Nhà Trắng đêm 18-11 (giờ địa phương) tuyên bố chưa đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza nhưng sẽ tiếp tục hướng đi này. Trước đó không lâu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng khẳng định trong cuộc họp báo: "Tính đến lúc này, chưa có thỏa thuận nào cả. Nhưng tôi bảo đảm sẽ thông báo một khi đạt được điều gì đó".
Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi tờ The Washington Post đưa tin Israel, Mỹ và nhóm vũ trang Hamas đã đạt được thỏa thuận sơ bộ sau nhiều tuần bàn bạc ở Qatar. Theo đó, tất cả các bên dừng hoạt động quân sự trong ít nhất 5 ngày, đổi lại khoảng 50 con tin hoặc hơn sẽ được thả theo nhóm mỗi 24 giờ. Khoảng thời gian ngừng bắn cũng được dùng để tăng tốc hoạt động cứu trợ.
Hamas bắt giữ khoảng 240 con tin trong cuộc tấn công bất ngờ làm chết 1.200 người ở Israel hôm 7-10. Đến nay, Hamas mới thả 4 con tin, Israel cứu được 1 người và thi thể 2 con tin được tìm thấy gần Bệnh viện al-Shifa ở miền Bắc Gaza. Cuộc xung đột bước qua tuần thứ bảy đã cướp đi sinh mạng của 12.300 người ở Gaza, trong đó có 5.000 trẻ em - theo cơ quan y tế Gaza.
Người dân Palestine tá túc trong các lều tạm dựng tại khuôn viên Bệnh viện Nasser ở thị trấn Khan Younis, miền Nam Gaza Ảnh: REUTERS
Nhấn mạnh mục tiêu loại trừ Hamas, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố quân đội nước này đang mở rộng hoạt động bên trong TP Gaza và sẽ làm điều tương tự ở miền Nam dải đất "trong vài ngày tới".
Đây là tin tức rất xấu cho dân thường Gaza, những người đã sơ tán trong tuyệt vọng xuống miền Nam để tìm cơ hội sống sót. Khu vực sơ tán ở miền Nam Gaza hiện quá chật chội và những người tá túc không biết phải đi đâu khi Israel mở rộng chiến dịch tấn công, theo hãng tin AP.
Israel cũng khiến cộng đồng quốc tế đồng loạt cảnh báo sau nhiều ngày vây ráp và đột kích vào Bệnh viện al-Shifa lớn nhất Dải Gaza. Ngày 19-11, một ngày sau khi nhóm thực địa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến bệnh viện này, WHO mô tả nơi đây là "vùng đất chết" với lỗ chỗ vết đạn bắn và pháo kích.
-
Israel ép Hamas tới cùng, lửa xung đột lan xuống Nam Gaza
Vỏn vẹn 1 giờ tìm hiểu tình hình bên trong al-Shifa khiến nhóm của WHO nhận ra bệnh viện về cơ bản không còn hoạt động bình thường nữa do cạn kiệt nước sạch, nhiên liệu, thuốc men và các nhu yếu phẩm. Các hành lang và nền bệnh viện vứt đầy chất thải y tế, chất thải rắn.
WHO cho biết đang lên kế hoạch sơ tán tức thì 25 nhân viên y tế và 291 bệnh nhân, bao gồm 32 em bé đang nguy kịch, còn kẹt lại al-Shifa.
Trước khi nhóm của WHO đến al-Shifa, khoảng 2.500 người dân trú ẩn và bệnh nhân ngoại trú, nhân viên y tế đã rời bệnh viện. Tại những nơi khác ở miền Bắc Gaza, cơ quan viện trợ cho người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc UNRWA khẳng định Israel đã ném bom 2 trường học do UNRWA điều hành, một trường trong đó có hơn 4.000 dân thường ẩn náu.
Các nhân chứng còn kể với Reuters về trận giao tranh dữ dội suốt đêm 18 rạng sáng 19-11 giữa bộ binh Israel và các tay súng Hamas ở Jabalia, trại tị nạn lớn nhất Gaza nằm ở phía Tây Bắc dải đất. Tại đây có gần 100.000 người trú ngụ. Ngoài ra, hai trại tị nạn Bureij, Nusseirat ở miền Trung Gaza và thị trấn Khan Younis ở miền Nam cũng bị không kích.
Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas hôm 18-11 kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden can thiệp để chấm dứt chiến dịch của Israel tại Gaza. Cùng ngày, trong một bài bình luận đăng trên The Washington Post, Tổng thống Biden viết rằng nên để PA điều hành cả Dải Gaza và khu Bờ Tây một khi xung đột chấm dứt.
Khi được hỏi về ý kiến này của ông chủ Nhà Trắng, Thủ tướng Israel Netanyahu nhấn mạnh với dạng thức hiện nay, PA "không đủ khả năng đảm trách Gaza".
Israel không tiết lộ chiến lược của riêng họ đối với Gaza hậu xung đột, song ông Netanyahu khẳng định quân đội Israel phải được "hoàn toàn tự do hoạt động bên trong Gaza" sau này. Theo AP, phát biểu này ám chỉ khả năng Israel tái kiểm soát dải đất ven biển, ít nhất là tạm thời. Israel rút binh lính khỏi Gaza vào năm 2005.