Một binh sĩ thủy quân lục chiến của Mỹ hướng dẫn cách sử dụng kính ban đêm cho các quân nhân thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất tại tỉnh Gunma của Nhật vào tháng 3-2017 - Ảnh (tư liệu): US. MARINE CORPS
Đây là kế hoạch nâng cấp lớn nhất cho liên minh an ninh của họ kể từ khi hai nước ký hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1960. Hai ông Biden và Kishida cũng tái nhấn mạnh mối quan hệ song phương, khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc phòng thủ của Nhật và tìm kiếm các biện pháp bổ sung để tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của đồng minh.
Ứng phó với "thách thức chiến lược"
Chuyến thăm Mỹ từ ngày 8 đến 14-4 của ông Kishida diễn ra trong bối cảnh Tokyo cho biết có "mối quan ngại sâu sắc" trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc với chính quyền mới ở Đài Loan, nơi chỉ cách lãnh thổ Nhật Bản khoảng 100km.
Tuy nhiên đây không phải vấn đề của riêng Nhật Bản. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố sau cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Nhật Bản và Mỹ tại thủ đô Washington rằng "[Trung Quốc] là thách thức chiến lược chung lớn nhất mà chúng ta và các đồng minh, đối tác của chúng ta phải đối mặt".
Ngoài ra, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra, ai sẽ là chủ nhân mới của Nhà Trắng vẫn còn là dấu hỏi lớn. Do đó, việc Mỹ và Nhật có thể đạt được việc nâng cấp "lịch sử" trong quan hệ an ninh được coi là sẽ đặt mọi thứ vào "việc đã rồi" trước nhiệm kỳ tổng thống mới dù người đó là ai.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình (2017-2021), ông Trump đã nhiều lần yêu cầu Nhật phải đóng góp nhiều hơn cho việc chi trả chi phí của binh lính Mỹ đồn trú tại Nhật và được nhiều người đánh giá là không chú ý tới việc củng cố quan hệ "song phương".
Dưới nhiệm kỳ của Thủ tướng Kishida, Nhật Bản đã có những bước đi cụ thể để đẩy mạnh an ninh của mình. Nước này đã tăng cường đáng kể năng lực an ninh, chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, bao gồm kế hoạch mua tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ có thể tấn công tàu hoặc các mục tiêu trên đất liền cách xa 1.000km.
Trong chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng mới nhất vào tháng 12-2022, Nhật Bản đã cam kết tuân thủ các cải cách quốc phòng mang tính lịch sử khi đặt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng bằng 2% tổng sản phẩm quốc dân vào năm 2027.
Đây cũng được coi là kế hoạch nâng cấp quân đội Nhật lớn nhất kể từ Thế chiến 2. Nhật cũng cam kết trong chiến lược quốc phòng của mình sẽ "thảo luận sâu hơn nữa với Mỹ về vai trò, nhiệm vụ và khả năng của họ, đồng thời củng cố hơn nữa khả năng răn đe chung của cả hai nước theo cách tích hợp".
Tăng cường phối hợp trực tiếp
Hiện có khoảng 54.000 nhân viên quân sự Mỹ đóng tại Nhật, con số đóng quân cao nhất của quân đội Mỹ ở hải ngoại. Tuy nhiên, hoạt động của Lực lượng Mỹ tại Nhật (USFJ) thay đổi không nhiều trong các thập niên qua khi hiện tại USFJ vẫn có thẩm quyền hạn chế trong việc tiến hành các hoạt động chung với Nhật.
Do đó, quân đội Nhật phải làm việc với Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ ở Hawaii cách đó 6.200km để đưa ra nhiều quyết định khác nhau. Tokyo cho rằng điều đó không còn phù hợp trong bối cảnh địa chính trị ngày càng căng thẳng hiện nay.
Nhật từ lâu đã yêu cầu có một tướng Mỹ 4 sao (đại tướng) chỉ huy đóng quân ở nước này và trao nhiều quyền hơn cho lực lượng Mỹ tại đây. Kế hoạch đó nhằm tăng cường quyền lực của USFJ trong INDOPACOM, và cũng giúp USFJ có năng lực thể chế tốt hơn để liên lạc và phối hợp với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).
Nếu Nhật có thể đạt được sự đồng ý, dù chỉ một trong các yêu cầu trên từ phía chính quyền Tổng thống Biden vào tuần tới, đây có thể coi là tín hiệu chiến lược mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc và Triều Tiên rằng Mỹ sẽ củng cố cơ cấu chỉ huy ở Nhật và góp phần tăng khả năng răn đe ở Đông Bắc Á.
Hiện tại, sự phối hợp quân sự giữa Mỹ và Nhật vẫn bị cản trở bởi việc duy trì các cơ cấu chỉ huy song song và riêng biệt. Mỗi quốc gia tiến hành các hoạt động chung với lực lượng riêng của mình trong các chuỗi chỉ huy riêng biệt.
Về phần mình, quân đội Nhật cũng có kế hoạch thành lập "Bộ chỉ huy tác chiến chung" vào tháng 3 năm tới để cải thiện sự phối hợp giữa các binh chủng của JSDF, thống nhất chỉ huy các lực lượng lục quân, hải quân và không quân. Tokyo hiện đang mong chờ một thẩm quyền cao hơn từ USFJ để phối hợp.
Mô hình nào sẽ được chọn?
Một mô hình mà chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét có liên quan đến việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung mới sẽ trực thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, một trong những bộ chỉ huy thành phần tại INDOPACOM ở Hawaii.
Chỉ huy 4 sao của hạm đội sẽ dành nhiều thời gian ở Nhật hơn hiện tại. Đề xuất này do đô đốc John Aquilino, chỉ huy INDOPACOM, đề xuất. Tuy nhiên, bất kỳ mô hình nào được chọn đều sẽ phức tạp vì các câu hỏi về nguồn lực, cơ sở hạ tầng và các vấn đề liên quan đến cấp bậc quân sự.
Vào tuần tới, liệu chính quyền của ông Biden và ông Kishida có thể đưa mối quan hệ quốc phòng an ninh lên một tầm cao mới để đối phó với những thách thức mới từ Trung Quốc và Triều Tiên, đó sẽ là điều mà giới quan sát chăm chú theo dõi.