Núi Ibu phun vào ngày 11-1 vừa qua - Ảnh: AFP
Riêng trong ngày 19-1, núi lửa này phun trào 17 lần. Trong đó lần phun trào vào 1h15 sáng (giờ địa phương), núi lửa đã phun đám mây tro bụi cao 1.500m.
Núi lửa Ibu nằm trên đảo Halmahera xa xôi ở tỉnh Bắc Maluku. Hôm 15-1, nó đã phun cột tro bụi cao tới 4.000m lên không trung, khiến giới chức Indonesia nâng mức cảnh báo lên cấp cao nhất và ra lệnh sơ tán 3.000 người dân sống tại 6 ngôi làng lân cận.
Đây là một trong số 1.079 vụ phun trào của núi lửa được cơ quan địa chất Indonesia ghi nhận kể từ ngày 1-1 năm nay, với các cột tro bụi cao từ 300 - 4.000m so với đỉnh núi.
Mặc dù đã quyết định sơ tán toàn bộ dân làng bị ảnh hưởng nhưng tính đến ngày 19-1, chính quyền địa phương chỉ sơ tán được 517 người. Nhiều người từ chối sơ tán với lý do họ đã quen với việc núi lửa phun trào và đang trong mùa thu hoạch.
Ibu, một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất tại Indonesia, đã gia tăng đáng kể hoạt động kể từ tháng 6 năm ngoái. Người dân sống gần núi Ibu và khách du lịch đã được khuyến cáo tránh xa khu vực nguy hiểm từ 5-6km xung quanh miệng núi lửa và đeo khẩu trang để phòng ngừa tro bụi.
Indonesia thường xuyên chịu ảnh hưởng của các hoạt động địa chấn và núi lửa do nằm dọc Vành đai lửa Thái Bình Dương. Tháng 11 năm ngoái, núi lửa Lewotobi Laki-Laki cao 1.703m trên đảo Flores đã phun trào hơn 10 lần trong một tuần khiến 9 người thiệt mạng.
Cùng năm, núi lửa Ruang ở tỉnh Bắc Sulawesi phun trào nhiều lần, buộc hàng nghìn người ở các đảo lân cận phải di tản.