cứng rắn trong các vấn đề Mỹ và Trung Quốc có bất đồng như Đài Loan.
Ông mô tả chuyến thăm hòn đảo của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8/2022 là "sự khiêu khích chính trị", cáo buộc Mỹ "thay đổi hiện trạng" eo biển Đài Loan và vi phạm tuyên bố chung khi Washington bán vũ khí cho Đài Bắc.
Ông cũng chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden khiến quan hệ song phương căng thẳng, với những cái mà Washington gọi là "vấn đề nhân quyền ở Hong Kong và Tân Cương".
Ông Tần cho rằng hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế xấu đi là do truyền thông phương Tây "không bao giờ chấp nhận hệ thống chính trị hay sự trỗi dậy về mặt kinh tế của nước này".
Trong cuộc phỏng vấn với Phó Hiểu Điền, người dẫn chương trình của Phoenix TV hồi tháng 3/2022, đại sứ Tần Cương cho rằng "một số người ở Mỹ không thực hiện theo nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đạt được", khiến quan hệ song phương căng thẳng.
"Quan hệ Mỹ - Trung có trở lại con đường phát triển ổn định và lành mạnh hay không còn tùy thuộc vào phía Mỹ có giữ các cam kết của họ không", ông nói.
Ông Tần Cương trả lời phỏng vấn về quan hệ Mỹ - Trung hồi tháng 3/2022. Video: Phoenix TV
Trong cuộc họp báo đầu tiên ở vị trí ngoại trưởng, bên lề kỳ họp quốc hội hôm 7/3, ông Tần mô tả Trung Quốc và quan hệ song phương với Nga là ngọn hải đăng sức mạnh và ổn định, gọi Mỹ cùng đồng minh là nguồn cơn căng thẳng và xung đột.
Ông nói Mỹ tự nhận muốn cạnh tranh nhưng không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, "nhưng trên thực tế, cái gọi là cạnh tranh của Mỹ là kiềm tỏa và trấn áp, một trò chơi có tổng bằng không, nơi tôi thắng, bạn thua".
Ông Tần cũng nhấn mạnh các nhà ngoại giao Trung Quốc không phải "chiến lang" mà chỉ đang "khiêu vũ với bầy sói", hàm ý rằng Bắc Kinh phải phòng vệ trước sự công kích từ phương Tây.
"Nếu phải đối đầu với bầy sói và chó hoang lao đến, Trung Quốc không còn lựa chọn nào ngoài đối đầu một cách trực diện", ông tuyên bố.
Ông sau đó có những nỗ lực nhằm làm tan băng quan hệ Mỹ - Trung, khi gặp trong hơn 5 giờ và dùng bữa tối với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh hồi tháng 6.
Ông Tần Cương tại Cairo, Ai Cập, hôm 15/1. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, ông không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 25/6, bỏ lỡ một loạt sự kiện đối ngoại quan trọng vốn có thể giúp ông thể hiện năng lực của mình, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 tại Jakarta, Indonesia.
Ngày 25/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc họp bất thường, quyết định miễn nhiệm ngoại trưởng Tần Cương nhưng không nêu lý do. Ông trở thành ngoại trưởng tại nhiệm ngắn nhất lịch sử Trung Quốc, với 207 ngày giữ chức vụ.
Trong họp báo hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh liên tiếp từ chối trả lời các câu hỏi về lý do ngoại trưởng Tần Cương bị miễn nhiệm, nhưng khẳng định hoạt động ngoại giao của nước này vẫn "diễn ra bình thường".
Như Tâm (Theo Guardian, Newsweek, FMPRC)