Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất nước này trong nhiều thập kỷ, khi bất ngờ ban bố thiết quân luật đêm 3/12, dường như để ngăn phe đối lập kìm hãm quyền lực của mình. Tuy nhiên, mọi tính toán của ông sụp đổ khi lệnh thiết quân luật vấp phải phản đối mạnh mẽ của quốc hội và công chúng, buộc Tổng thống phải đảo ngược quyết định sau chưa đầy 6 tiếng ban bố.
Các đảng đối lập đang thúc đẩy luận tội ông Yoon, trong khi nhiều người dân xuống đường biểu tình kêu gọi ông từ chức, khiến sự nghiệp chính trị của ông bị đe dọa hơn bao giờ hết.
Hai năm trước, ông Yoon giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hàn Quốc khi chỉ hơn đối thủ 0,7 điểm phần trăm, cách biệt sít sao nhất trong lịch sử nước này kể từ năm 1987.
Chiến thắng chật vật đó dường như là điềm báo cho con đường đầy trở ngại mà ông Yoon phải đối mặt khi trở thành Tổng thống. Ông là lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên không nắm quyền kiểm soát quốc hội trong bất kỳ thời điểm nào trong nhiệm kỳ.
Trong phát biểu nhậm chức, Tổng thống Yoon cam kết "xây dựng lại đất nước vĩ đại này" thành quốc gia "thực sự thuộc về người dân". Tuy nhiên, hai năm nắm quyền của ông lại được ghi dấu với tỷ lệ ủng hộ giảm mạnh, những bế tắc tại quốc hội và không ít bê bối, tranh cãi.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại cuộc họp báo ngày 17/8 ở Seoul. Ảnh: Reuters
Ngay sau khi đắc cử, ông Yoon đã gây nhiều tranh cãi khi quyết định chuyển văn phòng tổng thống khỏi Nhà Xanh đến tòa nhà Bộ Quốc phòng tại quận Yongsan, trung tâm thủ đô Seoul. Điều này không chỉ gây tốn kém về ngân sách mà còn làm dấy lên những lo ngại về an ninh và nhận được rất ít ủng hộ từ công chúng.
Một số chính trị gia đối lập còn cáo buộc ông Yoon đưa ra quyết định dựa trên lời khuyên của thầy phong thủy vì cho rằng vị trí của Nhà Xanh không tốt, phớt lờ vấn đề chi phí và an ninh.
Chính phủ của ông cũng bị chỉ trích vì thiếu các biện pháp chuẩn bị, phòng ngừa sau khi lễ hội Halloween ở Itaewon năm 2022 biến thành thảm kịch giẫm đạp, khiến 158 người thiệt mạng.
Hàn Quốc năm nay đối mặt cuộc khủng hoảng ngành y với nhiều cuộc đình công của y bác sĩ nổ ra, sau khi chính phủ của ông Yoon đưa ra chương trình cải cách đào tạo, kêu gọi tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người mỗi năm từ 2025.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Năm 2023, Hàn Quốc có 2,2 bác sĩ trên 1.000 bệnh nhân, thấp hơn mức trung bình của OECD.
Bất chấp các cuộc đình công của hàng nghìn bác sĩ nội trú, chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 5 vẫn phê duyệt kế hoạch tăng tuyển sinh khoảng 1.500 sinh viên tại các trường y vào năm 2025. Trong lệnh thiết quân luật ngày 3/12, ông Yoon yêu cầu nhân viên y tế đình công phải trở lại làm việc trong 48 giờ nếu không muốn chịu hình phạt theo luật quân sự.
Tổng thống Yoon cũng từng gây nhiều tranh cãi khi chọn bộ trưởng quốc phòng Lee Jong-sup làm đại sứ Hàn Quốc tại Australia. Quyết định được đưa ra khi ông Lee đang bị điều tra vì cáo buộc can thiệp cuộc điều tra binh sĩ Hàn Quốc chết đuối khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Công chúng cáo buộc ông Yoon cố gắng bao che cho đồng minh và quyết định nhanh chóng bị đảo ngược.
Trong những ngày trước cuộc bầu cử hồi tháng 4, ông Yoon đối mặt "bê bối hành lá", một trong những sự việc khiến đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông đánh mất hy vọng giành lại thế đa số ở quốc hội từ tay đảng Dân chủ (DP) đối lập.
Trong sự việc, ông Yoon hồi tháng 3 ghé thăm siêu thị Hanaro Mart ở Seoul để kiểm tra giá hành lá, nhằm thể hiện nỗi thông cảm trước áp lực tài chính mà các gia đình bình thường Hàn Quốc đang đối mặt. Chuyến thăm được ông Yoon kỳ vọng sẽ giành được ủng hộ của công chúng, nhưng cuối cùng lại khiến họ nghi ngờ ông không thấu cảm với người dân.
Ông Yoon khi thị sát kệ hành lá đã cho rằng mức giá 875 won (0,65 USD) một bó là hợp lý. Tuy nhiên, phe đối lập nhanh chóng chỉ ra rằng giá hành lá, một thực phẩm quan trọng trong các bữa ăn của người Hàn, trên thực tế cao gấp 3-4 lần và siêu thị này đã áp dụng chính sách giảm giá ngay trước chuyến thăm của ông.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ghé siêu thị Hanaro Mart để kiểm tra giá hành lá tại Seoul ngày 18/3. Ảnh: AFP
Phát ngôn về giá hành lá của Tổng thống Yoon lập tức trở thành đề tài chế giễu trên mạng xã hội, khi nhiều người cho rằng ông xa rời thực tế và không hiểu rõ nhu cầu sát sườn của người dân.
Các đối thủ chính trị của Tổng thống Hàn Quốc lập tức sử dụng hành lá làm vũ khí công kích đảng PPP trong các bài phát biểu vận động hay biểu tình. Ủy ban Bầu cử Quốc gia thậm chí cấm cử tri mang hành tới điểm bỏ phiếu vì cho rằng đây là hành động "can thiệp bầu cử".
Đảng Dân chủ đối lập không chỉ giành chiến thắng cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ mà còn củng cố vững chắc thêm vị thế của họ. Ông Yoon kể từ đó bất đồng với quốc hội do phe đối lập kiểm soát và gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các chương trình nghị sự.
Ông gần như không thể thúc đẩy các dự luật mà mình mong muốn, đồng thời chỉ có thể dựa vào quyền phủ quyết của Tổng thống để bác bỏ những dự luật do phe đối lập đưa ra.
Ông đã 12 lần phủ quyết các dự luật được quốc hội thông qua, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử Hàn Quốc, trong đó có dự luật về điều tra các cáo buộc chống lại đệ nhất phu nhân. Quốc hội cũng cho thấy họ không sẵn sàng thông qua những dự luật của tổng thống và đã đệ trình 22 kiến nghị luận tội chống lại quan chức chính phủ kể từ tháng 5/2022.
Tính đến tháng 1 năm nay, chỉ 29,2% các đề xuất do nội các của ông đệ trình lên quốc hội được thông qua, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Nhà bình luận chính trị Kim Joonil nhận xét tình trạng này khiến Tổng thống Yoon "dường như cảm thấy bị cô lập" và bị phe đối lập thách thức quyền lực của mình.
Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon cũng giảm liên tục từ khi ông nhậm chức. Cuộc thăm dò của báo Dong-A Ilbo chỉ ra ông chỉ giành được 17% tín nhiệm vào tháng trước. Và những bê bối liên quan tới đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee cũng làm tăng thêm rắc rối cho nhiệm kỳ của ông Yoon.
Ông Yoon kết hôn ở tuổi 51 và nói rằng ông cưới bà Kim, giám đốc điều hành một công ty triển lãm nghệ thuật, vì mối quan tâm với các phòng trưng bày.
Bà Kim từng nói sẽ "thầm lặng" hỗ trợ chồng, nhưng phong cách thời trang và những bê bối liên tiếp dường như khiến bà còn được chú ý hơn cả Tổng thống.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee tại London, Anh, hồi tháng 11/2023. Ảnh: Reuters
Kênh YouTube Voice of Seoul hồi tháng 11 năm ngoái đăng video bà Kim gặp một mục sư người Mỹ gốc Hàn và được tặng chiếc túi hiệu Christian Dior có giá khoảng 3 triệu won (2.200 USD) vào tháng 9/2022.
Chủ tài khoản kênh YouTube này đệ đơn khiếu nại lên cơ quan công tố Hàn Quốc, cáo buộc vợ chồng Tổng thống Yoon vi phạm đạo luật chống tham nhũng. Luật pháp Hàn Quốc cấm quan chức và vợ hoặc chồng nhận bất kỳ món quà nào giá trị hơn 750 USD.
Tổng thống Yoon bác bỏ video, cho rằng đây là "âm mưu chính trị" và vợ ông buộc phải nhận chiếc túi do không thể từ chối. Công tố viên Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra nhưng từ chối truy tố bà.
Một số thành viên đảng PPP đã thúc giục Tổng thống và phu nhân xin lỗi để xoa dịu vấn đề. Tuy nhiên, bê bối đã đe dọa gây rạn nứt trong chính đảng của ông.
Bà Kim cũng từng gây nhiều tranh cãi với cáo buộc trốn thuế, thao túng giá cổ phiếu, nhận tiền đút lót để tổ chức các triển lãm nghệ thuật và khai man sơ yếu lý lịch.
Sau cuộc khủng hoảng thiết quân luật, liên minh các nghị sĩ đối lập đã đệ trình kiến nghị luận tội Tổng thống. Nếu kiến nghị được quốc hội và Tòa án Hiến pháp thông qua, sự nghiệp chính trị của ông Yoon coi như đã chấm dứt.
Duyeon Kim, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm An ninh Nước Mỹ mới ở Washington, cho rằng sau loạt bê bối trong nhiệm kỳ, quyết định thiết quân luật của ông Yoon là "bước đi sai lầm và thậm chí là hành động tự bắn vào chân về chính trị".
Thùy Lâm (Theo Washington Post, El Pais, NEWS, AP)