Chuyên mục  


Phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) cùng các đồng minh tuần trước mở đợt tấn công quy mô lớn ở miền bắc Syria và đã chiếm được Aleppo, thành phố lớn thứ hai đất nước. Một nhóm phiến quân khác cũng đã chiếm được Tal Rifat, đô thị nhỏ hơn ở phía bắc Aleppo, từ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria.

Các diễn biến mới này đã chấm dứt 4 năm yên ắng ở Syria, tiếp tục châm ngòi cuộc nội chiến bùng phát từ năm 2011, với sự hiện diện của nhiều thế lực, phe phái có lợi ích đan xen và mâu thuẫn nhau.

Từng là lãnh thổ ủy trị của Pháp, Syria trở thành quốc gia độc lập sau khi Thế chiến II kết thúc. Năm 1966, nhóm sĩ quan quân đội thuộc cộng đồng thiểu số Alawite, những người theo một nhánh của Hồi giáo dòng Shiite, tiến hành đảo chính quân sự để lên nắm quyền.

Điều này giúp cộng đồng Alawite thiểu số trở thành phe sở hữu quyền lực lớn nhất ở Syria, quốc gia có 74% dân số là người Hồi giáo dòng Sunni, bên cạnh các cộng đồng lớn khác như Cơ đốc giáo, Druze và Kurd.

Tình trạng mất cân bằng quyền lực trên đã tạo ra chia rẽ sâu sắc trong xã hội nước này và buộc tổng thống Syria Hafez al-Assad, chính trị gia thuộc cộng đồng Alawite, đối phó bằng các biện pháp cứng rắn. Sau khi ông qua đời năm 2000, con trai ông là Bashar al-Assad trở thành Tổng thống Syria và nắm quyền cho đến nay.

Ông Hafez al-Assad tại lễ kỷ niệm 28 năm nắm quyền Tổng thống Syria vào năm 1998. Ảnh: CFR

Khi phong trào biểu tình "Mùa xuân Arab" bùng phát tại Syria vào tháng 3/2011, cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số đã hậu thuẫn lực lượng nổi dậy chống đối chính phủ bằng bạo lực.

Tổng thống Assad cũng phản ứng mạnh tay giống như cha mình. Ông ra lệnh triển khai chiến đấu cơ, trực thăng, pháo binh và xe tăng tấn công các nhóm nổi dậy, khiến bạo lực bùng phát và ngày càng trở nên dữ dội, biến thành nội chiến ở Syria, khi quân đội chính phủ đối đầu với các nhóm nổi dậy và phiến quân nhận hỗ trợ từ các thế lực bên ngoài.

Lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Trung Đông sau "Mùa xuân Arab", phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy, chiếm nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và quốc gia láng giềng Iraq, công khai đối đầu với phương Tây và muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Assad.

Sự trỗi dậy của IS đã khiến các cường quốc như Mỹ, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hoạt động quân sự tại Syria, quốc gia có vị trí chiến lược về địa chính trị tại Trung Đông. Với lý do chống IS, các nước đưa quân, khí tài tới xây dựng căn cứ quân sự, củng cố ảnh hưởng chính trị lâu dài ở Syria.

Áp lực quân sự liên tục của liên quân quốc tế đã khiến IS bị đánh bại, thành trì cuối cùng của phiến quân sụp đổ vào năm 2019. Nhưng các cường quốc không rút khỏi Syria, mà tiếp tục duy trì hiện diện ở đây, với cái cớ "ngăn IS trỗi dậy", tạo thành cục diện chia 5 xẻ 7 ở quốc gia này.

Với sự giúp đỡ của Nga, Iran và nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon, tính đến năm 2020, các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad đánh bại IS, đẩy lùi các nhóm phiến quân Hồi giáo và kiểm soát khoảng 2/3 lãnh thổ Syria, chủ yếu là ở miền trung và miền nam.

Sau khi IS tan rã, các cuộc giao tranh quy mô lớn cũng chấm dứt, chỉ còn xảy ra vài vụ đụng độ lẻ tẻ, khiến cục diện này hầu như được giữ nguyên cho đến tháng 11 năm nay, khi HTS và đồng minh mở cuộc tấn công mới.

Bất chấp áp lực từ một số quốc gia, ông Assad khẳng định sẽ không nhượng bộ phiến quân và gọi các nhóm này là "khủng bố".

Phe đang có ảnh hưởng lớn thứ hai ở Syria, sau quân đội chính phủ, là HTS,nhóm có tiền thân là Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria. Lực lượng này được cho là sở hữu khoảng 15.000 tay súng và đã có kinh nghiệm quản lý hành chính tại một số khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền ông Assad ở tây bắc Syria.

HTS được hỗ trợ bởi Mặt trận Giải phóng Quốc gia, liên minh các nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Các tay súng của nhóm phiến quân HTS tuần tra tại sân bay ở thành phố Aleppo hôm 2/12. Ảnh: AFP

Phe thứ ba là Quân đội Quốc gia Syria (SNA), nhóm phiến quân khác được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. SNA có tiền thân là Quân đội Syria Tự do (FSA), một liên minh lỏng lẻo các nhóm đối lập vũ trang do các sĩ quan quân đội Syria đào tẩu thành lập vào năm 2011.

FSA từng được Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện, cung cấp vũ khí, nhưng tình trạng thiếu ngân sách và đấu đá nội bộ cùng sức ép từ IS đã khiến liên minh này suy yếu. Đến tháng 8/2016, Thổ Nhĩ Kỳ lập liên minh mới gắn kết hơn, dẫn đến sự ra đời của SNA, nhằm giúp Ankara đối phó với IS và một thế lực mạnh khác là Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG).

YPG là nhóm dân quân có nòng cốt gồm các tay súng người Kurd từng chiến đấu chống IS. Đây là cánh vũ trang của đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (YPD), lực lượng đang đấu tranh cho quyền tự trị của cộng đồng người Kurd ở Syria và đã thể hiện thiện chí hợp tác với bất kỳ thế lực nào có thể giúp họ đạt mục tiêu này.

YPG là "xương sống" của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), tổ chức được thành lập vào năm 2015 dưới sự bảo trợ của Mỹ để chống lại IS. Sau khi IS sụp đổ, cộng đồng người Kurd và đồng minh Arab tại Syria đã thành lập vùng tự trị ở đông bắc đất nước, không liên kết với chính quyền Tổng thống Assad hay các lực lượng chống đối chính phủ.

Các cường quốc can thiệp vào nội chiến Syria

Mỹ từng bí mật hỗ trợ phiến quân tại Syria trong nhiều năm để gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Assad phải chấp nhận một thỏa thuận chính trị, song dừng chương trình này vào giữa năm 2017. Mỹ hiếm khi tấn công trực tiếp quân đội chính phủ Syria, nhưng từng làm vậy để đáp trả việc lực lượng của ông Assad "sử dụng vũ khí hóa học", cáo buộc bị Damascus bác bỏ.

Quân đội Mỹ cũng đóng vai trò lớn trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Washington bắt đầu chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức này từ năm 2014, trước khi điều bộ binh vào sau đó một năm để hỗ trợ lực lượng người Kurd ứng phó IS.

Sau khi IS mất hết lãnh thổ từng kiểm soát tại Syria, Mỹ cũng giảm hiện diện quân sự ở đây, song vẫn duy trì lực lượng nhỏ nhằm mục đích chống lại tàn dư của tổ chức khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò tương đối phức tạp trong nội chiến Syria. Ankara hậu thuẫn các nhóm phiến quân và là thành viên quan trọng trong liên minh chống IS do Washington dẫn đầu.

Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tuần tra chung ở tỉnh đông bắc Hasakeh vào tháng 4/2023. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại thường xuyên tấn công YPG, dù đây là lực lượng mặt đất hiệu quả nhất của liên minh và được Mỹ cung cấp vũ khí.

Ankara coi YPG là kẻ thù do nhóm có nguồn gốc từ đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đang đấu tranh để thiết lập vùng tự trị tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984.

Iran đã triển khai lực lượng tinh nhuệ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tới Syria để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad, đồng minh chính của Tehran tại Trung Đông. Thiết lập liên minh với chính phủ ông Assad giúp Iran có thể tiếp cận với hành lang đất liền chạy qua Iraq, Syria, Lebanon, từ đó có thể vận chuyển vũ khí và thiết bị quân sự cho nhóm Hezbollah dễ dàng hơn.

Hezbollah đóng vai trò quan trọng giúp chính quyền ông Assad kiểm soát được phần lớn lãnh thổ đất nước và vẫn duy trì hiện diện lớn tại Syria. Tuy nhiên, lực lượng này đã suy yếu nhiều sau hơn một năm giao tranh với Israel.

Nga đã giúp quân chính phủ Syria thay đổi cục diện chiến trường kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích phiến quân vào năm 2015. Quân đội nước này vẫn duy trì hiện diện lâu dài tại căn cứ ở cảng Tartus và sân bay Hmeymim gần Latakia.

Cục diện "chia 5 xẻ 7" tại Syria. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ

Tuy phải tập trung cho chiến dịch tại Ukraine, không quân Nga những ngày qua vẫn tích cực hỗ trợ quân đội Syria oanh tạc các mục tiêu của phiến quân nhằm ngăn chặn bước tiến của đối phương.

Phạm Giang (Theo Reuters, Washington Post)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020