Chuyên mục  


Israel tối 27/9 không kích dữ dội vào vùng ngoại ô phía nam của thủ đô Beirut của Lebanon, nơi đặt trụ sở chính của Hezbollah, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và 108 người bị thương. Hezbollah sau đó xác nhận thủ lĩnh Hassan Nasrallah đã thiệt mạng.

Giới chuyên gia cho rằng đây là đòn giáng mạnh vào Hezbollah, khi nhóm đang đối mặt chiến dịch tấn công ngày càng dữ đội của Israel, cũng là tổn thất với Iran khi xét đến vai trò quan trọng của ông Nasrallah trong "trục kháng chiến" do Tehran hậu thuẫn.

"Ông ấy là thủ lĩnh khôn ngoan và nguy hiểm nhất ở thế giới Arab", Daniel Ayalon, khi đó là đại sứ Israel tại Mỹ, nói vào năm 2006.

Chân dung Hassan Nasrallah trên truyền hình Lebanon ngày 28/9, sau khi nhóm xác nhận cái chết của ông. Ảnh: AFP

Nasrallah sinh năm 1960 ở Beirut, là con thứ chín trong gia đình có 10 anh chị em, từng theo học tại các trường học của người Shiite ở Iran và Iraq để trở thành giáo sĩ Hồi giáo. Khi trở về Lebanon, ông tham gia Phong trào Amal, lực lượng dân quân người Shiite, và nhanh chóng vươn lên vị trí lãnh đạo cấp cao.

Năm 1982, ông góp sức thành lập Hezbollah và lực lượng Hồi giáo dòng Shiite mới nổi này nhanh chóng trở thành bàn đạp đưa ảnh hưởng của Nasrallah vươn xa. 10 năm sau, ở tuổi 32, ông được chỉ định là người dẫn dắt nhóm.

Dưới sự lãnh đạo của Nasrallah, Hezbollah đã phát triển từ phong trào du kích do Iran hậu thuẫn ở Lebanon thành "thực thể phi nhà nước có sức mạnh quân sự đứng đầu thế giới", theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ.

Nasrallah được tôn sùng ở Lebanon và khắp thế giới Arab sau khi Israel rút quân khỏi miền nam Lebanon vào tháng 5/2000 do sức ép từ các cuộc tấn công liên tục của Hezbollah, chấm dứt 22 năm Tel Aviv kiểm soát biên giới nước láng giềng.

Mức độ nổi tiếng của Nasrallah càng tăng vọt sau khi lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian đã chấm dứt cuộc xung đột giữa Hezbollah và Israel vào năm 2006. Người ủng hộ ông lúc bấy giờ phân phát những tấm áp phích có hình ảnh Nasrallah và tuyên bố "chiến thắng thiêng liêng".

Nasrallah không phải quan chức nhà nước Lebanon, nhưng ông là một trong những gương mặt chính trị có sức ảnh hưởng bậc nhất quốc gia Trung Đông. Dưới thời Nasrallah, Hezbollah trở thành đảng chính trị chiếm ưu thế ở Lebanon, có ghế trong quốc hội và bộ trưởng trong nội các.

Mạng lưới cơ sở y tế, trường học và dịch vụ xã hội của Hezbollah dành cho khu vực bầu cử của người Hồi giáo dòng Shiite tốt hơn những gì chính phủ Lebanon có thể cung cấp.

Một nhóm người dân cầm ảnh Nasrallah và hô khẩu hiệu trên đường phố Beirut, Lebanon ngày 28/9, sau khi Hezbollah thông báo về cái chết của ông. Ảnh: AFP

Nasrallah cũng là đồng minh trung thành và đáng tin cậy nhất của Iran, giúp Tehran duy trì và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Bộ Tài chính Mỹ hồi năm 2012 đưa Nasrallah và những chỉ huy khác của Hezbollah vào "danh sách khủng bố", cáo buộc ông hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tham gia những cuộc tấn công ở Trung Đông cũng như trên toàn thế giới.

Đối với những người ủng hộ Nasrallah, ông được xem là lãnh tụ, "kim chỉ nam đạo đức" và người dẫn dắt về chính trị. Dù vậy, ở một đất nước bị chia rẽ như Lebanon, Nasrallah cũng bị nhiều người căm ghét, đặc biệt là những người mơ ước về một quốc gia không có chủ nghĩa giáo phái. Họ cáo buộc Nasrallah biến Hezbollah thành một nhà nước thu nhỏ, đã gặm nhấm quyền lực chính phủ và củng cố ảnh hưởng của Iran tại Lebanon.

Những người phản đối cũng nói ông phá hỏng mối quan hệ giữa Lebanon với các quốc gia Arab, những nước có thể giúp đỡ Lebanon giải quyết khó khăn về kinh tế, đặc biệt là khi ông ủng hộ Houthi ở Yemen, lực lượng đối đầu với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) khác. Nhiều người cũng thất vọng khi ông hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Do đối mặt nhiều mối nguy, Nasrallah không còn xuất hiện trước công chúng kể từ năm 2014, mà chỉ phát biểu qua truyền hình từ các địa điểm bí mật.

Nasrallah luôn xuất hiện trong chiếc áo choàng truyền thống và khăn xếp màu đen để chứng minh ông là hậu duệ của nhà tiên tri Mohammed. Ông thường đưa ra lời khuyên về nhiều chủ đề, từ các sự kiện phức tạp ở khu vực đến vệ sinh cá nhân trong đại dịch Covid-19. Ông có thể nói hàng giờ mà không cần sử dụng văn bản, luôn theo cách bình dân nhưng thể hiện khả năng hùng biện.

"Cái chết của Nasrallah để lại lỗ hổng lớn đối với Hezbollah, Lebanon và tham vọng khu vực của Iran. Nasrallah là Hezbollah và Hezbollah chính là Nasrallah", Hanin Ghaddar, chuyên gia thuộc Viện Washington về Chính sách Cận Đông có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.

"Tác động của vụ hạ sát sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi diễn ra trong tổ chức. Vị trí thủ lĩnh tối cao có thể sẽ được truyền lại cho một người chưa được biết đến nhiều. Dù họ có chọn được người thay thế thật nhanh đi chăng nữa thì Hezbollah đã bị giáng đòn nặng nề về danh tiếng, khả năng quân sự, bộ máy lãnh đạo", Mohanad Hage Ali, từ Trung tâm Carnegie Trung Đông, nhận xét.

Minh chứng cho quyền lực tối cao trước đây của Nasrallah là ông không có đối thủ thách thức và cạnh tranh quyền lực trong suốt 32 năm nắm quyền. "Ông ấy đại diện cho thời kỳ hoàng kim của Hezbollah, những chiến thắng và thành công của nhóm. Thời kỳ hoàng kim của Hezbollah đã chấm dứt cùng Nasrallah", Ghaddar nêu quan điểm.

Huyền Lê (Theo Washington Post, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020