Chuyên mục  


Những kẻ có khả năng thực hiện hành vi phạm tội, đặc biệt là người "bất bình về bầu cử", sẽ coi sự kiện quan trọng vào ngày 20/1 là "cơ hội cuối cùng để tác động đến kết quả bầu cử thông qua bạo lực", nhóm các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật viết trong một đánh giá về những mối đe dọa tiềm tàng đối với lễ nhậm chức tổng thống Mỹ.

Mối quan ngại của những cơ quan này phản ánh môi trường chính trị bất ổn, đi kèm với nguy cơ bạo lực đang gia tăng mà ông Trump sẽ phải đối mặt trong 4 năm nhiệm kỳ tiếp theo.

Buổi tổng duyệt cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Washington ngày 12/1. Ảnh: AFP

Lực lượng thực thi pháp luật đang tăng cường các nỗ lực an ninh cho lễ nhậm chức. Cảnh sát từ khắp cả nước sẽ đổ về Washington. Sở cảnh sát thành phố sẽ được tăng cường khoảng 4.000 nhân viên, bên cạnh 1.000 sĩ quan hỗ trợ từ Cảnh sát Đồi Capitol. Tổng cộng, sẽ có khoảng 25.000 nhân viên thực thi pháp luật và binh sĩ có mặt để bảo vệ buổi lễ.

Giới chức an ninh Mỹ vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao nhiều tháng sau hai vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump hồi năm ngoái cũng như các vụ tấn công gần đây ở New Orleans và Las Vegas.

Bản đánh giá rủi ro, do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Cơ quan Mật vụ, Cảnh sát Đồi Capitol, chính quyền Washington và cơ quan cảnh sát thuộc Tòa án Tối cao biên soạn, đã vạch ra một loạt các kịch bản ác mộng và những phần tử có nguy cơ biến chúng thành hiện thực.

Theo đó, những phần tử khủng bố nước ngoài, những kẻ cực đoan trong nước và những kẻ hành động theo kiểu "sói đơn độc" có thể gieo rắc khủng hoảng bằng cách đe dọa đánh bom, báo tin khẩn cấp giả mạo, điều khiển máy bay không người lái (UAV) quấy rối hay thậm chí là lao xe.

Bên cạnh đó, các quan chức an ninh cũng đề cao cảnh giác trước những mối đe dọa từ Iran. Ông Trump đã ra lệnh hạ sát tướng hàng đầu Iran Qassem Soleimani trong nhiệm kỳ đầu hồi năm 2020. Tháng 11/2024, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Farhad Shakeri, 51 tuổi, được Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) "giao nhiệm vụ lập kế hoạch ám sát ông Trump". Tài liệu của tòa án cho thấy Shakeri là công dân Afghanistan sinh sống tại Tehran, hiện vẫn ở Iran nhưng không rõ tung tích.

Bản đánh giá rủi ro còn cho biết 700.000 người dùng trên ứng dụng Telegram đã đe dọa sẽ ám sát ông Trump sau ngày bầu cử, phản hồi một video do đơn vị truyền thông liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đăng tải.

Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ vào tháng này, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định Tehran không bao giờ âm mưu ám sát ông Trump, nói rằng cáo buộc là "một trong những mưu đồ mà Israel và các nước khác vạch ra để thúc đẩy chủ nghĩa bài Iran".

Các quan chức thực thi pháp luật còn lo ngại rằng những cuộc biểu tình xung quanh lễ nhậm chức có thể trở nên hỗn loạn. "Trong các cuộc biểu tình trước đây, một số cá nhân đã chặn đường, xâm phạm, phá hoại tài sản và chống người thi hành công vụ", các cơ quan cho biết.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu với báo chí sau khi đến viếng cố tổng thống Jimmy Carter tại Washington hôm 8/1. Ảnh: AFP

John Cohen, cựu quan chức chống khủng bố từng hỗ trợ lập kế hoạch an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống Biden, nhận định sự kiện năm nay phải đối mặt nhiều mối đe dọa hơn so với 4 năm trước, dù lễ nhậm chức năm 2021 diễn ra chỉ vài tuần sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol.

"Là một người tham gia vào quá trình lập kế hoạch cho lễ nhậm chức lần trước, tôi nhận thấy các mối đe dọa khi đó rất nguy hiểm", Cohen nói. "Nhưng các mối đe dọa hiện tại thậm chí còn bất ổn và nguy hiểm hơn so với năm 2021, dựa trên những công việc tôi đã làm cùng lực lượng thực thi pháp luật xuyên suốt 4 năm qua".

Ông đặc biệt lưu tâm đến các âm mưu ám sát, những mối đe dọa gần đây tại Đồi Capitol và thái độ ngày càng lan rộng trong xã hội cho rằng bạo lực, phá hoại là những cách có thể chấp nhận được để thể hiện quan điểm chính trị.

Tháng này, cảnh sát Đồi Capitol đã bắt một người đàn ông vì định mang theo dao vào nơi viếng cố tổng thống Jimmy Carter. Cùng thời điểm, một người đàn ông khác bị bắt vì đốt xe điện gần tòa nhà quốc hội trong khi Tổng thống đắc cử đang ở đó.

Các cơ quan thực thi pháp luật có chung lo ngại với Cohen. Một phát ngôn viên Sở Cảnh sát Thủ đô Washington cho biết cơ quan này đã dành nhiều tháng thảo luận kế hoạch bảo vệ sự kiện với các đối tác. Một phát ngôn viên từ Cơ quan Mật vụ cho biết họ cũng đang tích cực làm việc với cảnh sát và Bộ Quốc phòng nhằm bảo vệ lễ nhậm chức.

Công nhân dựng rào chắn gần Nhà Trắng hôm 13/1. Ảnh: Reuters

Khoảnh khắc quan trọng nhất của lễ nhậm chức sẽ là ông Trump đọc lời tuyên thệ tại Đồi Capitol. Cảnh sát Đồi Capitol đã có nhóm chuyên trách tập trung vào lễ nhậm chức kể từ tháng 5 năm ngoái, theo một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề. Các hoạt động của lực lượng cảnh sát quốc hội cũng sẽ được tăng cường khi ngày nhậm chức đến gần.

Người phát ngôn của Cảnh sát Đồi Capitol khẳng định họ đang phối hợp với số lượng kỷ lục nhân viên từ các cơ quan thực thi pháp luật khác, nhằm cung cấp những lớp bảo vệ an ninh vững chắc nhất cho buổi lễ.

"Bạn sẽ thấy an ninh được tăng cường và mở rộng đáng kể, từ các rào chắn kiên cố, các cuộc phong tỏa đường phố đến việc triển khai lực lượng thực phi pháp luật, lực lượng an ninh chìm cũng như thành viên Vệ binh Quốc gia tại những địa điểm quan trọng", Cohen nói.

Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020