Khi cuộc chạy đua Nhà Trắng bước vào giai đoạn nước rút, Areli Hernandez đã tới thành phố Phoenix, bang Arizona, để nói chuyện với những người dân ở đây về kế hoạch trục xuất hàng loạt của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Đối với nhiều người, đó sẽ là một cơn ác mộng.
Hernandez cho biết câu chuyện của bản thân là nguồn cảm hứng để cô làm công việc tuyên truyền tình nguyện ở Arizona. Là một người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ, cuộc sống của Hernandez ở Mỹ cũng đang đối mặt nhiều rủi ro.
"Tôi nhớ khi Donald Trump lần đầu tiên lên nắm quyền, những người nhập cư xung quanh tôi đều sợ bị các quan chức nhập cư bắt", Hernandez, người sinh ra ở Mexico và được đưa đến California khi còn nhỏ vào cuối những năm 1980, cho hay. "Tôi biết hiện tại có rất nhiều người sợ hãi và tự hỏi 'mình sẽ phải làm gì đây?'".
Ông Trump phát biểu tại Sierra Vista, Arizona, bên bức tường biên giới với Mexico, hôm 22/8. Ảnh: AP
Sau chiến thắng vang dội trước Phó tổng thống Kamala Harris, ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 và được cho là sẽ sớm hiện thực hóa cam kết tiến hành chiến dịch trục xuất hàng loạt những người nhập cư không giấy tờ "lớn nhất trong lịch sử Mỹ".
Trump thường gọi những người từ Mexico vượt biên trái phép vào Mỹ là hành động "xâm lược", kể cả những người xin tị nạn vì chiến tranh, tội phạm băng đảng, bạo lực gia đình hay nghèo đói do khủng hoảng khí hậu. Tổng thống đắc cử coi Mỹ là "quốc gia bị chiếm đóng", đồng thời đổ lỗi cho người nhập cư là nguồn cơn của tội phạm và tai ương kinh tế.
Nhiều gia đình ở Mỹ hiện phải đối mặt với nguy cơ "tan đàn xẻ nghé" trong hành trình tìm kiếm giấc mơ Mỹ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, ít nhất 11 triệu người không có giấy tờ hợp lệ đang sống ở Mỹ.
Hội đồng Di trú Mỹ cho hay nếu tiến hành một triệu vụ trục xuất mỗi năm, chính quyền Trump có thể tiêu tốn 967,9 tỷ USD chi tiêu liên bang trong một thập kỷ. Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể dễ dàng thông qua kế hoạch này, nhưng nó có nguy cơ gây ra "thảm họa kinh tế" với Mỹ.
Dù vậy, ông Trump từng nói với tạp chí Time hồi đầu năm rằng: "Nếu tôi nghĩ mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát, tôi sẽ không ngần ngại huy động quân đội" để trấn áp người nhập cư trái phép. Tuyên bố này cho thấy quyết tâm của ông lớn đến mức nào trong đối phó với những người nhập cư mà ông cho là "mang gene xấu vào Mỹ".
"Có rất nhiều người trong cộng đồng chúng tôi sống trong các gia đình với tình trạng cư trú khác nhau, vì vậy, trục xuất hàng loạt là mối đe dọa trực tiếp đối với họ", Lindsay Toczylowski, giám đốc điều hành Trung tâm Luật Bảo vệ Người nhập cư, trụ sở tại Los Angeles, cho hay.
Tính đến năm 2022, khoảng 4,4 triệu trẻ em sinh ra ở Mỹ dưới 18 tuổi sống với cha mẹ là người nhập cư trái phép. Các em có quốc tịch Mỹ do sinh ra trên đất Mỹ, nhưng sẽ rơi vào cảnh không gia đình nếu bố mẹ đều bị trục xuất.
Năm 2023, một thẩm phán ở California đã thông qua phán quyết cấm các quan chức nhập cư khôi phục cái gọi là chính sách không khoan nhượng của chính quyền Trump trước đây về việc chia cắt các gia đình ngay tại biên giới trong 8 năm tới.
Những người ủng hộ nhập cư cảnh báo rằng trong nỗ lực "bảo vệ biên giới" của mình, ông Trump có thể thực hiện cam kết khôi phục nhiều chương trình gây tranh cãi, như chính sách "Ở lại Mexico" mà Tổng thống Joe Biden đã chấm dứt.
Chương trình này buộc những người xin tị nạn tại Mỹ phải chờ đợi ở Mexico trong lúc hồ sơ của họ được xử lý. Từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2021, 74.000 người xin tị nạn đã bị gửi trở lại Mexico, đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, tống tiền và bạo lực tình dục.
"Chúng tôi tin rằng chương trình này đã vi phạm luật pháp Mỹ vì không cho phép mọi người tiếp cận với luật sư, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối nó", Toczylowski tuyên bố. "Chính quyền Trump coi chương trình đó là một cách để đẩy những người xin tị nạn ra xa, nhưng điều chúng tôi thấy là mạng sống của mọi người bị nguy hiểm".
Việc Trump trở lại Nhà Trắng cũng có thể đồng nghĩa với dấu chấm hết cho chính sách mà tổng thống Barack Obama ban hành năm 2012 mang tên "Trì hoãn hành động với người nhập cư là trẻ em" (DACA). Nó đã xóa bỏ mối đe dọa bị trục xuất đối với khoảng 825.000 cá nhân được gọi là "những người mộng mơ", vốn được đưa đến Mỹ từ khi còn nhỏ để tìm kiếm giấc mơ Mỹ.
Bất chấp những nỗ lực trước đó của Trump nhằm hủy bỏ chương trình này, DACA vẫn được duy trì. Tuy nhiên, "những người mộng mơ" đang lo sợ về mối nguy hiểm mới.
Vào năm 2021, quyết định từ thẩm phán Andrew Hanen tại Texas đã cấm chính phủ xử lý các đơn đăng ký mới, nhưng cho phép những người hưởng chính sách DACA hiện tại, như Hernandez, được duy trì và gia hạn các biện pháp bảo vệ của họ.
"Hàng nghìn người, kể cả tôi, những người hưởng chế độ DACA, không có bất kỳ kế hoạch gì cho cuộc sống nếu Trump quyết định chấm dứt nó", Hernandez nói.
"Chúng tôi là những người nhập cư đã cống hiến cuộc đời và làm việc cho đất nước này, nhưng đất nước này không muốn thừa nhận chúng tôi", cô cho hay. "Người nhập cư không nên bị coi là nguyên nhân khiến chính phủ thất bại trong vấn đề nhà ở và nền kinh tế".
Những tuyên bố sai sự thật từ ông Trump về việc những người nhập cư Haiti ăn thịt thú cưng của người dân địa phương ở Springfield, Ohio, đã không thể ngăn ông giành được 55% số phiếu bầu tại bang này.
Người Haiti đến Mỹ sẽ được hưởng tình trạng bảo vệ tạm thời (TPS) vì tình trạng hỗn loạn đang diễn ra ở đất nước họ. Trump trước đây đã cố gắng chấm dứt TPS đối với người Haiti và giờ đây, khi ông quay lại Nhà Trắng, ý định đó chắc chắn chưa biến mất.
Guerline Jozef, giám đốc điều hành Liên minh Cầu nối Haiti, tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý cho người nhập cư gần biên giới Mỹ - Mexico, cho hay nhiều người nhập cư đang căng thẳng, lo lắng, bị tổn thương và điều quan trọng nhất là họ "không chắc bước tiếp theo nên làm gì".
"Điều mà mọi người thường không hiểu là sức mạnh trong lời nói của ông ấy. Và ngay cả khi không có bạo lực thể xác thì áp lực tinh thần, bạo lực tâm lý cũng rất nguy hiểm", Jozef nói.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, AFP, Reuters)